Đông dược Phú Hà – Thính giác là một trong năm giác quan của con người. Tuy hàng ngày người ta có vẻ ít quan tâm đến bệnh của cơ quan thính giác, nhưng thực ra nó ảnh hưởng rất nhiều đến nhận thức, tư duy, tình cảm, trí tuệ cũng như toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Sở dĩ thính giác không được con người chú ý đến nhiều không hẳn vì “việc nghe” không quan trọng, mà chỉ vì chúng ta không thể hình dung được người điếc sẽ cảm giác ra sao. Dù chúng ta có bịt tai lại hoặc sống trong một phòng cách âm tuyệt đối, ta vẫn nghe được tiếng tim đập, tiếng hít thở của chính bản thân mình nên chúng ta không thể nào cảm thông được với nỗi khổ của người điếc và nghễnh ngãng (người “khiếm thính”) vì thế khuyết tật này còn được gọi là “khuyết tật bị che đậy”.
Cơ quan thính giác của con người bao gồm 3 bộ phận: tai ngoài tai giữa và tai trong. Tai giúp con người biết được những âm thanh để chúng ta xử lý, thích nghi, tồn tại và phát triển trong môi trường đầy rẫy những hiểm nguy hằng ngày. Tai cũng giúp chúng ta cảm thụ và thưởng thức những âm thanh muôn màu, muôn vẻ của cuộc sống con người. Rất nhiều hiện tượng chúng ta biết được là nhờ có âm thanh.
Nhưng con người chỉ cảm nhận được những âm thanh có âm sắc và tần số nhất định. Những âm sắc quá cao hoặc quá thấp, chúng ta không nghe được. Cường độ âm thanh quá mạnh vượt quá “ngưỡng chói” (đau) thì sẽ làm tổn thương tế bào thần kinh của cơ quan thính giác. Người có cơ quan thính giác bình thường nghe được tiếng nói thầm, nghĩa là với cường độ âm thanh bằng hoặc dưới 20 dexiBen (dB).
Người nghễnh ngãng không nghe được tiếng nói thầm, mà chỉ nghe được âm thanh từ 40 đến 60dB. Người điếc nặng phải hét to mới nghe thấy, nói cách khác cường độ âm thanh phải đạt từ 61 đến 80dB. Người điếc sâu không nghe hiểu được gì, kể cả hét to.
Điếc và nghễnh ngãng có một số nguyên nhân chính sau đây: điếc bẩm sinh, điếc do bệnh của tai hoặc bệnh của các bộ phận lân cận ảnh hưởng tới tai, điếc do nhiễm độc thuốc, điếc người già và điếc do tiếng ồn.
Điếc bẩm sinh là trẻ đẻ ra đã bị điếc, thường do trong lúc người mẹ có thai bị các bệnh nhiễm trùng, nhất là các bệnh virus, bị thiếu iốt, hoặc chấn thương lúc mang thai, đẻ khó, đẻ non, ngộ độc (như rượu, thuốc trừ sâu…) hoặc các bệnh về gen.
Điếc do bệnh của tai như điếc do viêm tai giữa, viêm tai xương chũm, xơ tai, tắc vòi nhĩ, viêm mũi, viêm xoang mạn tính…
Điếc do nhiễm độc thuốc ngày càng phổ biến, nhất là ở những nước đang phát triển, do quá lạm dụng dùng các thuốc kháng sinh, như Streptomy-xin, Gentamyxin, Neomyxin, Kanamyxin… Đặc biệt, điếc do dùng thuốc kháng sinh là điếc không hồi phục. Ngoài ra, các thuốc có thạch tín, thuốc chống dị ứng, thuốc chống sốt rét… cũng có thể gây điếc và nghễnh ngãng.
Điếc người già do tai bị lão hoá, nhiều tổ chức xơ phát triển, màng nhĩ bị dầy, dây chằng, xương con đến đường dẫn chuyền thần kinh lên não đều bị lão hoá. Ngày nay tuổi thọ ngày càng tăng, số người già trong xã hội càng nhiều nên điếc và nghễng ngãng ở người già trở thành một vấn đề lớn trong xã hội.
Điếc do tiếng ồn thường xảy ra ở những nơi có tiếng ồn trên 90dB như ở nhà máy, xí nghiệp, nơi có búa máy làm việc hoặc các hiệu thính viên nhiều năm nghe bằng chụp tai hay tiếng nổ của bom, đạn… Một số người trẻ quen dùng tai nghe nhạc mở to, lâu dài, cũng có thể gây nên điếc và nghễnh ngãng như điếc nghề nghiệp. Điếc nghề nghiệp làm ảnh hưởng nhiều đến khả năng lao động của con người và dễ xảy ra tai nạn lao động.
