Gặp người một phần tư thế kỷ làm tổ chức cán bộ
GiadinhNet – Mặc dù đã nghỉ hưu được 7 năm nay, nhưng bác sĩ Nguyễn Đức Kiệt vẫn miệt mài nghiên cứu và viết sử về công tác tổ chức cán bộ ngành y tế. Bác sĩ Kiệt cũng là người gắn bó với Vụ Tổ chức Cán bộ 25 năm, kinh qua tất cả các bộ phận như công tác tổ chức, công tác cán bộ, chế độ chính sách và bảo vệ chính trị nội bộ với vai trò là một chuyên viên. Nhân kỉ niệm 55 năm ngày thành lập Vụ Tổ chức Cán bộ, ông đã có cuộc trò chuyện với PV Báo GĐ&XH.
Bác sĩ Nguyễn Đức Kiệt sinh năm 1942, quê Phú Xuyên (Hà Tây cũ). Bác sĩ Kiệt đã cùng đồng nghiệp nghiên cứu sưu tầm tư liệu, chấp bút cho cuốn kỷ yếu công phu nhân kỷ niệm 55 năm hình thành và phát triển của Vụ Tổ chức Cán bộ – Bộ Y tế, giúp người đọc có thể hình dung được sự phát triển của Vụ Tổ chức Cán bộ nói riêng, ngành Y tế nói chung trong nửa thế kỷ qua.
Xây dựng trạm y tế dân lập
Là người đóng góp rất nhiều công sức nghiên cứu lịch sử công tác Tổ chức cán bộ của ngành Y tế, ông đánh giá như thế nào về quá trình hoàn thiện bộ máy của Vụ Tổ chức Cán bộ?
- Y tế là một ngành đặc thù liên quan đến dân sinh nên được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm từ những ngày đầu. Giai đoạn 1945 -1954, ngay sau ngày 2/9/1945 nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ra đời, Bộ Y tế đã được thành lập trên cơ sở bộ máy và nhân sự của Tổng thanh tra Y tế Đông Dương cũ do BS Phạm Ngọc Thạch làm Bộ trưởng. Bộ Y tế lúc bấy giờ chưa chia thành hệ thống mà mới chỉ có ở cấp TƯ hay nói ví von là ngành y tế lúc ấy mới chỉ có ngọn mà chưa có gốc. Đặc điểm trong giai đoạn này là kết hợp Đông – Tây y và kết hợp quân – dân y mạnh mẽ. Từ những năm 1950, Bộ Y tế đã bắt đầu chấn chỉnh tổ chức ngành Y tế, xác định tổ chức ngành y tế phải bao gồm y tế TƯ và địa phương. Đến 31/7/1952, Bộ Y tế có Thông tư 11-ZYO –TT3 về xây dựng hệ thống mạng lưới y tế từ TƯ đến tuyến xã.
- Từ năm 1954- 1975, đây là thời kỳ phát triển tổ chức của ngành y tế thành một hệ thống hoàn chỉnh, phủ kín khắp cả nước, tạo tiền đề cho việc xây dựng một ngành y tế chính quy, hiện đại sau này.
- Đối với tổ chức y tế tuyến TƯ, ngày 19/7/1955 là một ngày quan trọng. Đó là ngày ra đời Phòng Tổ chức cán bộ thuộc Bộ Y tế. Chỉ một năm sau đó, Bộ trưởng Hoàng Tích Trí đã chính thức ra quyết định thành lập Vụ Tổ chức Cán bộ, có nhiệm vụ nghiên cứu thành lập, chỉnh đốn và theo dõi tổ chức, nghiên cứu sắp xếp theo biên chế, nghiên cứu xây dựng các quy chế chính sách và giải quyết quyền lợi cho cán bộ công nhân viên; giúp Bộ quản lí cán bộ, nhân viên về mặt điều động, thuyên chuyển, tuyển dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật, thống kê, theo dõi học tập chính trị, thi đua…
Giai đoạn 1954-1975 là giai đoạn chiến tranh khốc liệt, đất nước bị chia cắt. Nghiên cứu lịch sử phát triển của ngành, ông thấy trong khoảng thời gian đó, Vụ Tổ chức Cán bộ đã có những tham mưu gì để ngành Y làm tốt công việc của “người chiến sĩ áo trắng”?
- Ngay từ đầu năm 1960, Đảng ta đã nêu rõ quan điểm phát triển ngành y tế theo bốn phương châm. Thứ nhất, y tế phải phục vụ nhân dân, phục vụ sản xuất, xây dựng quốc phòng. Thứ 2, phải lấy vệ sinh phòng bệnh là chính, kết hợp với chữa bệnh. Thứ 3, công tác y tế phải dựa vào nhân dân, vào tổ chức quần chúng. Thứ 4, phải kết hợp Tây y và Đông y; phải đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng. Bốn phương châm đó là kim chỉ nam cho các hoạt động của ngành, kể cả công tác tổ chức cán bộ.
