Chữa nấc (nấc cụt, ách nghịch) bằng đông y
Đông dược Phú Hà – Nấc không phải một bệnh nặng, cũng không nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng là một chứng bệnh gây ra khó chịu, phiền phức đến sinh hoạt và hoạt động bình thường của con người, nhất là với những người phải thuyết trình, nói trước đám đông, với các thày cô giáo hay những ca sĩ… Nấc còn là triệu chứng báo hiệu của một số bệnh nguy hiểm của toàn thân. Chữa nấc bằng đông y vừa đơn giản, rẻ tiền, công hiệu, vừa là phép thử để loại trừ xem có phải là triệu chứng của một bệnh toàn thân hay không. Nếu khi ngủ mà không bị nấc thì dùng bài thuốc Đông y dưới đây chắc chắn sẽ khỏi rất nhanh.
1. Đại cương
- Nấc cụt, còn gọi là nấc hay ách nghịch, là những đợt co thắt đột ngột không tự chủ và ngắt quãng của cơ hoành, lặp đi lặp lại nhiều lần, do thì hít vào bị ngưng đột ngột, thanh môn bất ngờ đóng kín.
- Nấc cụt còn là phản xạ của hệ tiêu hóa để ngăn chặn việc hít phải thuốc hoặc nước không tốt cho cơ thể và cũng có tác dụng để chuyển thức ăn đi ngang qua thực quản.
- Một đợt nấc cụt thường chỉ diễn ra vài phút, nhưng cũng có thể kéo dài trong nhiều giờ hoặc 1-2 ngày, thậm chí hàng năm. Tần số của nấc cụt thay đổi ở mỗi người, khoảng từ 2-60 lần/phút.
- Khi bị nấc do bị co thắt làm đẩy đột ngột một luồng khí ra khỏi buồng phổi làm nắp thanh quản bị đóng lại, gây ra tiếng nấc.
- Trong y học, nấc được gọi là chứng kích động cơ hoành đồng bộ. Nấc cụt tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhưng ở những người làm công việc có liên quan tới nhiều người như các giảng viên, giáo viên, nhà diễn giả, người dẫn chương trình (MC), nhà ngoại giao… thì lại rất phiền phức và bị ảnh hưởng rất lớn đến công việc.
- Nếu chỉ diễn ra từ vài phút đến trong vòng 24 giờ thì hiện tượng này thường không ảnh hưởng đến sức khỏe và ít ảnh hưởng đến công việc nên chỉ cần điều trị đơn giản (tức chữa “mẹo”) là đủ. Nhưng nếu kéo dài quá 24 giờ hoặc tái phát theo chu kỳ thì thường do bệnh lý nên phải điều trị kịp thời và nếu cần thì phải tìm hiểu nguyên nhân để chữa trị tận gốc.
2. Nguyên nhân
Nấc cụt không phải là một bệnh mà là triệu chứng của hai loại nguyên nhân chính là:
2.1. Do sinh hoạt và các nguyên nhân thông thường:
- Bị đói trong thời gian dài, ăn quá nhanh, uống quá nhiều đồ uống có cồn, đồ uống có “ga”, dùng đồ uống lạnh trong khi đang ăn đồ ăn nóng, ăn đồ ăn cay hay có gia vị kích thích (ớt, hồ tiêu,) bị sặc thức ăn, bị ợ hơi, nuốt hơi quá nhiều trong lúc ăn hoặc uống…
- Buồn vui thái quá, (cười lớn, cười quá lâu, khóc lóc, thổn thức), xúc động mạnh, nói một hơi quá dài, bị stress tâm lý, lo lắng, căng thẳng, kích thích…
- Do xông họng, làm sạch cuống họng,…
- Ho, hút thuốc lào, thuốc lá, thuốc phiện, dùng ma túy…
- Cơ thể mất nước, thiếu nước, mất cân bằng điện giải,
- Do dùng thuốc như Morphine, Oxycodone, Diazepam, Barbiturates, Dexamethasone, Alpha methyldopa, Heroin hay do thiếu vitamin.
