HomeBài viết khácBài viết chung về y tế

GS Phạm Song, một bộ trưởng năng động – BS Nguyễn Đức Kiệt

GS Phạm Song

GS Phạm Song

Đông dược Phú Hà – Giáo sư – Viện sĩ Phạm Song là người có nhiều kỷ lục “đầu tiên” nhất của ngành Y tế: Vị Bộ trưởng đầu tiên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, người đầu tiên xây dựng Chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ trưởng đầu tiên xây dựng Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bộ trưởng đầu tiên đề xuất bảo hiểm y tế, Bộ trưởng đầu tiên xây dựng và làm việc theo các chương trình, dự án, Bộ trưởng đầu tiên trực tiếp quản lý tài chính của ngành, người đầu tiên đề nghị cấp kinh phí theo đầu người dân, Bộ trưởng đầu tiên quản lý theo cum dân cư không theo địa giới hành chính…

Nhiều người cho rằng, tài năng của con người ta chỉ bộc lộ rõ trong những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Tuy không phải là “thời thế tạo anh hùng” nhưng thời thế đã làm bộc lộ khí phách của anh hùng. Đối với Giáo sư – Viện sĩ Phạm Song, điều đó cũng không phải là ngoại lệ.
GS Phạm Song được cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Đó không chỉ là lúc Bộ trưởng đương nhiệm mất đột ngột do tai nạn máy bay (năm 1988), mà còn là một thời điểm khó khăn của ngành Y tế nói riêng, cả đất nước nói chung: Thơi kỳ bắt đầu chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền knh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Lúc này cơ chế cũ đã không còn phù hợp, nhưng có chế mới lại chưa được định hình, ngành Y tế gần như phải làm lại từ đầu.

Khi GS Phạm Song lên làm Bộ trưởng, cũng là lúc ngành Y tế gặp rất nhiều khó khăn tưởng như không thể khắc phục nổi: Trạm y tế dân lập xã bị tan rã từng mảng do không được các hợp tác xã bao cấp như trước đây, cán bộ y tế cơ sở tuy không bỏ hẳn nghề như giáo viên của ngành Giáo dục, nhưng không còn giành nhiều thời gian cho công việc vì còn phải làm nhiều việc khác để tự nuôi bản thân và nuôi gia đình. Nhiều bệnh dịch nguy hiểm như lao, sốt rét, thương hàn, bại liệt, bạch hầu, uốn ván… trước đây đã giảm nhiều, nay lại có xu hướng bùng lên, thậm chí có nơi lan thành dịch. Y đức thì xuống cấp, y đạo không được ton trọng. Bệnh viện giống như “cái chợ” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Công tác điều trị xuống cấp trầm trọng cả chất lượng chăm sóc lẫn tinh thần thái độ phục vụ. Hiện tượng bệnh nhân không tôn trọng hoặc phản ứng gay gắt vời thầy thuốc đã trở nên phổ biến, thậm chí có người nhà bệnh nhân đã bắn chết bác sĩ như ở Viện Nhi trung ương (Hà Nội). Ngân sách giành cho y tế thiếu gay gắt. Hiệu suất công tác của cán bộ, viên chức trong ngành rất thấp. Đảng, Nhà nước và nhân dân đòi hỏi ngành Y tế phải vươn lên vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tình hình đó đặt lên vai ông Bộ trưởng một gánh rất nặng, buộc ông phải lựa chọn rất nhiều vấn đề, phải đề xuất và đưa ra những quyết sách mang tính quyết định đối với một ngành có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Là một nhà khoa học, một nhà quản lý, GS Phạm Song hiểu rằng, trong môt lúc không thể làm tất cả mọi việc, vì vậy ông đã chọn ra mấy việc ưu tiên phải làm ngay, đó là: Thay đổi cơ chế quản lý, xây dựng pháp luật, sửa đổi chính sách, cùng cố y tế cơ sở, tạo nguồn tài chính và thay đổi phương thức làm việc. Trước hết, ông đề nghị Chính phủ thay đổi cơ chế quản lý y tế, từ một hệ thống y tế bao cấp sang một hệ thống y tế đa dạng với nhiều thành phần, chuyển vai trò của Nhà nước từ chỗ làm chức năng cung cấp dịch vụ sang chức năng quản lý dịch vụ công. Trước đây, theo Hiến pháp quy định, nhân dân vào bệnh viện khám chữa bệnh không phải trả tiền. Nhưng nay nền kinh tế đã thay đổi, người dân không còn được bao cấp nữa.

