CHĂM SÓC SỨC KHỎE BAN ĐẦU, 30 NĂM NHÌN LẠI
Mặc dù công tác y tế đã có nhiều tiến bộ trên phạm vi toàn thế giới, nhưng cho đến thời gian này, việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân chưa được chính quyền các cấp, các ban ngành và mỗi người dân quan tâm và công tác y tế vẫn tập trung tại các đô thị, còn tại miền núi, các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi phần lớn là người nghèo với nhu cầu chăm sóc sức khỏe rất cao thì lại không được mạng lưới y tế bao phủ. Để khắc phục tình trạng không đồng đều, mất công bằng này, ngày 12-9-1978, tại Hội nghị họp ở Alma – Ata, thủ đô nước Cộng hòa Ca-dăc-xtan, Liên Xô cũ, WHO kêu gọi tất cả các Chính phủ, tất cả những người làm công tác y tế trên toàn thế giới hãy hành động khẩn cấp để bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho tất cả các dân tộc trên toàn cầu.
Hội nghị đã đưa ra một tuyên ngôn rất quan trọng lấy tên là Tuyên ngôn Alma – Ata. Trong tuyên ngôn này, khái niệm về sức khỏe lần đầu tiên được định nghĩa “Sức khỏe là một trạng thái thoải mái hoàn toàn về thể chất, tâm thần và xã hội, không phải chỉ là không có bệnh tật hoặc ốm yếu”, rằng sức khỏe là một quyền cơ bản của con người nên đạt được sức khỏe là mục tiêu quan trọng nhất của các quốc gia.
Tuyên ngôn Alma – Ata cũng đã lần đầu tiên nêu lên khái niệm chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ), đó là sự chăm sóc sức khỏe thiết yếu, bằng các phương pháp và kỹ thuật thích hợp, được xã hội chấp nhận, có thể tới mọi cá nhân và gia đình trong cộng đồng, có sự tham gia đầy đủ của quần chúng, với một mức chi phí mà cộng đồng chấp nhận được, phát huy tinh thần tự lực và tự quyết của người dân. Có thể tóm tắt các nguyên tắc chung cho đường lối chiến lược CSSKBĐ, là:
– Công bằng xã hội,
– Tự lực cánh sinh,
– Dự phòng tích cực,
– Kỹ thuật thích hợp,
– Phối hợp liên ngành và
– Cộng đồng tham gia.
Hội nghị đã lấy mục tiêu trước mắt là Sức khỏe cho mọi người vào năm 2000. Để đạt được mục tiêu đó, WHO đã khuyến nghị các nước thành viên thực hiện 8 nội dung cụ thể trong CSSKBĐ, là:
1. Giáo dục sức khỏe,
2. Dinh dưỡng và cung ứng thực phẩm,
3. Bảo về bà mẹ trẻ em và kế hoạch hóa gia đình,
4. Cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường,
5. Tiêm chủng mở rộng,
6. Chữa bệnh tật và xử trí vết thương thông thường,
7. Phòng chống các bệnh, dịch lưu hành ở địa phương,
8. Cung cấp thuốc thiết yếu,
Ở Việt Nam, ngoài 8 nội dung trên, ngành Y tế ta còn thêm 2 nội dung:
9. Củng cố mạng lưới y tế cơ sở,
10. Quản lý sức khỏe các đối tượng ưu tiên.
Năm 1985, WHO họp ở Riga, thủ đô nước cộng hòa Latvia, nhận thấy việc thực hiện CSSKBĐ chưa đạt được các mục tiêu như mong muốn vì chưa xác định được địa điểm chính làm nòng cốt cho việc triển khai thực hiện các nội dung CSSKBĐ nên Hội nghị đã thảo luận và xác nhận vai trò quan trọng của hệ thống y tế huyện trong CSSKBĐ, bao gồm gia đình, tuyến cộng đồng, tuyến xã và trên nữa là tuyến huyện. Mỗi hoạt động của CSSKBĐ đều có liên quan đến nhiều tuyến, nhiều con người, nhiều tổ chức ở trong huyện và huyện cũng là đơn vị hành chính vừa phải, không quá to mà cũng không quá nhỏ để thực hiện CSSKBĐ. Từ đó, WHO đã khuyến cáo các nước củng cố hệ thống y tế huyện bằng cách xây dựng mạng lưới y tế thôn bản, củng cố y tế tuyến xã, xây dựng và củng cố bệnh viện huyện mà thường được gọi là bệnh viện cộng đồng để CSSKBĐ cho nhân dân trên địa bàn. Cũng thời gian này, các hoạt động y tế được triển khai bằng các chương trình y tế, mà điển hình và cũng rất thành công là các chương trình: Tiêm chủng mở rộng (EPI), Viêm nhiễm đường hô hấp cấp ở trẻ em (ARI), Tiêu chảy (CDD), Suy dinh dưỡng…
Ở Việt Nam, ngay từ sau hòa bình lập lại năm 1954, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã đề ra 5 phương châm, nguyên tắc của ngành Y tế, là:
