HomeBài viết khácBài viết chung về y tế

Bệnh lao đang trở lại – BS Nguyễn Đức Kiệt

Đông dược Phú Hà – Lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trước đây, bệnh lao được coi là một trong bốn bệnh của “tứ chứng nan y”. Sau khi có thuốc điều trị và phòng bệnh đặc hiệu (như Rimiton, Streptomycin, Vacxin BCG…), bệnh lao không còn bị coi là một bệnh “nan y” nữa. Tuy nhiên, lao vẫn còn là một bệnh xã hội, nghĩa là nó phụ thuộc nhiều vào nền chính trị và kinh tế của mỗi nước, vào phong tục, tập quán, lối sống của mỗi một cộng đồng. Và hiện nay bệnh Lao đang có nguy cơ quay trở lại…

Vào những năm 80 của thế kỷ này, người ta hy vọng là với tiến bộ của y học, với sự ra đời của các thuốc kháng sinh đặc hiệu mạnh, với chương trình phòng chống lao rộng khắp trên toàn cầu, thì chẳng bao lâu nữa, bệnh lao sẽ bị tiêu diệt. Song, cho đến mấy năm gần đây, người ta nhận ra rằng đã lạc quan quá sớm và thực tế không khả quan như người ta hy vọng: Tháng 4/1993, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã báo động với các chính phủ và nhân dân thế giới về tai hoạ “Thần chết đang trở lại”.

Theo số liệu của WHO, hiện nay khoảng 1/3 dân số thế giới bị nhiễm lao, mỗi năm có thêm 8 triệu bệnh nhân mới và 3 triệu người bị chết vì bệnh lao. Ở Việt Nam có khoảng 220.000 – 250.000 bệnh nhân lao, trong đó có khoảng 100.000 người có vi khuẩn trong đờm. Tỷ lệ mắc lao hằng năm ở Việt Nam khoảng 1,5%. Tỷ lệ này là trung bình cao so với các nước Châu Á.

Số người chết vì bệnh lao hằng năm ở Việt Nam khoảng 10.000 – 25.000 người. Tuổi mắc lao trung bình từ 20 – 40 tuổi, nghĩa là ở độ tuổi lao động chính, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức lao động của nhân dân.

Năm 1992, Ngân hàng thế giới (WB) kết luận là đầu tư cho hoạt động chống lao mang lại hiệu quả cao nhất trong các đầu tư bảo vệ sức khoẻ. Khi phát hiện được 70% số nguồn lây và chữa khỏi 85% số đó, nguy cơ nhiễm lao có thể giảm tới 50% trong vòng 10 năm. Hiện nay, người ta đã có đủ kinh nghiệm và biện pháp để điều trị cho từng bệnh nhân cũng như cho cả cộng đồng. Tất cả lệ thuộc vào ý muốn và khả năng tổ chức của chính phủ mỗi nước.

Hoạt động chống lao ở Việt Nam bắt đầu rất sớm, từ những năm 1950. Năm 1985, Việt Nam có chương trình chống lao với một mạng lưới rộng khắp trong cả nước.

Hiện nay, chương trình chống lao có ở tất cả các tỉnh trong toàn quốc với 425 huyện, 6.652 xã. Hằng năm, 55.000 – 75.000 bệnh nhân lao đã được phát hiện, khoảng 40.000 – 45.000 người đã được chữa khỏi, trong đó khoảng 35.000 – 38.000 người là nguồn lây.

Tuy nhiên, tình hình lao vẫn đang là vấn đề cấp bách cần phải giải quyết, vì vẫn còn khoảng 10.000 – 15.000 trường hợp lao phổi có vi khuẩn xuất hiện mỗi năm nhưng chưa được phát hiện; khoảng 80.000 – 100.000 trường hợp lao các thể khác chưa được điều trị, gây tử vong hoặc tàn phế. Lao trẻ em hiện có hàng ngàn trường hợp nhưng chỉ được phát hiện và điều trị rất ít. Hiện nay còn 25% xã chưa có hoạt động chống lao, khoảng 15% dân số chưa được mạng lưới chống lao bảo vệ, chủ yếu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa… Trong những năm gần đây, một số nhà y học trên thế giới bắt đầu nói đến khả năng kết hợp giữa bệnh Lao và HIV-AIDS. Khi bị Lao, sức chống đỡ của người bệnh giảm sút, rất dễ bị bội nhiễm các bệnh khác.

Mặt khác, các thuốc chống Lao đang bị vi khuẩn Lao kháng lại rất mạnh. Còn HIV-AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải, nghĩa là khi người bị HIV-AIDS thì không còn khả năng chống đỡ với bệnh tật nên bị nhiễm thêm Lao là rất dễ xảy ra. Nếu điều này là đúng thì thật sự là một thảm họa đối với nhân loại.

Ở Việt Nam, qua tám năm triển khai, Chương trình chống lao đã đạt được một số kết quả đáng kể, trở thành chương trình mạnh so với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, cần phải làm cho mọi người dân hiểu đầy đủ về nguy cơ của bệnh và biết cách tự phát hiện bệnh sớm với “bộ triệu chứng lao” để đi khám và điều trị kịp thời. Bộ triệu chứng lao là ho khan dai dẳng, sốt nhẹ về chiều và gầy sút nhanh.

Tóm lại, cần phải xã hội hoá công tác phòng chống lao để mọi người hiểu được nguy cơ của bệnh, rằng đây là một bệnh xã hội, toàn dân phải có trách nhiệm chứ không chỉ riêng ngành Y tế. Điều đáng nói là kinh phí cho chương trình Phòng chống Lao trong những năm qua còn dựa chủ yếu vào nước ngoài. Viện trợ đang giảm dần và có thể hết hẳn sau hai, ba năm tới. Để đủ kinh phí tối thiểu duy trì những hoạt động cấp bách nhằm hạn chế sự lan tràn của bệnh, Chương trình phòng chống Lao đang đề xuất xin Bộ Y tế và Nhà nước cấp kinh phí và đưa lên thành Chương trình trọng điểm quốc gia.

Chúng ta hy vọng rằng Chương trình phòng chống Lao sẽ được đưa lên thành chương trình quốc gia, bệnh lao sẽ được khống chế, ngăn chặn và sức khỏe nhân dân sẽ được bảo vệ và chăm sóc ngày một tốt hơn./.

Bài đăng báo Lao động số 4058, ngày 29-9-1994

COMMENTS