- Do áp lực lên thần kinh cơ hoành bởi các kết cấu tổ chức giải phẫu khác, hay do có cảm giác có thức ăn trong thực quản,…
- Do ảnh hưởng sau phẫu thuật, sau điều trị một số bệnh như gây mê toàn thân, đặt nội khí quản, kích thích nội tạng; do mở bụng, mở ngực, mở hộp sọ…
2.1. Do bệnh lý:
- Rối loạn hệ thần kinh trung ương:
- Do tổn thương hay dị dạng động tĩnh mạch, viêm não, viêm màng não, các tổn thương não (nội sọ, thân não, đa xơ cứng, não úng thủy)…
- Do bị kích thích thần kinh phế vị và cơ hoành:
- Các bệnh của vùng họng, hạ hầu: Viêm họng, viêm thanh quản, các khối u vùng cổ;
- Các bệnh vùng cổ: Bướu cổ, khối u, hoặc các nang ở cổ, bệnh lý vùng trung thất, bệnh lý của cơ hoành gây kích ứng thần kinh cơ hoành;
- Bệnh của tai: Các dị vật đụng vào màng nhĩ gây kích ứng thần kinh phế vị;
- Bệnh lý vùng ngực: nhiễm trùng hoặc khối u, viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn, viêm màng phổi, phình động mạch chủ, viêm trung thất, khối u trung thất, chấn thương ngực;
- Các bệnh đường tiêu hóa: đầy trướng dạ dày, viêm dạ dày, trào ngược dạ dày, bệnh loét dạ dày -tá tràng, viêm tụy, ung thư tuyến tụy, ung thư biểu mô dạ dày, ápxe ổ bụng, bệnh túi mật, bệnh viêm ruột, viêm gan, trướng thực quản, viêm thực quản;
- Bệnh lý tim mạch: nhồi máu cơ tim, viêm màng ngoài tim;
- Rối loạn chuyển hóa hoặc do độc chất: ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh TƯ hoặc các dây thần kinh phế vị /cơ hoành làm tăng urê huyết, hạ natri, kali, canxi máu, tăng đường huyết, giảm thán khí.
- Bệnh AIDS, nhất là khi kết hợp với nhiễm nấm candida ở thực quản;
3. Điều trị
3.1. Nấc cụt nhẹ
Nấc cụt nhẹ thường tự khỏi mà không cần phải điều trị. Nếu sau vài giờ mà nấc cụt không tự khỏi thì có thể dùng một trong các phương pháp điều trị thông thường sau đây:
- Làm sợ, làm giật mình đột ngột hay nói vu khống một điều gì đó để bệnh nhân phân tán tư tưởng không còn nghĩ đến bệnh nấc nữa.
- Dùng hai ngón tay trỏ và ngón tay cái ấn mạnh vào vùng “yết hầu” (phia ngoài tuyến giáp trạng), ấn khoảng 3 – 5 phút có thể sẽ hết nấc ngay.
- Nghiêng người ra phía trước và uống nhanh một ly nước ở tư thế ấy.
- Ngồi và cố gắng hít thở thật sâu, sau đó thở ra mạnh hết sức có thể. Làm đi làm lại khoảng 10 lần.
- Uống nước nhanh: Uống một hơi 10 ngụm nước. Khi nuốt nước, các cơn co thắt nhịp nhàng của thực quản đè lên co thắt của cơ hoành làm hết nấc cụt.
- Nuốt một miếng chanh tươi hoặc uống một thìa cà phê giấm hay súc miệng với giấm táo.
- Lè lưỡi hoặc đè ép trên lưỡi, kích thích lưỡi gà nhằm kích thích thần kinh phế – vị. Điều này giúp hít thở thông suốt hơn và ngưng co thắt gây nấc cụt.
- Nín thở kèm với rặn lâu nhất có thể hoặc thổi gắng sức 10 hơi dài vào 1 cái túi giấy hoặc chụm bàn tay che miệng và mũi đồng thời tiếp tục hít thở bình thường. Cách này sẽ ngăn nấc cụt vì hàm lượng CO2 quá nhiều.
