Đông dược Phú Hà – Bệnh Chlamydia là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD), do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây nên, có các triệu chứng rất giống bệnh Lậu nhưng nặng hơn bệnh Lậu. Trước đây, bệnh gặp nhiều ở các vùng nhiệt đới có nền kinh tế nghèo nàn và trình độ vệ sinh thấp kém. Nhưng gần đây, người ta đã ghi nhận bệnh xuất hiện nhiều ở cả những nước có trình độ kinh tế và xã hội phát triển cao như ở Mỹ chẳng hạn, mỗi năm có tới 2,8 triệu người Mỹ là bị mắc Chlamydia. Ở Việt Nam, căn bệnh này mới chỉ được ghi nhận vài năm trở lại đây, nhưng hiện nay đã trở nên phổ biến, chỉ sau bệnh Lậu và thường kết hợp cùng với bệnh Lậu. Có một số bệnh nhân bị mắc bệnh Chlamydia nhưng triệu chứng rất nhẹ hoặc không có triệu chứng nên dễ bỏ qua, song lại rất có khả năng lây truyền cho bạn tình. Bệnh thường bị tái nhiễm do bạn tình mới bị mắc hoặc đã cùng mắc bệnh mà không được điều trị. Bệnh gây nên viêm nhiễm làm cho dính các cơ quan sinh dục, hậu quả dẫn đến hiếm muộn cả ở nam và nữ, cùng với nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Bệnh Chlamydia nếu điều trị sớm, đúng cách, đủ liều thì thường có kết quả tốt, nhưng nếu để muộn hoặc điều trị không đúng cách, không điều trị cả hai người, cả hai bệnh Chlamydia và Lậu thì dễ chuyển sang mạn tính và có nhiều biến chứng khó lường.
Triệu chứng
Thời gian ủ bệnh của Chlamydia từ 4 – 7 ngày. Thời kỳ đầu, triệu chứng bệnh rất mờ nhạt, ở cả nam lẫn nữa, nhất là phụ nữ. Người bệnh chỉ thấy ra dịch bất thường, nhưng không rõ ràng, không gây quá khó chịu, làm người nhiễm bệnh thấy không cần đi khám. Trường hợp điển hình, thường là bệnh kết hợp với một số vi khuẩn khác, ở nam giới có triệu chứng viêm niệu đạo, biểu hiện đau buốt khi đi tiểu, có một ít mủ chảy ra ở đầu dương vật, có khi cảm thấy nóng bừng khi đi tiểu hay ngứa xung quanh lỗ ra của dương vật, có người còn cảm thấy bị đau và sưng phồng ở mào tinh hoàn. Ở nữ chỉ thấy ra một ít dịch trắng đục hoặc vàng đục, không có mùi khó chịu, khi vệ sinh thông thường thấy đỡ nên cho rằng do vệ sinh không chu đáo mà gây ra. Nếu nặng, người bệnh ra khí hư nhiều và đặc, ra huyết bất thường và cảm giác đau khi giao hợp. Thăm khám thấy tổn thương ở âm hộ, thành âm đạo và cổ tử cung. Có thể bị đau ở vùng bụng dưới, đau vùng thắt lưng kèm theo buồn nôn, sốt, đau khi giao hợp và chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt. Nhưng ở một số phụ nữ, có khi các triệu chứng rất nhẹ, chỉ thoáng qua nên thường không để ý, nhưng lại có khả năng lây bệnh rất cao cho bạn tình. Người mẹ bị Chlamydia cũng có thể truyền vi khuẩn sang cho con khi sinh nở, làm cho con bị viêm kết mạc ngay sau khi sinh. Ở nữ giới, vi khuẩn này làm viêm cổ tử cung và ống niệu đạo, sau đó có thể nhiễm lan lên tử cung, qua ống dẫn trứng vào vùng chậu, gây bệnh viêm vùng chậu, làm hư thai, thai ngoài tử cung và hiếm muộn. Có thể gặp vết tổn thương ở miệng, hầu họng hay hậu môn gây viêm nhiễm hoặc áp xe quanh hậu môn, trực tràng, âm đạo làm hẹp trực tràng, hậu môn.
Chẩn đoán xác định bệnh Chlamydia phải dựa trên xét nghiệm tìm vi khuẩn Chlamydia Trachomatis khi kết quả cho biết CT “dương tính”. Hiện nay xét nghiệm tìm vi khuẩn CT còn khó khăn và tốn kém, không phải cơ sở y tế nào cũng có thể làm được và giá thành cũng cao.
Chlamydia và Lậu
Lậu và Chlamydia tương tự nhau nhưng Chlamydia nặng hơn còn Lậu thì thường bắt đầu sớm hơn. Một người có thể cùng một lúc mắc cả Lậu và Chlamydia nên trong điều trị phải điều trị cả hai người và hai bệnh cùng một lúc. Lậu và Chlamydia đều là những bệnh nghiêm trọng nhưng dễ điều trị nếu được chữa sớm, đúng cách. Ngược lại nếu điều trị muộn và chữa không đúng cách sẽ có thể gây nhiễm khuẩn nặng hoặc chuyển sang mạn tính, có nhiều biến chứng.
Điều trị
Điều cần lưu ý là phả điều trị cả hai người và hai bệnh Chlamydia và Lậu cùng một lúc, càng sớm càng tốt. Điều đáng mừng là vi khuẩn Chlamydia Trachomatis (một loại vi khuẩn đặc biệt, nhỏ hơn vi khuẩn thông thường, rất giống với virus, chỉ sống và phát triển được ở trong cơ thể sống, không phát triển được ngoài tự nhiên), còn nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh, đặc biệt với dòng Tetracyclin, nghĩa là có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng cách dùng kháng sinh, nhưng phải đúng cách, đủ liều. Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau tùy theo vùng địa lý và theo thói quen của thày thuốc cũng như phụ thuộc vào khả năng kinh tế của bệnh nhân. Ở đây, chúng tôi nêu lên một phác đồ thông thường, tương đối thông dụng, tác dụng tốt nhưng không phải là loại thuốc biệt dược đắt tiền, chỉ uống, không phải tiêm, có thể áp dụng với đa số người bệnh có mức kinh tế trung bình để mua thuốc tự chữa ở nhà. Bài thuốc như sau:
1. Azithromycine 250mg x 4 viên
(Aziwok, Zitrocin)
Chia uống làm 2 lần trong ngày, chỉ uống một ngày duy nhất. Sau hai ngày, dùng tiếp theo loại thuốc sau đây:
2. Doxycyclin 100mg x 8 viên
Ngày đầu uống 2 viên làm 2 lần sáng, chiều; các ngày sau mỗi ngày uống 1 viên làm 1 lần. Uống liên tục 7 ngày liền cho đến hết thuốc.
Nếu ở những nơi khó khăn, hoặc những bệnh nhân điều kiện kinh tế không cho phép, không có điều kiện xét nghiệm tìm vi khuẩn CT mà đã bị Lậu thì tốt nhất chữa cả Lậu lẫn Chlamydia cùng một lúc (xin tham khảo thêm bài Bệnh Lậu).
Phòng bệnh Chlamydia bằng cách dùng bao cao su khi quan hệ tình dục và tốt nhất là chỉ nên một vợ, một chồng hoặc chỉ có một bạn tình. Khi có triệu chứng nghi ngờ thì phải khám làm xét nghiệm ngay để phát hiện cả Chlamydia và Lậu, nếu bị mắc thì phải điều trị sớm cả hai bệnh, cả hai người cùng một lúc./.
COMMENTS