HomeBài viết khácBài viết chung về y tế

An toàn thực phẩm – BS Nguyễn Đức Kiệt

Đông dược Phú Hà – Trong những năm gần đây, an toàn thực phẩm được các phương tiện thông tin đại chúng đề cập đến càng ngày càng nhiều. Phần lớn là những thông tin tiêu cực, cả hàng nội và hàng ngoại nhập. Vậy với góc độ y tế mà nhìn nhận, vấn đề đó như thế nào? Thực trạng tình hình ra sao? Liệu có nghiêm trọng đến mức đáng lo ngại như người dân lo lắng không? Làm thế nào để cải thiện được tình hình? Trách nhiệm này thuộc về ai? Người dân phải làm sao để trở thành “người tiêu dùng thông thái” như một số nhà quản lý khuyến cáo? … Dưới đây là một số thông tin đề cấp đến vấn đề đã nêu ở trên, xin kính chuyển đến quý vị đọc để tham khảo (Bài đã đăng trên tạp chí Thế giới mới, Việt Nam):

Đầu tháng 4 – 1998, tại hội nghị tổng kết công tác quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, PTS Hoàng Đình Hồi, Vụ trưởng Vụ Y tế dự phòng cho biết: trong năm 1996, theo thống kê chưa đầy đủ (chỉ có 30/61 tỉnh, thành báo cáo) đã có 50 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.341 nạn nhân, trong đó 25 người chết. Năm 1997, toàn quốc có 585 vụ ngộ độc với 6.421 nạn nhân và số người chết đã lên đến 46 người. Các tỉnh thành phố có số người ngộ độc nhiều nhất là: Kiên Giang (1.322 người), TP. Hồ Chí Minh (578  người), Hà Tĩnh (529 người), Phú Thọ (396 người), Ninh Thuận (252 người), Quảng Nam (238 người), Bình Thuận (232 người)… Số tỉnh có số lượng trên 100 người bị ngộ độc đã lên đến 18/61 tỉnh, thành chiếm 29% tỉnh, thành trong cả nước! Các tỉnh có số người chết vì ngộ độc phải kể đến là: Kiên Giang (10 người), Bình Thuận, Cần Thơ, Thái Nguyên (mỗi tỉnh 5 người), Bình Phước (4 người), Quảng Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng (mỗi tỉnh 2 người). Đây mới chỉ là thống kê do các tỉnh báo cáo, trên thực tế con số người mắc và chết có thể còn cao hơn nhiều.

Theo tổ chức Y tế thế giới, số người bị ngộ độc được báo cáo thường chỉ bằng khoảng 1% số người bị ngộ độc thật sự tại cộng đồng. Thông thường, mỗi vụ ngộ độc thực phẩm gồm từ vài người đến vài chục người (ví dụ vụ 46 cháu ở mẫu giáo Bến Thành, Q1, TP. Hồ Chí Minh ngộ độc thức ăn ngày 16-5-1998), nhưng cũng có những vụ ngộ độc lớn như vụ ngộ độc tại xí nghiệp giày da thuộc công ty Hoàng Gia: 1.179 người phải vào nằm bệnh viện. Rất may, do cấp cứu kịp thời nên không có trường hợp nào tử vong.

Nguyên nhân của ngộ độc thực phẩm rất nhiều, nhưng phổ biến là do ăn phải thức ăn nhiễm vi sinh vật (48%), nhiễm hoá chất bảo vệ thực vật (27%), ăn phải các chất độc như nấm độc, lá ngón, gan cóc, mật cá trắm… (15%) và một  lượng không nhỏ là phẩm màu (10%). Các trường hợp ngộ độc thường do khâu chế biến và bảo quản thực phẩm không đúng quy cách. Số trường hợp bị ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn được chế biến và bao gói sẵn chiếm tỉ lệ không đáng kể.

