Đông dược Phú Hà – Y học cổ truyền Việt Nam được hình thành và phát triển cùng với quá trình dựng nước và giữ nước. Tuy chịu ảnh hưởng của nền y học các nước láng giềng mà điển hình là Trung Quốc, nhưng Y học cổ truyền Việt Nam vẫn mang một bản sắc riêng, mà câu nói “Nam dược trị Nam nhân” của danh y Tuệ Tĩnh đã nêu lên rất rõ. Qua hàng nghìn năm lịch sử, Y học cổ truyền Việt Nam được coi là nền y học chính thống của các nhà nước phong kiến. Các Ty Thái y, Viện Thái y, Sở Lương y, Tế sinh đường… được thành lập để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho vua quan, binh lính và nhân dân. Nhà vua cho cho mở các lớp giảng dạy y học, thi tuyển lương y, biên soạn sách y học… Nhiều danh y của các vương triều xưa, mà tiêu biểu như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, Hoàng Đôn Hòa, Nguyễn Đại Năng… đã để lại nhiều trước tác y, dược học cổ truyền, được áp dụng rộng rãi trong phòng và chữa bệnh trong nhân dân. Từ khi Y miếu Thăng Long được xây dựng, sự phát triển của Đông y càng được thể hiện rõ.
Nhưng từ khi thực dân Pháp xâm lược và đô hộ nước ta, Đông y đã bị loại ra khỏi hệ thống y tế nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, Đông y vẫn được người dân gìn giữ và phát triển, góp phần quan trọng trong phòng và chữa bệnh cho nhân dân. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Đông y đã được Đảng, Bác Hồ rất quan tâm, có quan điểm chỉ đạo để giữ gìn, phát huy và phát triển. Viện Nghiên cứu Đông y và Hội Đông y đã được thành lập từ rất sớm. Quan điểm kết hợp Đông -Tây y, xây dựng nền y học Việt Nam khoa học, hiện đại, dân tộc và đại chúng đã nói lên rất rõ điều đó.
Tại Nghị quyết của Bộ Chính trị số 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 Về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong phần các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã chỉ rõ: “Đẩy mạnh việc nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn và phát truiển y dược học cổ truyền thành một chuyên ngành khoa học. Thành lập Học viện Y học cổ truyền, củng cố và phát triển bộ môn Y học cổ truyền tại các trường đại học, cao đẳng và trung học y tế. Nâng cấp các bệnh viện y học cổ truyền và các khoa đông y tại các bệnh viện đa khoa. Vận động, khuyến khích và hướng dẫn nhân dân nuôi trồng và sử dụng cây con làm thuốc.”
Ngày 02/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Namtrên cơ sở Trường Trung học Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh. Điều 2 của Quyết định ghi rõ: Học viện là cơ sở đào tạo đại học, trực thuộc Bộ Y tế, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và đào tạo. Học viện có tư cách pháp nhân, có con dấu, và tài khoản riêng. Đây là sự quan tâm của Đảng, Chính phủ về công tác Y học cổ truyền dân tộc, là kết quả của sự cố gắng không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ làm công tác Y học cổ truyền trong cả nước; là quyết tâm lớn lao của các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế và là sự ủng hộ, giúp đỡ rất nhiệt tình, có hiệu quả của các Bộ, Ngành trung ương, đặc biệt là Bộ Giáo dục – Đào tạo, cũng như sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Hà Tây, nơi Học viện đóng địa điểm.
Trường Trung học Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh, cơ sở để thành lập Học viện Y học cổ truyền Việt Nam, là một trường có bề dầy trên 30 năm, có kinh nghiệm giảng dạy, học tập tốt, các học sinh ra trường được đánh giá là có chất lượng chuyên môn cao. Hiện nay, Trường có 85 cán bộ giảng dạy, trong đó 53% có trình độ sau đại học, chưa kể 55 giảng viên kiêm nhiệm và thỉnh giảng, đều có trình độ từ Thạc sĩ trở lên. Khi được biết Bộ Y tế có chủ trương đặt địa điểm Học viện tại tỉnh mình, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Hà Tây đã có quy hoạch dành 50ha đất để Học viện xây dựng địa điểm. Đó là sự giúp đỡ lớn lao của một tỉnh ở “cửa ngõ thủ đô” đối với Y học cổ truyền.
Sự kiện Nghị quyết 46-NĐ/TW và Học viện Y Dược học cổ truyền ra đời là một cơ hội rất tốt để ngành Y tế nói chung, chuyên ngành Đông y nói riêng, đào tạo cán bộ làm Y học cổ truyền, đáp ứng nhu cầu phòng chữa bệnh bằng Đông y của nhân dân, góp phần phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Chưa khi nào chuyên ngành Đông y có cơ hội và thuận lợi như hiện nay. Về chủ trương, đường lối, Đảng đã có các Nghị quyết, Chỉ thị, nêu rất rõ tầm quan trọng của công tác Y học cổ truyền, quan điểm, mục tiêu, chính sách, chiến lược, cả các giải pháp để đạt được mục tiêu đó. Chính phủ cũng đã thể chế hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật để các Bộ, Ngành và toàn dân thực hiện.
