HomeBài viết khácBài viết chung về y tế

Chất lượng y tế cơ sở – BS Nguyễn Đức Kiệt

Y tế cơ sở

Y tế cơ sở

Đông dược Phú Hà – Từ năm 1988, nước ta chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường đã làm thay đổi sâu sắc mọi mặt hoạt động của đất nước, trong đó có ngành y tế. Bên cạnh những ưu điểm rất cơ bản của đổi mới, nền kinh tế thị trường cũng bộc lộ một số nhược điểm biểu hiện cả trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Các trạm y tế cơ sở trong những năm còn “bao cấp” hàng ngày có 20 – 25 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, mua thuốc, nhưng đến những năm 1990 chỉ còn thưa thớt 2 – 3 người. Thay vào đó, một hệ thống y dược tư nhân xuất hiện khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, rất đa dạng và phong phú. Nhiều bệnh nhân đã đến khám bệnh, mua thuốc ở hệ thống y dược tư này. Vậy chất lượng của mạng lưới y tế có sở hiện nay ra sao, liệu đã đáp ứng được nhu cầu của nhân dân hay chưa? Đâu là những điểm mạnh, đâu là những khuyết nhược điểm cần được khắc phục?… Đó là những băn khoăn mà bài viết này muốn đề cập. 

Một số câu hỏi được đặt ra là: Những yếu tố nào đã ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế của các trạm y tế cơ sở? Phải chăng hành vi, thái độ của nhân viên y tế cơ sở đã không phù hợp với tình hình đổi mới của đất nước? Làm thế nào để chất lượng phục vụ của y tế cơ sở được tốt lên? Với những nghiên cứu và trung tâm nhân lực y tế tiến hành từ năm 1990 trở lại đây, chúng tôi muốn góp một vài ý kiến nhỏ góp phần làm sáng tỏ vấn đề nêu trên.

Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy có một số yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu (CSSKBĐ) tuyến y tế cơ sở đó là: cơ cấu đội ngũ cán bộ, sự phân bố nhân viên y tế: kiến thức, kỹ năng, hành vi, thái độ, của nhân viên y tế, cơ sở vật chất trang thiết bị cho cán bộ y tế làm việc và chée độ chính sách đãi ngộ của cộng đồng, Nhà nước đối với đội ngũ này.

Về cơ cấu đội ngũ cán bộ y tế, hiện tại chúng ta có 36.342 cán bộ y tế đang làm việc tại 9.205 trạm y tế xã phường (chưa kể 1.170 trạm y tế cơ sở của các Bộ ngành khác) (1), trong đó có 1.199 bác sỹ, chiếm 3,29%; 13.968 y sỹ đa khoa, chiếm 38,42%; 1.909 y sỹ sản nhi, chiếm 5,25%; 596 y sỹ y học dân tộc, chiếm 1,63%; 988 nữ hộ sinh trung học, chiếm 2,71%; 823 y tá trung học, chiếm 2,26%; 10.201 y tá sơ học chiếm 28,06%; 4.059 nữ hộ sinh sơ học, chiếm 11,16%; 492 lương y, chiếm 1,18% và 1.535 dược tá, chiếm 4,22%. Trong số cán bộ nói trên, cán bộ quân y chuyển ngành không phải là ít. Hầu hết họ về làng quê tạo nên một tiềm năng dự trữ khổng lồ cho ngành y tế, đặc biệt ở những vùng nông thôn. Cơ cấu đội ngũ cán bộ nêu trên, rõ ràng chưa hợp lý.

Theo quy định của Bộ y tế thì mỗi trạm y tế cơ sở bao gồm một bác sĩ hoặc y sĩ đa khoa được học thêm về y tế công cộng, một nữ hộ sinh hay y sĩ sản nhi và một y sĩ y học dân tộc hay dược tá. Nghĩa là trên 10.000 trạm y tế cơ sở thì phải có trên 10.000 nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, nhưng trên thực tế mới có 2.997 vừa nữ hộ sinh vừa y sĩ sản nhi, chỉ chiếm 7,96%, nếu kể cả 4.059 nữ hộ sinh sơ học cũng chỉ chiếm có 18,12%, mà đáng ra phải cần tới 33,33% còn thiếu tới 15,21% nghĩa là thiếu tới non một nửa. Như chúng ta đều biết, trong CSSKBĐ, phụ nữ và trẻ  em chiếm đến 75% dân số, thiếu đội ngũ này cũng có nghĩa là 75% dân trong vùng không được chăm sóc. Các thành phần cán bộ y tế khác cũng không cân đối. Rõ ràng cơ cấu đội ngũ cán bộ y tế như vậy không thể có chăm sóc y tế tốt được.

