HomeBài thuốc Đông YBài thuốc và vị thuốc

Hải sâm, món ăn ngon, vị thuốc bổ – BS Nguyễn Đức Kiệt

Hải sâm, món ăn ngon, vị thuốc bổ

Hải sâm, vị thuốc bổ

Hải sâm, vị thuốc bổ

Theo các sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS-TS Đỗ Tất Lợi và “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam” của nhóm tác giả Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung… Nguyễn Tập, Trần Toàn – Viện Dược liệu thì Hải sâm còn có tên là Dưa biển, Sâm biển, Đỉa biển, tên khoa học là Holothuria spp., tên tiếng Anh là Holothurian sea-slug, Trepang; tên tiếng Pháp là Holothurie, thuộc họ Hải sâm (Holothuriidae), là loài động vật không xương sống, sinh sổng ở biển.

Hải sâm có dạng hình ống, giống như chiếc bánh mỳ, phình ra ở giữa, thon nhỏ ở hai đầu, phía ngoài có những gai thịt nhỏ, đằng trước có miệng với những vành tua xung quanh, phía sau có hậu môn. Dọc thân là các dãy chân hình ống.

Trong tự nhiên, Hải sâm có tới hàng nghìn loài, có ở nhiều nước như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Malaysia, vùng Đông Phi… Việt Nam ta có 4 loài Hải sâm đã được phát hiện rất phổ biến là Hải sâm đen, Hải sâm trắng, Hải sâm vú và Hải sâm mít. Chúng có mặt ở khắp bờ biển từ Bắc vào Nam,nhiều nhất ở Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Bạch Long Vĩ, Côn Đảo, Phú Quốc, Kiên Giang…

Hải sâm tươi là loại thực phẩm cao cấp, quý giá, thường có mặt trong các bữa cỗ yến tiệc sang trọng của các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Philipine, Việt Nam…

Hải sâm có thể ăn tươi dưới dạng sào nấu, ướp muối, đóng hộp… Loại thịt có màu đen quánh dính, da có nhiều gai bướu là tốt. Sau khi chế biến, Hải sâm có mùi vị thơm ngon đặc biệt và vô cùng hấp dẫn.

Nhưng cách chế biến Hải sâm khô là cách thông thường và phổ biến nhất. Cách làm như sau:

Hải sâm bắt về mổ bỏ ruột, rửa sạch, phơi hay sấy khô, tán bột, cho vào lọ sành hay sứ, đậy kín, bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, để dùng dần.

Theo các nhà khoa học, thịt Hải sâm chứa 21,5% Protid; 0,3% Lipid; 69%mg% Ca; 5mg% P; 9,2mg% Fe; 0,01mg% VitaminB1; 0,02mg% VitaminB2; 0,1mg% Vitamin PP và đặc biệt là chất Holothurin (Sticopotid), có thể phòng chống ung thư.

Theo Đông y, Hải sâm có vị mặn, tính ấm, có tác dụng bổ thận âm, tráng dương, ích tinh, giảm ho, tiêu độc, nhuận táo, cầm máu.

Gần đây người ta phát hiện chất Holothurin trong Hải sâm có tác dụng ức chế sự phân chia tế bào, do đó Hải sâm có khả năng phòng ngừa được ung thư.  Do rất giàu chất dinh dưỡng, có tác dụng bồi bổ không kém gì nhân sâm nên người ta mới gọi là Hải sâm.

Trong lâm sàng, Hải sâm dùng để chữa cơ thể gầy yếu, thần kinh suy nhược, viêm phế quản, các chứng chảy máu, ho, mụn nhọt, ung thư…

Dạng dùng thông thường của Hải sâm là nướng hay sấy giòn, tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6-10g, với nước ấm hay rượu. Nếu ăn tươi dùng sào nấu như thịt hoặc mực tươi.

Một số món ăn – bài thuốc có Hải sâm:

  • Chữa Lao phổi: Hải sâm 500g, Bạch cập 250g, Mai rùa 1 cái, nướng ròn. Tất cả thái nhỏ, sao vàng, tán bột, rây mịn, cho vào lọ, đậy kín, dùng dần. Ngày uống 25g với nước ấm.
  • Chữa cơ thể nhiệt táo, khối u, ung thư: Hải sâm tươi 30g, Mộc nhĩ 30g, thái nhỏ, nhồi vào khúc ruột già lợn, luộc chín, ăn trong ngày.
  • Thuốc Bổ khí huyết, hạ huyết áp: Hải sâm 50g (thái miếng), Tỏi 30g (giã nhỏ), Gạo ngon 50g (vo sạch). Tất cả nấu kỹ, ăn một lần vào buổi sáng.
  • Thuốc bổ gan thận, hạ huyết áp: Hải sâm tươi 50g, Đỗ trọng 8g, Gạo ngon 50g cho vào nồi cùng với 100ml nước dùng gà, thêm Hành, Gừng, bột Gia vị vừa đủ, nầu nhừ. Ăn làm một lần trong ngày./.

COMMENTS