- Nuốt 1 thìa giấm hay 1 thìa đường cát khô, nhai và nuốt bánh mì khô kèm với nín thở. Cách này kích thích niêm mạc vùng hầu họng.
- Nhắm hờ hai mắt, dùng hai ngón tay trỏ ấn nhẹ, sâu vào hai nhãn cầu 1 – 2 giây rồi nhấc hờ hai ngón tay trỏ ra. Làm như vậy từ 15-20 lần.
- Che hai bên tai bằng ngón tay và áp nhẹ tai trong vài phút hoặc bóp mũi, che 2 tai và uống nước qua một ống hút trong 20 giây.
- Kéo thẳng tóc về phía đỉnh đầu, giữ trong vài phút.
- Ấn mạnh vào lòng bàn tay: Sử dụng ngón tay cái của một tay để ấn vào lòng bàn tay còn lại, ấn càng mạnh càng tốt. Một cách nữa là dùng ngón cái và ngón trỏ của tay phải vặn ngón trỏ của tay trái. Cách này có thể khiến bạn thấy khó chịu song sẽ giúp gây phân tâm, tác động đến hệ thần kinh và có thể giúp ngưng nấc cụt.
3.2. Nấc cụt nặng
Sau khi đã điều trị bằng các phương pháp thông thường như trên mà không có kết quả hoặc nấc đã kéo dài quá một ngày hay trong những trường hợp cần phải khỏi ngay để còn giải quyết công việc gấp thì dùng một trong hai bài thuốc Đông y dưới đây. Đây là những bài thuốc tuy đơn giản, tương đối dễ kiếm, rẻ tiền, nhưng cực kỳ hiệu quả. Thường chỉ uống trong nửa ngày là khỏi, nếu bệnh đã quá lâu thì tối đa cũng chỉ 3 ngày là khỏi hẳn. Bài thuốc như sau (trọng lượng khô):
Bài 1
– Tai quả Hồng 20g (Hồng mòng, Hồng ngâm đều được)
– Mộc hương 10g
– Thổ phục linh 10g
– Cam thảo 8gTất cả cho vào ấm đất hoặc nồi inox với 4 bát nước, sắc còn 1 bát, chắt ra, chia uống làm hai lần trong ngày. Uống cho đến khi khỏi nấc thì thôi.
Bài 2
– Tai quả Hồng 12g (khoảng 10 tai, Hồng mòng, Hồng ngâm đều được)
– Đinh hương 4g (khoảng 7 nụ)
– Đậu Rựa 18 hạt (9 hạt già, 9 hạt còn xanh – Tên khác: Đậu Dao, đậu Kiếm, đậu Mỹ…)
– Cam thảo 6g
Sắc và uống như bài thuốc trên.
Phần nhiều chỉ uống 1 – 2 ấm là khỏi. Nếu nặng cũng chỉ 3 ngày là khỏi.
4. Chú ý:
- Nếu khi ngủ mà bệnh nhân không bị nấc là chứng nấc thông thường, chỉ cần điều trị như trên chắc chắn sẽ khỏi.
- Nếu trong khi ngủ mà vẫn bị nấc thì sau khi uống thuốc đủ 3 ngày mà không khỏi nấc, cần phải đưa ngay bệnh nhân đến khám tại bệnh viện, càng sớm càng tốt, vì có thể đó chỉ là triệu chứng của các bệnh thực thể như đã nêu ở trên, cần phải tìm ra nguyên nhân để chữa mới có kết quả.
- Bài thuốc trên cũng là một “phép thử” (test) để xác định đây chỉ là một chứng nấc thông thường hay là triệu chứng của một bệnh lý thực sự nào đó. Vì vậy, khi đã uống bài thuốc trên đủ 3 ngày mà không khỏi thì cần phải khám tại bệnh viện để tìm ra nguyên nhân thực sự để xử lý.
COMMENTS