Đông dược Phú Hà – Trong bản nhạc của mình, Nhạc sĩ Trần Hoàn có viết rằng trước lúc đi xa, Bác Hồ đã được nghe một cô gái trẻ hát câu dân ca quan họ “Người ơi người ở đừng về” trong nước mắt để tiễn biệt Người. Nhiều người muốn biết, người con gái đó là ai? Làm nghề gì? Ở đâu? Hiện nay cuộc sống ra sao?…
Để trả lời câu hỏi đó của quý vị độc giả, chúng tôi đã tìm hiểu và được biết: Đó là chị Ngô Thị Oanh, một Điều dưỡng viên quân đội. Chị sinh năm 1949, quê tại Liên Châu, Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Chồng chị là một cán bộ của Công ty vận tải môi giới, Bộ Giao thông vận tải. Anh chị được 2 người con, một trai, một gái, đều tốt nghiệp đại học, đã trưởng thành. Hiện nay chị đã “lên chức” bà nội. Sau gần 40 năm cống hiến trong ngành Quân y, năm 2001, chị đã được nghỉ hưu. Nhưng tình yêu nghề thúc giục chị không thể nghỉ ngơi ở nhà mà hiện nay lại đang làm Điều dưỡng trưởng cho Bệnh viện Tràng An, một bệnh viện ngoài công lập nổi tiếng của Hà Nội.
Nhìn khuôn mặt đôn hậu, đôi mắt đen, dáng người nhanh nhẹn, miệng luôn mỉm cười, tôi nhớ đến lời người bạn tôi khi giới thiệu về chị: “Chi Oanh ngày xưa là hoa khôi nổi tiếng của Quân y viện 108 đấy”. Hôm đến tìm chị, thật khó khăn. Chị chạy như con thoi, không ngồi chỗ nào cố định. Cuộc nói chuyện của tôi chốc chốc lại phải dừng, chị liên tục xin lỗi vì phải giải quyết công việc chuyên môn.
Về sự kiện phục vụ Bác Hồ trong những ngày Bác mệt nặng, chi kể:
– Năm 1966, tôi vào bộ đội và được đi học y tá tại Cục Quân y rồi về công tác tại Viện Quân y 108. Năm 1969, khi Bác mệt nặng, mấy anh chị em chúng tôi gồm chị Trần Thị Quý, chị Nguyễn Thị Thanh, chị Nguyễn Thị Láng và tôi cùng với BS Bích, BS Phúc, BS Thi, DS Nguyệt, GS Nguyễn Thế Khánh được phân công vào chăm sóc sức khỏe cho Bác. Đối với chúng tôi, Bác rất thiêng liêng. Gặp chúng tôi, Bác hỏi han rất cặn kẽ từng người rất thân mật xem chúng tôi ở đâu, hoàn cảnh gia đình như thế nào, tại sao lại vào quân đội?… Khi tôi nói tôi quê ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc, bác đùa: “Dân nhiều ruồi đây”! Tôi không ngờ Bác lại hiểu quê hương chúng tôi như vậy. Quả là quê tôi đồng bãi, trồng màu, bón phân tươi nên rất nhiều ruồi…
– Thế chăm sóc Bác thì các chị làm những công việc cụ thể gì? – Tôi hỏi.
– Thì cũng giống như chăm sóc những bệnh nhân khác, nghĩa là nâng giấc, cho Bác ăn, vệ sinh thân thể, cắt móng chân, móng tay và những công việc bình thường khác. Hằng ngày, cứ 3 tiếng 1 lần, tôi lại cùng BS Thi cho Bác ăn. Tôi còn nhớ khoảng ngày 28/8/1969, mấy chị em đang ngồi, chú Vũ Kỳ vào và hỏi có ai biết hát thì hát cho Bác nghe. Mấy chị em chúng tôi cùng hát. Tôi hát bài “Quân y làm theo lời Bác” sáng tác của đồng chí Đỗ Niệm. Hát xong, chú Vũ Kỳ lại hỏi có ai biết hát dân ca không. Tôi hát bài dân ca Quan họ Bắc Ninh: Người ở đừng về. Tôi cũng không ngờ giọng hát của tôi hôm ấy lại được cả nước biết đến trong ca khúc của nhạc sĩ Trần Hoàn.
– Thế sau khi phục vụ Bác trở về, chị làm gì?