Ông đề nghị tổ chức lại hệ thống y tế theo cụm dân cư, không theo địa giới hành chính như trước đây nữa và Nhà nước cấp kinh phí cho hoạt động y tế theo đầu người dân trên địa bàn, không theo đầu cán bộ y tế và theo giường bệnh. Ông thúc đẩy việc xây dựng Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân và các văn bản dưới luật làm cơ sở cho các hoạt động của ngành và giao cho các Vụ chức năng của Bộ tích cực chuẩn bị. Sau một thời gian ngắn tiến hành, năm 1989 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân ra đời, ông đã thưởng cho người chủ trì soạn thảo Luật một bậc lương, giữ lời hứa khi ông mới lên làm Bộ trưởng. Đây tuy là một việc làm nhỏ, nhưng nó vừa mang tính quyết đoán của một vị Bộ trưởng, vửa chứng tỏ ông là người rất biết giữ lời hứa của mình. Tiếp theo đó, một loạt các văn bản dưới Luật ra đời, kể cả các dự thảo Pháp lệnh, như Pháp lệnh Hành nghề Y Dược tư nhân, Pháp lệnh Bảo hiểm y tế, Pháp lệnh Phòng chống nhiễm HIV/AIDS và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Nhờ những văn bản này mà ngành Y tế đã dần dần lập lại được trật tự các hoạt động của mình. Đây cũng là giai đoạn ra rất nhiều văn bản dưới Luật thay thế các văn bản cũ đã không còn phù hợp với thời kỳ đổi mới. Nếu như các năm 1986, 1987, bình quân Bộ Y tế chỉ ban hành 15 văn bản/ 1 năm thì số lượng này đã tăng lên tới 31 văn bản năm 1988, 27 văn bản năm 1989, 41 văn bản năm 1990 và 43 văn bản năm 1991!. Có thể nói, tất cả những chính sách quan trọng trong thời kỳ đổi mới của ngành Y tế đều đã ra đời trong giai đoạn này.

Để ngăn chặn sự tan rã của các Trạm Y tế dân lập xã, một mạng lưới mang tính sống còn đối với ngành Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách đối với tổ chức và cán bộ Y tế xã: Chuyển các Trạm Y tế xã từ dân lập thành công lập, cho biên chế chính thức mỗi xã từ 3 – 6 người và đề nghị Nhà nước trả lương cho cán bộ y tế cơ sở tương tự như các giáo viên trên cùng địa bàn. Đồng thời, ông đã cho thành lập một Chương trình Củng cố Y tế cơ sở để nghiên cứu, đánh giá tình hình, từ đó đề xuất các mô hính tổ chức, cơ chế quản lý, điều hành mới phù hợp với hoàn cảnh của đất nước. Nhờ có các giải pháp đó mà đã cứu nguy các trạm y tế cơ sở. Ông cũng đã đồng ý cho nghiên cứu xây dựng thí điểm tổ chức Y tế địa phương theo mô hình tổ chức mới: Hợp nhất hàng chục Trạm chuyên khoa của các Sở Y tế thành một Trung tâm thuộc Sở và hợp nhất Phòng Y tế quận huyện với Bệnh viện trên địa bàn thành Trung tâm Y tế huyện để gắn phòng bệnh với chữa bệnh, tập trung nguồn lực, giảm đầu mối, tăng hiệu quả công tác, phù hợp với tình hình mới.