Về phân bố đội ngũ cán bộ y tế cũng không hợp lý, phần lớn tập trung ở các vùng thành phố, thị trấn, thị xã hoặc ở vùng nông thôn, nơi vừa có điều kiện giao thông đi lại tốt hơn, có nhiều cơ sở y tế hơn, còn ở các vùng núi, nhất là các vùng sâu, vùng xa thì số cán bộ rất thưa thớt. Trong khi tỉnh Thái Bình diện tích chỉ bằng một huyện của Hà Giang, nhưng số cán bộ y tế cơ sở ở Thái Bình là 1.271 người thì tỉnh Hà Giang chỉ có 323 người. Các tình Cao Bằng, Lai Châu, Lào Cai, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum… số cán bộ y tế không quá con số 400 người, thậm chí cả tỉnh Kon Tum chỉ có 193 cán bộ y tế cơ sở. Rõ ràng sự phân bố đội ngũ cán bộ như vậy là rất bất hợp lý.

Về chất lượng cán bộ y tế cơ sở cũng thật đáng lo ngại. Tại 12 huyện chúng tôi nghiên cứu năm 1991 – 1993 (2) mà các đối tượng chính là trạm trưởng (bác sĩ hoặc y sĩ đa khoa), nữ hộ sinh (hay y sĩ sản nhi) và y sĩ hoặc y tá trung học phụ trách vệ sinh phòng dịch thì độ tuổi trên 30 tuổi chiếm 78,5%, đặc biệt số cán bộ trên 40 tuổi chiếm tới 37,81% nghĩa là họ đã ra trường ít nhất đã trên 10 năm và trên 1/3 số này ra trường đã trên 20 năm. Hai chục năm qua y học và y tế đã biến đổi rất nhiều. Nhiều vấn đề cách đây hai chục năm là đúng thì nay đã trở nên lạc hậu. Thí dụ chỉ cách đây không lâu, nếu một trẻ bị tiêu chảy mất nước thì việc đầu tiên người thầy thuốc phải làm là bù ngay nước và điện giải bằng đường truyền dịch. Nhưng nay việc truyền dịch đã được thay thế bằng phương pháp cho uống Oresol vừa đơn giản, vừa tiện lợi lại không nguy hiểm.

Một điều đáng quan tâm là các bác sĩ, y sĩ, y tá được học trong trường để ra phục vụ tại bệnh viện, nghĩa là họ có kỹ năng để chẩn đoán, điều trị, chăm sóc một cá thể, nhưng khi về làm việc tại các cơ sở họ lại phải làm công tác phòng bệnh là chính, nghĩa là họ phải chẩn đoán, chăm sóc một cộng đồng và họ phải làm những việc mà họ được học rất ít, nếu không nói là họ không được học trong nhà trường. Nhiều cán bộ y tế cơ sở xuất thân từ y sĩ hoặc y tá trong quân đội. Nhưng trong quân  ngũ, số anh chị em này không được đào tạo về các bệnh sản, phụ, nhi khoa. Điều đó ảnh hưởng rất lớn trong việc phục vụ sức khoẻ  nhân dân ở tuyến cộng đồng. Theo số liệu nghiên cứu ngoài các huyện có chương trình tài trợ của quốc tế (như Yên Hưng, Phong Châu, Hàm Yên…) hầu hết cán bộ y tế ở các cơ sở không được đào tạo bổ sung. Nếu kể cả các huyện có tài trợ quốc tế, thường xuyên được tập huấn thì số cán bộ y tế chưa được đào tạo bổ sung từ khi ra trường đến nay cũng còn chiếm 35,39%, nghĩa là trên 1/3 cán bộ y tế không hề biết gì những thay đổi như vũ bão của ngành y tế. Đã vậy, người cán bộ ở tuyến y tế cơ sở càng ngày càng đòi hỏi phải đa khoa hoá vì dù họ được đào tạo chuyên khoa gì, nhưng khi trực họ vẫn phải xử trí tất cả những bệnh nhân đến trạm, thậm chí họ còn phải đỡ đẻ. Rõ ràng, việc đào tạo lại, việc đa khoa hoá cán bộ y tế cơ sở đã trở nên cấp bách. Mặt khác, khi xã hội phát triển, đặc biệt trong thời đại bùng nổ thông tin, sự hiểu biết của người dân tăng lên khá nhanh. Việc giáo dục sức khoẻ, khám chữa bệnh của thầy thuốc không còn dễ dàng như trước nữa. Ngoài ra, trong nền kinh tế thị trường, người dân được tự do lựa chọn việc mua thuốc, khám chữa bệnh nên hệ thống y dược tư nhân luôn cạnh tranh rất quyết liệt với hệ thống y tế Nhà nước.