Nguyên nhân của ngộ độc thực phẩm, trước hết phải kể đến do nhiễm vi sinh vật. Theo báo cáo khoa học của các tác giả ở Viện dinh dưỡng (Tình hình vệ sinh thức ăn chế biến sẵn trên thị trường Hà Nội – Phan Thị Kim, Huỳnh Hồng Nga, Nguyễn Khánh Trâm, Hà Anh Đào, Vũ Thị Hoà và cộng sự, khoa Hoá vệ sinh thực phẩm Viện dinh dưỡng), tình hình ô nhiễm thức ăn bán lẻ ở thị trường thật đáng lo ngại. Các tác giả lấy 17 loại thực phẩm thông thường bán lẻ trên thị trường Hà Nội để xét nghiệm vệ sinh. Trong 17 loại thực phẩm được kiểm tra, 15/17 loại không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh do ô nhiễm vi sinh vật hoặc sử dụng phẩm màu ngoài danh mục cho phép, trong đó ô nhiễm cao nhất là kem, thịt quay, xôi xéo, vì trên 75% số mẫu được kiểm tra không đạt yêu cầu về vi sinh vật và phẩm màu; 50% các mầu xôi gấc và bánh xu xê ô nhiễm vi sinh vật; 100% thịt quay sử dụng phẩm màu ngoài danh mục.

Các mẫu dăm bông, xúc xích đang được sử dụng nhiều trong dân chúng cũng như các bữa liên hoan, cũng có tỉ lệ không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh vì bị nhiễm khuẩn từ 60 – 70%. Phẩm màu ngoài danh mục cho phép trong dăm bông, xúc xích, thịt bò khô, lạp xường, xôi gấc có tỉ lệ tới 20 – 40%.

Tuy các mầu mứt tết có độ đường cao thường không thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, nhưng có tới 83,3% mứt tết sử dụng phẩm mầu ngoài danh mục cho phép (trong 12 mầu mứt tết kiểm tra thì 100% mứt của các cơ sở tư nhân chế biến đóng hộp đều dùng phẩm màu ngoài danh mục, 2 mẫu dùng phẩm màu cho phép đều do cơ sở quốc doanh sản xuất). Các phẩm màu sử dụng ngoài danh mục chủ yếu là màu da cam (60%) rồi đến vàng (23%) và đỏ. Kiểm tra các phẩm màu bán lẻ tại các chợ dưới dạng “phẩm hoa hiên” thì 100% là phẩm công nghiệp, không được phép sử dụng. Đây là điều rất đáng lo ngại, nếu không có biện pháp kiểm tra và nghiêm cấm thì sẽ có ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ của người sử dụng.

Bên cạnh việc  ngộ độc cấp tính thức ăn, các bệnh mạn tính do nhiễm và tích lũy các chất độc hại do việc sử dụng không đúng các thuốc trừ sâu diệt cỏ, phân bón, các thuốc tăng trưởng trong chăn nuôi, trồng trọt, có thể gây rối loạn các chất trong cơ thể, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Để nâng cao sản lượng lương thực, thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp, cho đến nay, trên thế giới đã sản xuất hơn 100.000 loại hoá chất bảo vệ thực vật khác nhau, thuộc trên 900 hợp nhất hoá học, trong đó có trên 100 loại thông dụng với số lượng hằng năm trên 100.000 tấn.

Các hoá chất bảo vệ thực vật thường tồn tại một thời gian trong đất hoặc trên bề mặt cây cối rồi thẩm thấu qua rễ lá, hoa… tích lũy vào trong cây, hạt, củ… để tiếp tục tồn tại trong lương thực, thực phẩm dưới dạng dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật. Các hoá chất bảo vệ thực vật thuộc nhóm clo hữu cơ như DDT, 2,4 -D thải trữ rất chậm, rất bền vững trong đất, trong nước, gây ô nhiễm môi trường lâu dài. Khi vào cơ thể, chúng có khả năng tích lũy lâu trong nội quan, nhất là các mô mỡ, trở thành chất độc đối với hệ thần kinh trung ương, gan và thận. Hiện nay nhiều nước đã cấm sử dụng các loại này, nhưng ở nước ta nhiều nơi vẫn còn sử dụng khá phổ biến. Các hoá chất bảo vệ thực vật thuộc nhóm lân hữu cơ thường được sử dụng với nồng độ thấp, thời gian tồn tại ngắn, khi phân huỷ thường tạo ra các sản phẩm ít độc đối với người và gia súc, ít bị tích lũy. Tuy nhiên, nhóm lân hữu cơ này do chuyển hóa nhanh trong động vật có xương sống nên thường gây ngộ độc cấp ở người.

