Đạo đức nói chung, đạo đức của người thầy thuốc – y đức – nói riêng là một phạm trù khá rộng. Ở đây chúng tôi chỉ muốn bàn đến một khía cạnh của vấn đề là: Thế nào là người thầy thuốc có đạo đức? Tôi rất nhất trí với ý kiến của một số độc giả: người thầy thuốc có đạo đức là người có cái đầu thông minh, đôi bàn tay khéo léo và một trái tim nhân hậu.
Có người đặt câu hỏi: Tại sao nói đến đạo đức lại nói đến “cái đầu thông minh”? Thông minh hay không thì có ảnh hưởng gì đến đạo đức? Vâng, có thể thông minh không ảnh hưởng đến đạo đức, nhưng đây là đạo đức nói chung, còn y đức của người thầy thuốc thì quả là rất cần đến cái đầu thông minh.
Bởi vì con người là sản phẩm tuyệt vời của thiên nhiên. Cơ thể con người được cấu tạo bởi những “hệ” có những chức năng chuyên biệt, như hệ cơ, xương, khớp… và những bộ máy rất hoàn chỉnh như tuần hoàn, hô hấp, tiêu hoá, sinh dục – tiết niệu… Nhưng tất cả những hệ, những bộ máy ấy lại được điều khiển thống nhất bởi thần kinh trung ương. Cơ thể còn có một ưu điểm tuyệt vời nữa là cân bằng tự điều chỉnh. Chỉ khi cơ thể đã mất khả năng tự điều chỉnh thì bệnh mới biểu hiện. Công việc của người thầy thuốc khi chữa bệnh là tìm cách để điều chỉnh lại cân bằng của cơ thể. Để chẩn đoán một bệnh, đòi hỏi người bác sĩ không chỉ thuộc giải phẫu, sinh lý (các môn y học cơ sở) giỏi về bệnh học (các môn y học lâm sàng) mà còn phải tinh thông khoa học xã hội để có nghệ thuật giao tiếp, biết khai thác để tìm ra sự thật của nguyên nhân gây bệnh. Rồi khi giả thiết được nêu lên, người bác sĩ phải cho thăm dò bằng máy móc, xét nghiệm để chứng minh các giả thiết của mình. Người bác sĩ phải nhớ hàng trăm hằng số sinh lý, bệnh lý của con người, đọc được các kết quả cận lâm sàng như điện tim, siêu âm, phim chụp X quang, phim chụp cắt lớp… Chẩn đoán để tìm ra căn bệnh và nguyên nhân gây bệnh là một điều hết sức khó khăn. Nhưng chẩn đoán được bệnh chưa đủ mà phải có phương pháp điều trị đúng đắn và thích hợp, nghĩa là có phương pháp chữa đúng với từng căn bệnh và đỗi với mỗi con người. Chỉ cần một sơ suất nhỏ là “sai một ly đi một dặm”.
Sinh thời, GS Đặng Văn Chung, một thầy thuốc trùm về nội khoa của Việt Nam, đã nói: Muốn chữa được bệnh, người thầy thuốc phải có 3 điều biết là biết người, biết bệnh, biết thuốc. Trên thực tế, không có người chung chung mà mỗi con người là một cá thể riếng biệt. Bởi vì trẻ em khác người lớn, đàn ông khác đàn bà, người già khác người trẻ, mà ngay cả phụ nữ cũng khác nhau khi bình thường, lúc hành kinh, khi chửa đẻ, lúc đang cho con bú…
Căn bệnh cũng không phải giống nhau: Thời kỳ ủ bệnh khác với thời kỳ khởi phát, cũng không giống thời kỳ toàn phát hay khi bệnh lui và giai đoạn cuối. Thí dụ nhân dân ta có thói quen khi bị cảm sốt thì cho xông lá thơm. Nhưng xông chỉ được phép thực hiện vào thời kỳ mới bị bệnh, nghĩa là khi bệnh mới phạm vào “biểu”, còn khi bệnh đã “nhập lý” mà lại xông thì sẽ gây trụy tim mạch, rất nguy hiểm.
Thuốc lại càng phức tạp. Biết thuốc là phải biết tên gốc của thuốc với hàng trăm loại biệt dược khác nhau, biết tác dụng chính, tác dụng phụ, biết các thưốc tương kỵ, hiệp đồng, đối kháng, biết dạng bào chế, biết uống vào lúc nào, biết liều lượng ra sao… Thí dụ Clorocid để chữa thương hàn thì ai cũng biết, nhưng nếu bệnh nặng mà lại cho liều cao thì vi khuẩn sẽ chết nhiều, cũng có nghĩa là lượng độc tố của vi khuẩn cũng được tiết ra nhiều, sẽ gây ngộ độc làm bệnh nhân suy tim cấp, rất nguy hiểm. Hay thuốc muối Na Bicarbonat chữa đau dạ dày thì ai cũng biết. Nhưng uống ít lúc đói thì dùng để chữa bệnh thiểu toan, (chứng ít dịch vị, để kích thích tiết dịch vị), uống nhiều lúc no để chữa bệnh thừa dịch vị, dùng để trung hòa a-xít trong dạ dày.
Cho nên, đạo đức trong chăm sóc sức khoẻ, xét đến cùng là phải làm cho người bệnh khoẻ lên. Chắc các bạn cũng nghĩ như chúng tôi, không ai lại phó thác tính mạng của mình hoặc người thân của mình cho một bác sĩ có trình độ chuyên môn tồi. Vì vậy người thầy thuốc có đạo đức phải là người có cái đầu thông minh, là hoàn toàn đúng.