- Vụ Tổ chức Cán bộ đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế để phục vụ tốt các phương châm đó. Năm 1959, chúng ta đã có trạm y tế dân lập hình thành trên toàn bộ miền Bắc, người dân được chăm sóc y tế ngay từ các thôn bản thay vì chỉ là ông lang, bà mế như trước đây. Tuy GDP lúc đó của Việt Nam rất thấp nhưng chỉ số phát triển con người (HDI) lại khá cao. Có được kết quả đó là nhờ y tế cơ sở. Trong hội nghị Amata năm 1978, Việt Nam được coi là một điển hình trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu. Vụ Tổ chức Cán bộ cũng có công rất lớn trong thành công đó.
Chính sách linh hoạt, mềm dẻo
Đạt được những thành tựu đó là nhờ sự lãnh đạo chỉ đạo mềm dẻo, năng động, sáng tạo của Đảng, Nhà nước, của ngành y nói chung và sự tham mưu của Vụ Tổ chức Cán bộ nói riêng. Ông có thể kể một vài điều làm ông ấn tượng nhất?
- Do nhu cầu về cán bộ phục vụ chiến trường nên Vụ Tổ chức Cán bộ đã tham mưu cho lãnh đạo mở ra nhiều loại hình đào tạo từ 3 tháng đến 18 tháng, trong một thời gian ngắn đã đáp ứng được về mặt nhân lực. Ngày đó còn có một khái niệm tếu táo như “bác sĩ một chi”. Chiến tranh nên thương vong nhiều về tứ chi, do nhu cầu gấp rút nên người học chỉ cần học qua lý thuyết rồi thực hành. Ví dụ chỉ cần học chắp nối tay phải hoặc tay trái rồi vận dụng chứ không nhất thiết phải học nối cả 2 tay. Như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian để gấp rút phục vụ chiến trường.
- Thời kỳ này Vụ Tổ chức Cán bộ cũng đã tham mưu, đề xuất cho Bộ Y tế và Nhà nước những chính sách, chế độ như chính sách đối với người lao động có tính đặc thù trong ngành y tế và những người làm công tác y tế ở những ngành khác. Chính sách đối với người lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, chính sách thai sản…
Là một ngành giao lưu với quốc tế rất sớm, mỗi năm có hàng nghìn cán bộ y tế ra nước ngoài cũng như từ nước ngoài vào Việt Nam. Trong mỗi giai đoạn đều có những yếu tố “nhạy cảm” khác nhau. Là nơi chịu trách nhiệm bảo vệ công tác nội bộ, nhờ đâu mà Vụ Tổ chức Cán bộ đã làm rất tốt vấn đề này?
- Y tế là ngành có mối quan hệ quốc tế rất sớm, nhưng do làm tốt công tác bảo vệ nội bộ nên dù chiến tranh hay hòa bình đều không để xẩy ra những trường hợp đáng tiếc. Vụ Tổ chức Cán bộ cũng đã hết sức linh hoạt, mềm dẻo trong việc tham mưu.
- Thập niên 80 là thời kỳ lao đao của ngành y tế khi phá bỏ bao cấp, phát triển theo kinh tế thị trường. Sau 10 năm nghiên cứu, Vụ Tổ chức đã tham mưu cho Bộ để xây dựng những mô hình phù hợp để y tế thoát khỏi khủng hoảng. Cho phép mở phòng mạch tư, xây dựng chế độ bảo hiểm y tế…
- Từ năm 1980 đến năm 1986, Vụ Tổ chức Cán bộ đã xây dựng được các chức danh ngành y tế và tiêu chuẩn các chức danh, các quyền hạn, trách nhiệm… Xây dựng chế độ đặc thù như trực làm thêm giờ, độc hại, lây nhiễm. Thực hiện đa khoa hóa tuyến dưới và chuyên khoa hóa tuyến trên.
Qua 25 năm công tác, trải qua nhiều lĩnh vực công tác của Vụ, cảm nhận của ông về công việc này như thế nào?
- Lúc nào tôi cũng thấy thiếu kiến thức và khi nhìn lại chưa bao giờ tôi thấy hài lòng với kết quả công việc của mình. Nhưng do tôi được học về nghiệp vụ khoa học tổ chức trước khi vào làm ở Vụ nên công việc có thuận lợi hơn.
- Theo tôi, đặc thù của công việc tổ chức cán bộ quan trọng nhất là xây dựng được mô hình phù hợp với hoàn cảnh kinh tế xã hội của đất nước.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Vy Vy (thực hiện)
Báo GD&XH, ngày 27/08/2010
COMMENTS