Với kiến thức của các cán bộ y tế cơ sở như trên chúng ta đã xét, làm sao họ có thể đáp ứng yêu cầu người dân trong tình hình mới? Trả lời câu hỏi khá đơn giản mà có lẽ một cán bộ y tế cơ sở nào cũng đều phải biết thì kết quả cho biết, chỉ có 49,27% người trả lời đúng. Cũng cần nói thêm là huyện Thanh Oai (Hà Tây) có chủ trương đưa các bác sĩ về xã 100%, nhưng trong số 24 bác sĩ về xã thì chỉ có 6 bác sĩ được tín nhiệm phân công làm trạm trưởng, nghĩa là chỉ chiếm có 25% mà thôi. Tại một xã của huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) một bác sĩ của huyện được tăng cường về xã đã hơn một năm, nhưng số bệnh nhân đến khám vẫn không hơn một chút nào, còn người bác sĩ thì không biết phải làm gì. Như vậy, vấn đề đặt ra là kiến thức của người cán bộ y tế chưa đáp ứng được công việc, họ không biết phải làm gì, làm như thế nào trong tình hình mới, không chỉ có những nhân viên y tế mà ngay cả với bác sĩ. Do đó vấn đề đào tạo kiến thức y tế công cộng và đa khoa hoá cán bộ y tế cho CSSKBĐ là một việc làm cần thiết và cấp bách.

Một lý do nữa ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh là tinh thần thái độ phục vụ. Quen với phong cách của người thầy thuốc trong cơ chế “bao cấp”, người thầy thuốc ngày nay chưa thực sự coi bệnh nhân là “thượng đế” nên thái độ không tận tình, chu đáo, khả năng giao tiếp kém do đó người dân thà mất tiền cao hơn để đến khám bệnh, mua thuốc ở y dược tư nhân với thái độ tận tình, chu đáo còn hơn đến nhân viên y tế của trạm xá xã với bộ mặt “lạnh như tiền”, dù chi phí có rẻ hơn chút ít.

Một nguyên nhân nữa là cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, cũ nát của các cơ sở y tế. Nghiên cứu của 16 xã của huyện Mèo Vạc (Hà Giang), chúng tôi nhận thấy cả 16 xã không trạm xá nào có máy đo huyết áp, không xã nào có ống nghe tim thai, chỉ có 1/3 số xã có ống nghe tim phổi, thậm chí ngay đến cả bơm tiêm và kim tiêm, panh, kéo cũng không đủ. Với tình trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị như vậy, không thể nào đòi hỏi một chất lượng phục vụ tốt được.

Một lý do hết sức quan trọng nữa là chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế cơ sở. Hầu hết anh chị em được hưởng lương của xã, nhưng thông thường xã trả bằng thóc và một năm trả vào hai vụ thu hoạch, và những chế độ chính sách khác kém xa so với giáo viên cùng trong một địa bàn, mà thời gian của một giáo viên thì lại rộng rãi hơn. Gần đây, Chính phủ đã có Quyết định 58/TTg về chính sách đối với cán bộ y tế xã, nhưng việc vận dụng vào thực tế cũng không phải được dễ dàng mà còn phụ thuộc vào sự phối hợp của các ngành có liên quan, vào quan điểm lãnh đạo của mỗi địa phương…

Tóm lại, những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở là cơ cấu đội ngũ cán bộ, sự phân bố nhân viên y tế, kiến thức, kỹ năng, hành vi, thái độ của nhân viên y tế, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cán bộ y tế làm việc và chính sách đãi ngộ của cộng đồng và của Nhà nước đối với đội ngũ này. Trong nền kinh tế thị trường, một mặt người cán bộ y tế phải tự vươn lên không ngừng để đáp ứng nhu cầu, mặt khác Nhà nước cũng cần tạo điều kiện cả trang bị phương tiện cho họ làm việc và có chế độ, chính sách đãi ngộ thoả đáng, có như vậy họ mới toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, chất lượng y tế mới được nâng lên đáp ứng tình hình trong giai đoạn mới./.
—————————————-

1– Niên giám Thống kê y tế 1993, phòng thống kê Tin học Bộ y tế, Hà nội, 2/1994.

2– 12 huyện đó là: Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Phong Châu (Vĩnh Phú), Yên Hưng (Quảng Ninh), Vị Xuyên, Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ (Hà Giang), Đông Hưng, Quỳnh Phụ (Thái Bình).

COMMENTS