Chắc các bạn nói: “Đành rằng đạo đức của người thầy thuốc là phải có có cái đầu thông minh, nhưng cần gì phải có bàn tay khéo léo”. Liệu có thật thế không? Tôi còn nhớ hồi tôi mới ra trường khi khâu tầng sinh môn rách cho một sản phụ trẻ, do không khéo tay nên sau đó tầng sinh môn đã không liền. Đó chỉ là một thủ thuật nhỏ đối với người thầy thuốc và những sai sót như vậy không phải là ít. Nhưng đối với người mẹ trẻ đó là một sự bất hạnh lớn, vì chị ta sẽ phải mang một khuyết tật suốt đời. Tuy rằng ở nơi kín đáo, nhưng ai dám bảo rằng tổn thương đó không quan trọng với một con người? Lại một lần khác khi đứa con trai duy nhất của tôi bị mất nước nặng do bị tiêu chảy, tôi đã chọc nát cả mạch máu của đứa con thân yêu mà không truyền được dịch, cuối cùng phải nhờ đến một bác y tá già, bác chỉ đâm kim một lần là được. Giá như tay nghề của tôi tốt hơn thì người sản phụ đã không phải khổ sở suốt đời, một nỗi khổ không dám thổ lộ với ai, và đứa con của tôi cũng không phải đau đớn vì nhiều mạch máu đều bị chọc nát! Như vậy người thầy thuốc không thể là người “khéo con mắt vụng hai bàn tay” mà phải hết sức khéo léo và thành thạo trong từng động tác. Chắc mọi người sẽ không lấy làm ngạc nhiên, vì khi học trong trường y, các bác sĩ tương lai phải tập khâu vá, tập móc, tập thêu, tập buộc chỉ cho thật thuần thục. Đó là những động tác đòi hỏi sự chính xác, sự khéo léo và lòng kiên trì. Rõ ràng một người thầy thuốc muốn có đạo đức không thể không có đôi bàn tay khéo léo. Đây là chưa kể những nhà ngoại khoa, sự thiếu chính xác một chút của họ có thể gây những hậu quả nghiêm trọng thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Riêng tiêu chuẩn “người thầy thuốc có đạo đức là người có trái tim nhân hậu” có lẽ không ai không thống nhất. Nhưng thế nào là trái tim nhân hậu? Theo chúng tôi, có lẽ trái tim nhân hậu ở đây là trái tim của người mẹ hiền. Chỉ có người mẹ hiền mới biết phải làm gì, làm như thế nào với đứa con thân yêu của mình. Người thầy thuốc cũng vậy. Người thầy thuốc có đạo đức là người biết đặt địa vị của mình vào địa vị người bệnh, mình làm gì và làm như thế nào cho chính mình thì cũng làm như vậy cho bệnh nhân. Tôi chỉ đơn cử ra đây một thí dụ: có một bệnh nhân rất nguy kịch, nếu chuyển đi chắc chắn 100% sẽ chết, nhưng để lại làm hết sức mình thì chỉ có 10% là hy vọng. Vậy người thầy thuốc sẽ phải làm gì? Ở đây có hai cách xử lý: nếu chuyển đi, ông ta sẽ không bị ai khiển trách, vì ông ta làm thế là rất phải, bệnh quá khả năng thì chuyển lên tuyến trên. Người bệnh chết là do bệnh quá nặng! Còn nếu để lại xử lý thì dù có khỏi, ông ta cũng chẳng được ai khen, mà tỷ lệ thành công chỉ có 10%. Nhưng nếu không thành công thì ông ta sẽ bị mọi người chê trách và lên án, mà tỷ lệ không thành công lại tới 90%. Nếu vào địa vị bạn, bạn sẽ chọn cách nào? Để có cách trả lời đúng ta hãy đặt địa vị đó vào một người mẹ. Không một người mẹ nào biết còn 10% hy vọng đối với con mình mà lại không làm đến cùng. Bà ta sẽ không để ý đến ai khen chê, miễn con mình được cứu sống. Vậy thì người bác sĩ có trái tim nhân hậu phải là người hành động như người mẹ, nghĩa là để người bệnh lại để cứu chữa đến cùng, tuy biết rằng khả năng mất uy tín có thể lên đến 90%. Thậm chí việc làm đó có bị người nhà bệnh nhân hiểu lầm, thì với trái tim của một người thầy thuốc có đạo đức, ông ta không thể làm khác. Theo chúng tôi, đó chính là một trái tim nhân hậu.
Tóm lại, nói về đạo đức của người thầy thuốc không phải dễ. Nhưng làm một người thầy thuốc có đạo đức lại còn khó khăn hơn rất nhiều. Bởi vì đạo đức của người thầy thuốc là những chuẩn mực được dư luận xã hội thừa nhận nhưng việc làm của người thầy thuốc phải đâu lúc nào mọi người cũng hiểu. Vì thế, làm để mọi người không chê trách đã khó, nhưng làm vì tấm lòng nhân ái thì khó khăn hơn gấp bội. Vì vậy, người thầy thuốc muốn hành được đạo của mình, đòi hỏi phải có một năng lực trí tuệ nhất định, một sự tinh thông nghề nghiệp kỹ càng và một trái tim biết rung cảm mạnh mẽ với nỗi đau của người bệnh./.
COMMENTS