1. Y tế phục vụ sản xuất và phục vụ quốc phòng.
2. Phòng bệnh là chính, chữa bệnh là quan trọng.
3. Kết hợp Đông -Tây y.
4. Tăng cường hợp tác quốc tế, kết hợp sự tham gia của các cấp, các ngành.
5. Tự lực cánh sinh, phấn đấu xây dựng một nền y học Việt Nam khoa học – Dân tộc – Đại chúng.
Khi hòa bình lập lại năm 1954, số lượng cán bộ y tế có rất ít, cả nước mới chỉ có 51 Bác sĩ, 152 Y sĩ Đông Dương, 21 Dược sĩ đại học, 22 Dược sĩ Đông Dương, 1227 Y tá và 215 Nữ hộ sinh. Với chủ trương đào tạo cấp tốc để kịp thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân và phục vụ cho tiền tuyến, năm 1960, Nhà nước ta bắt đầu đào tạo Y sĩ xã. Đến năm 1968, ta bắt đầu đào tạo Bác sĩ xã để phấn đấu có đủ Y sĩ, nữ hộ sinh ở Trạm y tế xã và có Bác sĩ ở Hợp tác xã nông nghiệp. Cũng ngay từ năm 1960, các Trạm y tế dân lập đã được thành lập tại tất cả các xã trên toàn miền Bắc. Chỉ trong một thời gian không dài, Nhà nước ta đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ y tế đủ đáp ứng phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên toàn quốc, kể cả miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ngành y tế đề ra 5 mục tiêu và có phong trào 5 dứt điểm. Một mạng lưới y tế rộng khắp đã được hình thành từ nông thôn đến thành thị phục vụ đắc lực cho việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội. Bất cứ ai đau ốm đều được chăm sóc y tế chu đáo. Trong nhiều năm, nhân dân được khám, chữa bệnh không mất tiền, các bệnh dịch được khống chế và ngăn chặn có kết quả. Vào những năm 1970, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của Việt Nam đã đạt được thành tựu rất đáng tự hào, được WHO khảo sát, đánh giá và lấy làm hình mẫu điển hình cho CSSKBĐ trên toàn thế giới sau hội nghi Alma-Ata.
Năm 1985, năm đầu tiên Nhà nước quyết định lấy ngày 27/2, ngày Hồ Chủ tịch gửi thư cho ngành Y tế, là ngày truyền thống của ngành. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đến dự ngày truyền thống với ngành Y tế và đã lần đầu tiên nêu thêm một nội dung mới trong công tác y tế, đó là nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Như vậy, công tác y tế từ đó trở đi sẽ là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân (BV, CS & NCSK ND).
Vốn đã có đường lối đúng đắn, lại sớm vận dụng các nguyên tắc và nội dung CSSKBĐ của WHO, Việt Nam đã rất thành công trong việc BV, CS & NCSK ND. Năm 1992, trong báo cáo của mình, Ngân hàng thế giới (WB) đã đánh giá “Mặc dù là một trong những nước nghèo nhất châu Á, song các chỉ số sức khỏe của Việt Nam khả quan hơn rất nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập tính trên đầu người theo dự tính”. WB cũng chỉ ra thêm một nguyên nhân cho thành tựu trên là vì Việt Nam có tỷ lệ người biết chữ rất cao.
Cuối những năm 1980, Việt Nam phải chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường, công tác BV, CS & NCSK ND đã gặp rất nhiều khó khăn, vì hợp tác xã nông nghiệp không còn nên cũng không còn nguồn cung ứng kinh phí cho các trạm y tế xã. Từ đó, ngành Y tế cũng phải chuyển hướng đổi mới theo tinh thần “sự nghiệp BV, CS & NCSK ND là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân”. Hội nghị BCH TW Đảng khoá 4 đã thông qua Nghị quyết về việc BV, CS, NCSK ND và nêu lên 5 quan điểm của Đảng là:
(1) Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, của xã hội, cần phải công bằng trong BV, CS & NCSK ND,
(2) Dự phòng tích cực, điều trị có hiệu quả,
(3) Phối hợp liên ngành,
(4) Kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc
(5) Nhà nước và nhân dân cùng làm, đa dạng hóa các hoạt động, tăng cường hợp tác quốc tế về y tế.
Các quan điểm của Đảng mang tính chất nhân đạo XHCN sâu sắc và cũng phù hợp với trào lưu chung của nhân loại về CSSKBĐ. Cho đến nay, tuy chất lượng chăm sóc y tế vẫn còn có vấn đề, y đức xuống cấp, y đạo không được tôn trọng, người bệnh còn kêu ca, phàn nàn về thái độ, hành vi của cán bộ y tế, nhưng trong công tác CSSKBĐ, nhờ có các quan điểm đúng đắn, phù hợp với xu thế quốc tế, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, nên mặc dù nền kinh tế của Việt Nam còn khá thấp, nhưng các chỉ số sức khỏe và chỉ số phát triển con người (HDI) lại tiến bộ hơn rất nhiều so với các nước có cùng mặt bằng thu nhập./.
COMMENTS