Là một nhà khoa học nhưng đã kinh qua quản lý một bệnh viện lớn của Ngành, lại có kinh nghiệm một số năm lãnh đạo với cương vị Thứ trưởng, sau khi nhận chức Bộ trưởng, GS Phạm Song hiểu rằng công việc quan trọng nhất của người Thủ trưởng không chỉ là sử dụng tốt nguồn lực hiện có mà phải tạo ra nguồn lực, trong đó nguồn tài chính là quan trọng nhất. Vì vậy, ông đã đề xuất với Nhà nước cho thu một phần viện phí của người vào khám chữa bệnh, đồng thời cũng đề xuất miễn viện phí với người nghèo, người thuộc diện chính sách và đặc biệt là từng bước xây dựng chính sách Bảo hiểm y tế để tiến tới Bảo hiểm y tế toàn dân. Chính nhờ có Bảo hiểm y tế và Thu một phần viện phí mà ngành Y tế đã có được kinh phí trang trải cho các hoạt động của mình, chất lượng chăm sóc, phục vụ bệnh nhân được đảm bảo, trang thiết bị được đổi mới, thu nhập của cán bộ nhân viên Y tế phần nào được cải thiện. Thời kỳ này cũng là lúc Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu bị sụp đổ, ngưồn tài trợ rất quan trọng của ngành Y tế đã bị cắt. Ông cũng là người đã biết lôi kéo, tập hợp, tranh thủ các nhà tài trợ quốc tế giúp đỡ cho ngành Y tế Việt Nam. Từ đầu những năm 1980, ngành Y tế đã cử cán bộ đi làm chuyên gia y tế ở nước ngoài, nhưng tiền thu được vẫn do ngành Tài chính quản lý. Hằng năm, ngành Y tế vẫn phải “xin” ngành Tài chính từng đồng bằng chính khoản tiền của mình làm ra. Khi lên làm Bộ trưởng, ông đã đề nghị Chính phủ giao số ngoại tệ này cho ngành Y tế quản lý để trừ vào tổng số ngân sách mà ngành Y tế được cấp hằng năm.

Chỉ với cách quản lý này, bằng số lãi gửi ngân hàng không cần xin kinh phí của Chính phủ cấp, Bộ Y tế đã xây được ngôi nhà hiện đại 5 tầng và sửa sang lại cơ quan Bộ, đền bù giải tỏa một số hộ gia đình sống lẫn trong khu cơ quan, chấm dứt tình trạng ăn ở lôn xộn và tình trạng ngập lụt triền miên bao nhiêu năm của cơ quan Bộ, đưa cơ quan Bộ Y tế trở thành một trong những Bộ có trụ sở làm việc, hội họp đàng hoàng nhất lúc bầy giờ.

Một việc quan trọng khác cũng được thực hiện trong giai đoạn này, đó là xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. GS Phạm Song nhận thấy ngành Y tế không thể đơn độc hoạt động một mình mà muốn thành công phải phối hợp với các cấp, các ngành, phải dựa vào sức mạnh của nhân dân. Vì thế, ông đã phối hợp với Ban Dân vận trung ương và cơ quan Trung ương các đoàn thể để tổ chức hội thảo “Sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, sự nghiệp của dân, do dân, vì dân” mà nội dung chính của nó là xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhờ có cuộc hội thảo này mà các Ban, Ngành, Đoàn thể, các Chính quyền địa phương đã thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, họ không còn ỷ lại, không còn khoán trắng co ngành Y tế như trước đây. Việc phối hợp liên ngành đã rất có hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực phòng bệnh và giáo dục sức khỏe.