Theo thông báo của của Tổ chức y tế thế giới (WHO), hiện nay trên thế giới có khoảng 200 triệu người trên 3 tuổi bị điếc và nghễnh ngãng, trong đó khoảng 42 triệu người từ điếc vừa đến điếc sâu. Riêng ở Mỹ đã có 28 triệu người bị điếc và nghễnh ngãng, chiếm 10,9% dân số, trong đó tới 2 triệu người điếc sâu. Còn ở Trung Quốc, qua số liệu điều tra năm 1987 cho thấy, có tới 17,5 triệu người bị tật về thính giác và phát âm, trong đó có tới 6 triệu trẻ bị điếc – câm. Riêng ở Hàn Quốc có tới 4 triệu người bị điếc và nghễnh ngãng. Trên thế giới, điếc và nghễnh ngãng đứng thứ hai về số lượng của người tàn tật.
Ở Việt Nam, điếc nghề nghiệp là căn bệnh đứng thứ hai trong các bệnh nghề nghiệp. Theo số liệu điều tra của một số cơ sở công nghiệp thì có từ 8% đến 12% công nhân làm việc ở nơi có tiếng ồn (trên 90dB) bị điếc và nghễnh ngãng do nghề nghiệp. Nước ta đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nên vấn đề điếc và nghễnh ngãng do nghề nghiệp lại càng cần phải được quan tâm. Qua số liệu điều tra của Viện Y học lao động cho thấy, tỷ lệ điếc và nghễnh ngãng do nghề nghiệp tuy có khác nhau, nhưng nếu công nhân có thâm niên nghề từ 10 năm trở lên trong các môi trường có tiếng ồn trên 90dB thì tỷ lệ công nhân bị điếc và nghễnh ngãng trung bình là 11% nghĩa là chúng ta có khoảng từ 2 đến 4 vạn người bị điếc và nghễnh ngãng do nghề nghiệp trong toàn quốc.
Với phương châm dự phòng tích cực, chúng ta không đợi để điếc xảy ra rồi mới can thiệp mà phải phòng bệnh ngay từ đầu. Người ta chia ra 3 cấp độ dự phòng: dự phòng cấp 1, cấp 2 và cấp 3.
Dự phòng cấp 1 là phòng bệnh ở người lành, nhằm tránh xảy ra điếc và nghễnh ngãng, mà chủ yếu là loại trừ các nguyên nhân gây điếc, tránh ngộ độc thuốc, tránh nhiễm các chất độc hoá học (nhất là các loại thuốc trừ sâu diệt cỏ đang được nông dân dùng phổ biến trên đồng ruộng hiện nay), tránh say rượu, nghiện rượu, chữa sớm viêm tai giữa, viêm nhiễm đường hô hấp cấp, thiếu Iốt, tránh nội giao hoặc cận giao (lấy nhau trong cùng dòng họ hoặc họ gần)… Kinh nghiệm cho thấy, tới 50% trường hợp điếc có thể đề phòng được.
Phòng bệnh cấp hai là khi đã bị bệnh hoặc chấn thương, cần phát hiện đeo máy trợ thính sớm và điều trị kịp thời các bệnh về tai.
Phòng bệnh cấp ba là giảm tàn tật về thính giác về di chứng, bằng cách rèn luyện và phục hồi chức năng.
Đối với trẻ câm điếc cần khám phát hiện sớm, đeo máy trợ thính kịp thời, kết hợp với châm cứu, hướng dẫn cho cha mẹ biết cách phục hồi chức năng cho trẻ và tổ chức các trường câm điếc cho các cháu theo học.
Trong công nghiệp, cần tuyên truyền giáo dục về công tác bảo vệ sức nghe và cách phòng chống bệnh điếc nghề nghiệp cho công nhân, đồng thời sắp xếp ca kíp lao động và thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Mặt khác, cần cung cấp đầy đủ trang thiết bị chống ồn cho công nhân và kiểm tra sức khoẻ định kỳ, khám, phân loại điếc nghề nghiệp, loại trừ những người mẫn cảm với tiếng ồn ra khỏi công việc trong môi trường có tiếng ồn cao hơn ngưỡng quy định. Khi đã xác định có điếc, cần giám định để công nhân được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp.
Tóm lại, điếc và nghễnh ngãng là một tật phổ biến, làm ảnh hưởng nhiều đến lao động và sinh hoạt của con người. Mỗi người dân và từng gia đình cần phải hiểu biết về điếc và nghễnh ngãng để đi khám kịp thời, phòng bệnh và can thiệp sớm để đưa những người điếc và nghễnh ngãng hoà nhập vào cuộc sống cộng đồng./.
(Bài đã đăng ở báo Sức khỏe & Đời sống, Việt Nam)
COMMENTS