Cùng với sự phát triển mạng lưới các bệnh viện đa khoa trong toàn quốc, hệ thống các bệnh viện Y học cổ truyền đã được hình thành và phát triển từ trung ương đến địa phương. Hội Đông Y Việt Nam và Tổng Hội Y Dược học Việt Nam cũng là nơi quy tụ được rất nhiều thầy thuốc, lương y giỏi, có thể tham gia giảng dạy tại Học viện. Đội ngũ cán bộ chuyên ngành Đông y và cán bộ Tây y biết kết hợp Đông y chưa bao giờ lại hùng hậu như ngày nay. Các giáo trình, giáo án, tài liệu giảng dạy đã được Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ Y tế chính thức phê duyệt từ hàng thập kỷ nay và đang được áp dụng đào tạo đại học, sau đại học có hiệu quả. Sách chuyên ngành và tài liệu tham khảo về Đông y cũng vô cùng phong phú. Mối quan hệ giữa Y học cổ truyền Việt Nam với Y học cổ truyền các nước trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc và các nước Châu Á, cũng phát triển rất tốt đẹp. Đó thật sự là những thế mạnh, là thời cơ đối với Y học cổ truyền Việt Nam mà Học viện được thừa hưởng.
Tuy nhiên, thách thức đối với chuyên ngành cũng là rất lớn.
Ngày nay, nhu cầu khám chữa bệnh bằng Đông y của nhân dân là rất lớn. Theo thống kê, có tới 30% bệnh nhân được điều trị bằng Đông y trong hệ thống y tế nhà nước, nhưng nhân lực làm Đông y mới chỉ chiếm có 3,63%. Cả nước cũng chỉ mới có 59/244 bệnh viện đa khoa có khoa Đông y. Chỉ tiêu đào tạo Đông y mới chỉ chiếm 2,84% tổng chỉ tiêu đào tạo đại học, 3,64% đào tạo trung học và 5% đào tạo sau đại học. Theo quy định cơ cấu viên chức của Bộ Y tế thì nhu cầu bác sĩ Đông y tối thiểu phải có 7.410 người, nhưng thực tế mới có 1.384 người, còn thiếu là 6.030 bác sĩ; tương tự, số Y sĩ Đông y cũng thiếu là 11.000 người. Hiện nay, ngoài Học viện mới được thành lập, cả nước mới chỉ có 2 Khoa Y học cổ truyền của Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh là có đào tạo bác sĩ Đông y, các Trường đại học khác chỉ có Bộ môn Y học cổ truyền để đào tạo Bác sĩ đa khoa biết kết hợp Y học cổ truyền. Với tốc độ đào tạo như hiện nay thì có thể tới 30 năm sau, Việt Nam mới đáp ứng được nhu cầu nhân lực Đông y cho xã hội.
Trường Trung học Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh từ xưa đến nay mới chỉ đào tạo trung học, nay đào tạo đại học là khác biệt hoàn toàn về chất, đòi hỏi Học viện phải cố gắng rất nhiều về mọi mặt. Nói đến Học viện tức là nói đến sự liên kết hữu cơ giữa Viện và Trường. Nhưng Trường và các Bệnh viện cách nhau khá xa về địa lý, trong bối cảnh kinh tế của nước ta hiện nay, đây quả là một thách thức không nhỏ. Về đội ngũ cán bộ chuyên khoa, tuy số lượng thì nhiều, nhưng các Giáo sư, các Lương y, các Thầy thuốc có tên tuổi phần lớn tuổi đã cao, sức khỏe yếu, khó có thể tham gia giảng dạy thường xuyên được. Mặt khác, đội ngũ các thầy thuốc Đông y thường không phục nhau, sự phối hợp cũng có khó khăn. Ngay đến danh từ chuyên ngành là Đông y, Y học cổ truyền, Y học dân tộc hay Y học cổ truyền dân tộc, cho đến nay vẫn chưa thống nhât. Về cơ sở vật chất, tuy tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tây rất ủng hộ, đã có chủ trương cho Học viện khoảng 50 ha đất để xây dựng Học viện, nhưng để xây dựng được một cơ sở khang trang, đầy đủ cho một Học viện với lưu lượng hàng ngàn sinh viên, cũng không dễ dàng và không thể hoàn thành một sớm môt chiều.
Trên đây thật sự là những thách thức mà Học viện phải vượt qua. Tuy nhiên, như các cụ xưa thường nói, “Vạn sự khởi đầu nan”, cái gì mới mà chả khó khăn. Có điều chắc chắn rằng sự ra đời Học Viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam là một bước ngoặt lịch sử đối với ngành Y tế nói chung, đối với chuyên ngành Đông y nói riêng. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của các Bộ, ngành, nhìn vào đội ngũ lãnh đạo mới của Học viện, lắng nghe những lời tâm huyết của các thầy thuốc chuyên ngành Đông y và niềm vui của nhân dân cả nước khi biết tin học viện ra đời, chúng ta tin tưởng rằng Học viện sẽ tiến nhanh như Phù Đổng để đáp ứng niềm tin của Đảng, Chính phủ và sự mong mỏi, kỳ vọng của nhân dân./.
Hà Tây, mùa Đông 2005
COMMENTS