– Tôi lại làm y tá như trước. Tôi còn nhớ một lần chị Quý và tôi ngồi nói chuyện với Bác, trả lời câu hỏi của Bác là tại sao không thi vào đại học lại học quân y, chị Quý thưa với Bác là chị đã có giấy gọi đại học, nhưng vì thích quân y nên đi học y tá. Bác bảo “Cố gắng làm Y tá giỏi còn hơn Bác sĩ tồi”. Chính do câu nói đó của Bác mà cả đồng chí Chính ủy và chúng tôi đều thống nhất cần trau dồi đạo đức, nâng cao tay nghề để thành người y tá vừa hồng, vừa chuyên mà không học lên Bác sĩ. Năm 1975, tôi đã được kết nạp vào Đảng. Tôi đã cố gắng để thật sự là một y tá giỏi và tôi đã thực hiện được lời hứa với Bác.
– Chị thấy nghề Y tá – Điều dưỡng thế nào?
– Tôi vô cùng yêu nghề. Từ khi biết tôi trong số chị em được vinh dự phục vụ Bác một thời gian, nhiều nhà báo đến hỏi tôi, nhưng họ chỉ quan tâm đến thời gian ngắn tôi phục vụ Bác mà ít quan tâm tới sự cống hiến của tôi gần bốn chục năm trời theo lời dạy của Bác. Tôi rất yêu nghề Điều dưỡng, luôn luôn tâm huyết với nghề. Nghề Điều dưỡng thật sự cần thiết trong ngành Y, đặc biệt trong quân đội. Các bác sĩ khám, chẩn đoán, phẫu thuật, nhưng sau đó là ra y lệnh. Còn chúng tôi, phải chăm sóc bệnh nhân trước, đặc biệt sau phẫu thuật rất lâu, rất nhiều. Ca mổ có thành công đến đâu mà sự chăm sóc không tốt vẫn trở thành thất bại. Đặc biệt, bộ đội không có người thân, người y tá phải đặt mình là người thân thay thế gia đình họ. Ngoài việc chăm sóc theo chế độ hộ lý như bưng bô, đổ vịt, vệ sinh cá nhân, cho ăn uống, nâng giấc,.. chúng tôi còn phải hát cho họ nghe, ru cho họ ngủ, đọc thư, viết thư cho họ. Khi bệnh nhân qua đời, cả khoa là người thân, chăm sóc, làm các thủ tục, lễ nghi theo phong tục và tiến anh em đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Tuy làm việc trong Quân y viện, nhưng tôi cũng được tham gia trong Tổ Cấp cứu lưu động đi thực địa, đến các đơn vị chiến đấu trong thời kỳ giặc Mỹ đánh phá ác liệt như Ninh Bình, Quảng Bình, Vĩnh Linh, Hải Dương, cả Khâm Thiên Hà Nội trong đợt 12 ngày đếm chống B52… Ngoài ra chúng tôi còn đưa đón cả những nhân vật quan trọng như các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khách quốc tế như Hoàng thân Si-ha-núc, Pôn-Pốt…
– Chị nghĩ thế nào về ngành ta trong giai đoạn hiên nay?
– Tôi biết đất nước đã chuyển sang nền kinh tế thị trường, cơ chế đã khác. Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy hoang mang. Nhưng có một điều chắc chắn là mãi mãi tôi vẫn yêu nghề, yêu ngành, muốn phục vụ bệnh nhân tốt hơn, muốn bệnh viện phải là những địa chỉ tin cậy, là mái nhà thân yêu của bệnh nhân. Yêu nghề quá nên tuy đã được nghỉ hưu, tôi lại nhận lời làm hợp đồng cho Bệnh viện Tràng An. Hiện nay tôi được phân công làm Điều dưỡng trưởng, phải quán xuyến công việc quản lý, mục đích để phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Và tôi rất muốn được xã hội hiểu hơn về nghề nghiệp chúng tôi. Tôi cũng muốn giúp đỡ chị em trẻ. Lớp trẻ bây giờ họ giỏi giang, thông minh, năng động, tự tin, nhưng họ còn thiếu một chút thực tế và không biết được nỗi gian lao, vất vả, khổ cực của ngày xưa. Có lẽ sự kết hợp giữ hai thế hệ vẫn tốt hơn, phải không anh?
Chia tay chị mà lòng tôi vẫn vấn vương về những suy nghĩ và về câu hỏi của chị. Ôi những chiến sĩ thầm lặng, rất bình dị mà cũng đáng trân trọng biết bao!/.
Mùa Thu, năm 2005
COMMENTS