HomeBài thuốc Đông YBài thuốc và vị thuốc

Chữa rắn độc cắn – BS Nguyễn Đức Kiệt

Chữa rắn độc cắn

Chữa rắn độc cắn bằng đông y

Chữa rắn độc cắn bằng đông y

Việt Nam là một nước nhiệt đới với nhiều rừng, bờ biển dài, vùng biển rộng, có nhiều loại rắn trên cạn và rắn biển khác nhau, trong đó có nhiều loại rắn độc. Rắn thường không chủ động cắn người mà chỉ cắn khi tự vệ do bị dẫm phải hoặc bị săn đuổi. Khi bị rắn độc cắn, giai đoạn sơ cứu là rất quan trọng. Chữa rắn độc cắn tốt nhất là tiêm huyết thanh đặc hiệu. Tuy nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được. Dưới đây là một số bài thuốc đông y kinh nghiệm dân gian dễ kiếm, đơn giản, nhiều khi lại rất có hiệu quả, dùng sơ cứu kịp thời để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc do xử trí muộn. Nhà thuốc Đông dược Phú Hà xin quý vị tham khảo.

1. Phân loại rắn và triệu chứng của từng loại

Ở Việt Nam, có rất nhiều loài rắn nói chung, rắn độc nói riêng, cả trên cạn và rắn biển. Rắn độc có khoảng 35 loài (chiếm 1/4 tổng số loài rắn) được chia làm 2 loại:

Loại rắn độc thứ nhất

  • Có độc tố thần kinh, điển hình có các loài: rắn Hổ (Elapidae) như Hổ mang (Naja.L hay Cobra.L), rắn Cạp nong (Mai gầm – Bungarus fasiatus), rắn Cạp nia (Mai gầm bạc – Bungarus candidus) và rắn Biển (Hydrophidae)
  • Triệu chứng tại chỗ ít biểu hiện, ít đau, nhưng triệu chứng toàn thân rất sớm và rất nặng: nạn nhân bị kích thích, buồn nôn, vã mồ hôi, khó thở, chân tê bại, mệt mỏi cao độ, buồn ngủ, muốn ngất, nấc, nôn, mạch yếu, huyết áp hạ, khó thở, rối loạn cơ tròn, đại tiểu tiện không tự chủ, hôn mê rồi tử vong sau 6 giờ.

Loại rắn độc thứ hai

  • Có độc tố gây xuất huyết, điển hình có các loài: rắn Lục (Viperidae), rắn Đuôi chuông (Crotalidae)
  • Triệu chứng tại chỗ loại này biểu hiện rất rầm rộ: Vết cắn sưng to, tím bầm, có những đám xuất huyết chảy dịch đỏ. Sau 30′ đến 1h: nôn, tiêu chảy, mạch nhanh nhỏ, huyết hạ, ngất Sau 12 giờ vết cắn và chi bắt đầu phồng rộp, loét, hoại tử.
  • Toàn thân có thể sốc, xuất huyết nhiều nơi, rối loạn thân nhiệt (sốt cao hoặc hạ nhiệt), tiêu chảy, vô niệu…

Nếu lội dưới nước sâu, ta có thể nhận thấy mình bị con vật gì đó cắn nhưng không biết là bị rắn cắn.

Nếu là rắn độc cắn, thường có các dấu hiệu:

  1. Vết cắn có hai lỗ thủng;
  2. Đỏ và sưng tấy xung quanh vết cắn;
  3. Đau dữ dội xung quanh vết cắn;
  4. Buồn nôn và nôn;
  5. Thở dốc (nếu nặng có thể ngưng thở);
  6. Mắt mờ đi;
  7. Sùi bọt mép và đổ mồ hôi.
  8. Ngứa mặt và tê liệt các chi.