Theo KS Trần Quang (Viện Dinh dưỡng), kết quả điều tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại 5 chợ của Hà Nội và 5 chợ của Hà Bắc (Ô nhiễm hoá học, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và các chất phụ gia thực phẩm – KS. Trần Quang, khoa Hoá và vệ sinh thực phẩm, Viện Dinh dưỡng – tài liệu hội thảo) cho thấy mức độ ô nhiễm là rất đáng lo ngại trong rau cải, chất cyper methrin gấp 2 – 4 lần, chất methamidophos gấp 7,5 – 8 lần, chất methyl- parathion gấp 4 – 8 lần; trong đậu đỗ, chất cyper methrin gấp 2 – 2,5 lần; Trong nho tươi, chất diclovos gấp 4 – 6 lần mức dư lượng tối đa cho phép. Chất methamidophos là loại thuốc đã bị hạn chế sử dụng và chất methyl parathion là loại thuốc cấm sử dụng nhưng vẫn có mức dư lượng cao trong rau là điều rất nguy hại.

Từ tháng 11 – 1996 đến tháng 4 – 1997, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Viện dinh dưỡng và các cơ quan khác kiểm tra 60 mẫu sản phẩm nông nghiệp tại các chợ thuộc các huyện Gia Lâm, Từ Liêm, Thanh Trì (Hà Nội) cho thấy có tới 25% mẫu kiểm tra có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó 5% mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đã bị cấm sử dụng trong nông nghiệp. Sở dĩ có hiện tượng trên vì hiện nay ước tính có trên 160 loại thuốc bảo vệ thực vật đang lưu hành trên toàn quốc, được nhập vào nước ta theo nhiều đường khác nhau, các thuốc này được nông dân mua bán, sử dụng, bảo quản… hết sức tuỳ tiện. Hiện tượng ngâm quả vào dung dịch thuốc bảo vệ thực vật trước khi đem bán “cho nó tươi” hay phun thuốc hôm trước hôm sau hái đem bán… để rau xanh, non… không phải là hiếm. Có một số người làm như vậy do thiếu kiến thức nhưng không ít người biết tác hại của chúng mà vẫn nhắm mắt làm liều.

Bằng chứng là rau quả để gia đình ăn, họ trồng một mảnh đất riêng, không phun các loại thuốc này. Họ chỉ phun thuốc vào rau quả đem ra chợ bán. Vấn đề rau an toàn (mà ta quen gọi là rau sạch) đang là vấn đề thời sự hiện nay. Nhưng thật giả ra sao, giá cả thế nào… còn nhiều điều cần phải bàn.

Trước tình hình trên, từ năm 1996 đến nay, Bộ Y tế được chính phủ giao quản lý chất lượng – an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng đây là một nhiệm vụ vừa mới mẻ, vừa khó khăn, có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, đặc biệt là phụ thuộc vào ý thức của mỗi người nông dân nên kết quả đòi hỏi phải có thời gian, không phải một sớm một chiều có thể giải quyết ngay được. Vả lại, tuy ngành y tế được giao thêm nhiệm vụ, nhưng kinh phí, con người và trang thiết bị thì lại chưa được giao thêm nên nhiều khi lực bất tòng tâm. Thí dụ, muốn kiểm nghiệm được độc chất trong thực phẩm, tại mỗi tỉnh phải được trang bị một máy kiểm nghiệm độc chất với giá rẻ nhất cũng phải một tỉ đồng.

Rồi trên thị trường có bao nhiêu độc chất thì trong phòng thí nghiệm phải có bấy nhiêu chất chuẩn để thử, nghĩa là số loại thuốc thử phải lên đến con số 160. Vả lại, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm là việc làm “trên ngọn”, còn “tại gốc” thì người cung ứng (nông dân và những người chế biến, bảo quản thực phẩm) vẫn phun, ngâm thuốc bảo vệ thực vật trước khi đem bán hay dùng phương tiện bẩn chuyên chở thực phẩm, dùng phẩm màu công nghiệp, dùng hàn the chế biến thức ăn… Đó là những thách thức mà ngành Y tế ngay một lúc khó có thể vượt qua.

Điều quan trọng là mỗi người dân phải nhận thức được tính chất nghiêm trọng của vấn đề, luôn luôn đề cao cảnh giác, biết tự bảo vệ mình và có ý thức bảo vệ cho người thân, cho cộng đồng, không vì lợi nhuận mà làm hại người tiêu dùng, vì việc ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính thực phẩm sẽ có tác hại khôn lường, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà cho cả thế hệ mai sau./.

BS Nguyễn Đức Kiệt

(Bài đã đăng trên Tạp chí Thế giới mới, 1998)

COMMENTS