Một trong những việc làm khác đáng kể của ông là thay đổi phương pháp quản lý, phong cách làm việc. Sau khi giữ cương bị Bộ trưởng không lâu, ông đã cho xây dựng lần đầu tiên của ngành Y tế bản Chiến lược bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, song song với việc xây dựng kế hoạch như trước đây. Đây là một bước ngoặt đáng kể trong cơ chế quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành Y tế. Đồng thời với việc Xây dựng chiến lược và kế hoạch công tác, ông cũng là người khởi xướng phương pháp làm việc theo chương trình, dự án. Ngành Y tế được xây dựng thành 12 chương trình mục tiêu y tế quốc gia và một số chương trình hỗ trợ. Củng cố y tế cơ sở ông đặt là chương trình quốc gia số 1. Chương trình 12 là chương trình kết hợp quân dân y. Vì là mới, còn nhiều ý kiến khác nhau về cách làm việc theo chương trình, dự án nên ông đã phổi hợp với Học viện Hành chính quốc gia tổ chức hội thảo khoa học “Quản lý nhà nước và quản lý chương trình” và phối hợp với Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ tổ chức hội thảo khoa học “Quản lý nhà nước của các Bộ sự nghiệp”. Cũng nhờ cách làm này mà trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức đã được nâng lên một cách đáng kể, hiệu suất công tác và kết quả công việc đã tăng lên rõ rệt. Đối với công chức trong cơ quan Bộ và công nhân viên chức trong ngành, ông chuyển sang quản lý theo công việc, không quản lý theo thời gian như trước đó vẫn làm. Để thích nghi với phương pháp làm việc mới, ông đã rất quan tâm tới việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt đội ngũ chuyên viên ở cơ quan Bộ và đội ngũ lãnh đạo của các đơn vị trực thuộc Bộ và cán bộ Y tế địa phương, cho họ đi đào tạo cả trong nước và nước ngoài. Cũng nhờ cách quản lý mới, do cán bộ được đào tạo mà ngành Y tế đã sớm hội nhập được với quốc tế, thích nghi với sự thay đổi của xã hội.

GS Phạm Song cũng là Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà là được bầu, không do Trung ương giới thiệu, nghĩa là “ngoài dự kiến”. Chính điều đó đã nâng thêm uy tín của ngành Y tế. Trong một dịp báo cáo Chiến lược bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trước toàn thể cán bộ của Văn phòng Trung ương Đảng, sau khi nghe Bộ trưởng trực tiếp trình bày Chiến lược của ngành Y tế bằng màn hình “Over head” hàng giờ liền, nhiều cán bộ của Văn phòng Trung ương đã thốt lên thán phục: “Thật là một Bộ trưởng năng động” (cũng xin nói thêm là vào thời điểm ấy, các đồng chí cán bộ lãnh đạo đi đâu thường có một loạt cán bộ cấp dưới hoặc “thư ký” đi theo để cung cấp số liệu, trình bày bổ sung sau khi “Thủ trưởng” chỉ đọc báo cáo chung chung do cấp dưới chuẩn bị sẵn, cho nên với việc làm này, GS Phạm Song trở thành một “hiện tượng lạ”).

Ông cũng là một trong những Bộ trưởng có tầm nhìn xa, trông rộng. Là một nhà quản lý, nhưng trước hết là một nhà khoa học, một chuyên gia về dịch tễ học, ông luôn luôn có cách nhìn bao quát, toàn diện, luôn luôn biết đặt sự vật, sự việc vào trong quy luật phát triển của nó. Ông biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa dự phòng và điều trị, giữa y tế phổ cập với y tế chuyên sâu, giữa lý thuyết với thực hành, giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách, giữa giữ gìn bản sắc với hội nhập và phát triển… Ông luôn luôn đi trước vấn đề. Một dẫn chứng cho nhận định đó là ông đã đề ra mục tiêu ưu tiên phòng chống HIV/AIDS (ngày đó còn gọi là SIDA) trong khi ở Việt Nam chưa có ai bị nhiễm căn bệnh này. Chính điều đó đã bị nhiều người, kể cả một số nhà khoa học, phản đối rằng ông đã làm một việc không đáng làm, sao không để giành nguồn lực cho Sốt rét, lại ưu tiên vào một căn bệnh chỉ có trên sách vở! Và chính ông cũng đã rất quan tâm tới công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình, các tai nạn chấn thương và các bệnh không nhiễm trùng (như ung thư, tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp…) mà lúc đó các bệnh này mới chỉ là “bệnh hiếm”. Ngày nay, thực tế đã chứng minh những điều ông ưu tiên là đúng.