2. Cách xử trí

  1. Khi bị rắn cắn, cần ghi nhớ màu sắc và hình dạng của con rắn vì sẽ giúp ích cho việc chữa trị sau này.
  2. Đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
  3. Nếu xa cơ sở y tế, nên đặt nạn nhân ngồi hay nằm ở nơi yên tĩnh, thoáng đãng, sao cho vết cắn nằm thấp hơn tim, rồi giúp họ giữ bình tĩnh để hạn chế nọc độc lan truyền, sau đó sơ cứu cho nạn nhân.
  4. Có thể lấy tóc hay thanh tre, nứa cạo cho hết răng có nọc độc của rắn còn ghim trên da, rồi rửa sạch và sát khuẩn, sau đó băng vết cắn bằng vải khô, sạch.

Những điều không nên làm khi bị rắn độc cắn:

  • Không cố bắt con rắn.
  • Không buộc garô.
  • Không rạch vết thương bằng dao.
  • Không hút nọc độc ra.
  • Không chườm đá hay ngâm vết thương vào nước.
  • Không uống rượu để giảm đau.
  • Không uống thức uống có cafêin (chè, cà-phê)

3. Các bài thuốc đông y chữa rắn độc cắn

Sau khi đã sơ cứu và băng vết cắn, dùng một trong các bài thuốc sau.

Bài thuốc 1:

  • Cỏ môi                                                  15g
  • Rễ Cỏ gừng                                           20g
  • Lá Độc lực (tức Mền tên, Tầm xoọng)      15g.

Các thứ trên rửa sạch giã nát vắt lấy nước uống, bã đắp vào vết thương.

Bài thuốc 2:

  • Hạt mào gà tía                                              10g
  • Hạt vông vang                                              10g

Hai thứ giã dập cho vào một chén nước, lọc lấy nước uống, bã đắp vào vết thương.

Bài thuốc 3:

  • Lá, hoa cây nghể răm                        50g

Rửa sạch nhai hoặc giã nát, nuốt nước, bã đắp vào vết thương.

Bài thuốc 4:

  • Lá cây Bồ cu vẽ:                   15g,
  • Lá cây Sữa bò                       15g,
  • Lá cây Chỉ thiên                    15g

Các thứ trên rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống, bã đắp vào vết thương.

Bài thuốc 5:

  • Lá Trầu không                      40g
  • Gừng:                                    20g
  • Vôi:                                        10g
  • Quế                                        16g
  • Phèn chua:                            10g
  • Cách chế:
    • vôi, quế, phèn chua tán bột;
    • gừng và trầu không giã nhỏ lấy nước cốt, trộn với thuốc bột và một ít hồ, viên thành viên, mỗi viên 10g, phơi khô để dùng.
  • Cách dùng:
    • Người lớn mài uống một viên ngay sau khi bị rắn cắn đồng thời mài 1 viên bôi vào vết thương.
    • Các ngày sau ngày uống một viên.
    • Trẻ em tùy tuổi giảm bớt.

Sau khi sơ cứu và điều trị bằng các bài thuốc nam trên, tốt nhất là đưa nạn nhân đến cơ sở y tế có điều kiện để điều trị bằng huyết thanh kháng nọc độc hoặc cấp cứu nếu cần thiết.

4. Cách đề phòng rắn độc cắn

Sau thiên tai lũ lụt, rắn thường rời môi trường sống quen thuộc để chuyển đến những nơi khó bị phát hiện ra, có khi trốn vào nhà ở của chúng ta. Rắn có thể bơi dưới nước để tìm nơi đất cao hoặc tìm nơi ẩn náu dưới đống đổ nát hay nấp dưới một vật nào đó, vì vậy, cần hết sức cảnh giác.

Nếu nhìn thấy rắn, hãy từ từ tránh xa và không đụng đến nó.

Nếu bị rắn cắn sau 15-30′ mà vết cắn không đau, không phù, chi bị cắn không tê bại thì yên tâm vì không phải rắn độc cắn./.

COMMENTS