GS Phạm Song là một con người quyết đoán và dám chịu trách nhiệm với những việc mình làm. Một điều đặc biệt nữa ở ông là ông luôn quan tâm tới những việc lớn, nhưng lại không quên những việc nhỏ. Ông cho rằng những việc nhỏ nếu không giải quyết ngay nó sẽ thành việc lớn. Mặc dù với thời gian giữ chức Bộ trưởng không dài và mặc dù còn nhiều ý kiến nhận xét, đánh giá, khen chê khác nhau về Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Song, nhưng những việc ông làm trong thời gian giữ chức Bộ trưởng thật đáng kể. Với trách nhiệm đứng đầu một ngành, ông đã thực sự mang lại sự đổi thay đáng kể cho ngành Y tế, ông đã chèo chống “con thuyền y tế” vượt qua cơn sóng to, gió lớn, vững bước tiến lên. Những việc ông làm cho ngành Y tế cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và vẫn đang phát huy tác dụng.

Là một người đã công tác 40 năm trong ngành Y tế, lại có 25 năm công tác tại Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ, tôi cho rằng GS-Viện sĩ Phạm Song đã cách tân khá nhiều, đã rất táo bạo và mạnh dạn. Ông đã mang lại nguồn sinh khí mới cho ngành Y tế. Tuy cá nhân tôi, tôi không “nợ” gì ông vì ông không ban phát ân huệ gì cho riêng tôi, nhưng tôi rất biết ơn ông vì ông đã mang lại rất nhiều lợi ích cho ngành Y tế, ông đã làm cho bộ mặt Cơ quan Bộ thực sự đổi thay, đã tạo cơ hội cho những người trong ngành biết tin vào chính mình, có thể phát huy sức mạnh của chính mình và có một phương pháp làm việc mới để hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Mà theo tôi, đó mới là điều quan trọng./.

Hà Nội, tháng 5 năm 2005
—————————————————–
 

GS-Viện sĩ Phạm Song sinh ngày 23/11/1931 tai xã Sơn Long, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Lớn lên, ông tham gia phong trào sinh viên, ngày 1/4/1950 được kết nạp Đảng khi mới 19 tuổi và được cử lên Việt Bắc để học Đại học Y Hà Nội 1952-1956. Năm 1956, ông tốt nghiệp bác sĩ loại giỏi chuyên ngành tim mạch và tiếp tục làm bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô. Năm 1960, ông đi học ở Rumani về virut và vi khuẩn học. Sau này ông lại được tu nghiệp ở Hà Lan và Thụy Sĩ về Gan. Khi về nước, ông được cử làm Chủ nhiệm khoa Bệnh nhiễm trùng của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (18 năm, từ 1966-1984). Năm 1981, ông được bổ nhiệm Phó giám đốc và năm 1982 làm Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô. Đầu năm 1984, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Y tế nhưng vẫn kiêm Chủ nhiệm Bộ môn truyền nhiễm và đảm bảo trên 170 tiết giảng dạy mỗi năm tại Trường Đại học Y Hà Nội. Khi thành lập Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới ông đã kiêm Viện trưởng. Từ năm 1988 đến năm 1992, ông là Bộ trưởng Bộ Y tế. Ông là trường hợp không được Ban chấp hành khóa trước giới thiệu nhưng vẫn trúng cử vào Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa VII. Sau khi thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế, ông sang phụ trách Ban chỉ đạo Chương trình Nước sạch Quốc gia rồi làm Chủ tịch Hội Dân số Kế hoạch hoá Gia đình Việt Nam, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam và Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam. Ông được Nhà nước tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Thầy thuốc nhân dân và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác. Năm 2000, ông là Viện sĩ Viện hàm lâm Y học Liên bang Nga về hệ thống và biện chứng. Năm 2006, ông được Viện Tiểu sử Hoa Kỳ tặng danh hiệu Nhà khoa học tiêu biểu của năm do cống hiến trọn đời cho y học. Ông đột ngột từ trần do đột quỵ và mất tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội ngày 8/11/2011./.

COMMENTS