HIỆN TRẠNG HÀNH NGHỀ Y DƯỢC TƯ NHÂN – BS NGUYỄN ĐỨC KIỆT
Sự ra đời của hệ thống y, dược tư nhân đáp ứng nhu cầu bức thiết của xã hội và làm giảm rõ rệt tệ cửa quyền trong ngành Y tế. Mặt khác, hệ thống y, dược tư nhân cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế và tiêu cực…
Từ năm 1988, sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội, trong đó có ngành Y tế. Một trong những đặc trưng của kinh tế thị trường là phân hoá giàu, nghèo. Người giàu bắt đầu nảy sinh nhu cầu cao về chăm sóc sức khoẻ. Từ chỗ thuốc và các dịch vụ y tế khác đều được bao cấp, quan hệ giữa thầy thuốc, bệnh nhân là quan hệ “cho và nhận” khi chuyển đổi sang cơ chế kinh tế hàng hoá, quan hệ trên trở thành quan hệ “mua và bán”. Và dĩ nhiên, người bệnh lại được tự do hơn trong việc lựa chọn các dịch vụ y tế. Nhu cầu mới nảy sinh cộng với sự lơi lỏng về quản lý hành nghề y, dược tư nhân đã hình thành một hệ thống khám chữa bệnh và bán thuốc tự do. Chỉ trong một thời gian ngắn, y dược tư phát triển khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, với nhiều hình thức phong phú. Trong tình hình dịch vụ y tế Nhà nước bị xuống cấp, sự bổ sung của hệ thống y dược tư nhân là rất cần thiết, đặc biệt là của một số đông cán bộ y tế đã về hưu.
Đứng trước tình hình đó, năm 1993 Nhà nước đã ban hành pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân trong hệ thống y tế.
Trong hai năm 1992 và 1993, Trung tâm nhân lực Y tế (Bộ Y tế) đã tiến hành điều tra nghiên cứu việc hành nghề y, dược tư tại 9 tỉnh và 2 thành phố. Theo số liệu điều tra (trừ phòng khám bệnh bán công và ngoài giờ), tổng số người hành nghề y, dược tư của các nơi kể trên là 6.793 người. Nhiều nhất ở các vùng đô thị (TP Hồ Chí Minh có 2.682 người, chiếm 39,4%, Hà Nội có 2.034 người, chiếm 29,9%). Ít nhất là các tỉnh miền núi (Hà Giang chỉ có 26 người, chiếm 0,38%, Thanh Hoá có 127 người chiếm 1,86%, Gia Lai có 180 người, chiếm 2,64%). Tất cả các loại cán bộ y tế từ sơ cấp đến sau đại học và lương y đều làm tư ngoài giờ, dược sĩ có tỷ lệ cao hơn bác sĩ. Điều này đặc biệt rõ ở Hà Nội: dược sĩ chiếm 38,1%, bác sĩ chiếm 30,69%.
Có thể nói mạng lưới y, dược tư nhân được hình thành tự phát từ yêu cầu cả của người sử dụng và người cung ứng. Ở những nơi y, dược tư có nhu cầu thực sự thì dù ngay cả trong cơ chế bao cấp, nó vẫn được hoạt động dưới hình thức không chính thức như thuốc mẹt “chợ trời”, khám bệnh trong nhà không treo biển… Ngược lại, ở những nơi chưa có nhu cầu thực sự thì dù trong nền kinh tế thi trường cũng không được cộng động chấp nhận.
Tất cả những tỉnh, thành phố được điều tra đều có người hành nghề y, dược tư, nhưng ở đâu kinh tế phát triển thì ở đấy hành nghề y, dược tư cũng phát triển. Phần lớn những người hành nghề y, dược tư nhân là những người đã về hưu, trong đó lực lượng chủ yếu là những cán bộ y tế các chuyên khoa. Tất cả các loại hình thầy thuốc đều tham gia làm tư, nhưng nhiều nhất vẫn là dược sĩ và bác sĩ.
Đối tượng đến khám chữa bệnh tại y tế tư nhân phần lớn là bà mẹ, trẻ em. Bệnh tật chủ yếu là những loại bệnh thông thường. Những người đến khám chữa bệnh được hỏi cho rằng lý do chủ yếu để họ đến khám chữa bệnh, mua thuốc tư nhân là vì gần nhà (31,68%), chuyên môn giỏi (19,92%), sẵn thuốc (19,74%) và phục vụ tận tình (19,48%).
Mạng lưới y dược tư ra đời đã góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc sức khoẻ, chữa các bệnh thông thường cho nhân dân, đặc biệt là cho phụ nữ và trẻ em, góp phần khắc phục những hạn chế của y tế Nhà nước. Nếu tính trung bình một người hành nghề y tư nhân khám bệnh cho 5 bệnh nhân một ngày thì số người làm tư của 9 tỉnh nói trên mỗi năm có thể khám, chữa bệnh cho trên 12 triệu lượt người. Trên thực tế con số này có thể còn cao hơn nhiều.
Theo số liệu ước tính của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, một năm, số người được khám chữa bệnh ở thành phố này lên tới 6 triệu lượt người. Số liệu điều tra cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tư nhân là 23% và tại các lương y là 1,3%, tổng cộng là 24,3%, bằng 2/3 số người đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế và gấp hơn hai lần số người đến khám, điều trị tại bệnh viện và phòng khám đa khoa khu vực.
Như vậy, nhờ có hệ thống y tế tư nhân này, y tế Nhà nước sẽ có thời gian hơn để tập trung vào lĩnh vực phòng chống dịch bệnh và phục hồi chức năng. Với các nhà thuốc tư, 59,81% bệnh nhân được hỏi cho rằng mua ở nhà thuốc tư vì thuận tiện, 16% cho rằng vì có đủ các loại thuốc họ cần và 10,7% cho rằng họ được hướng dẫn tốt. Như vậy, rõ ràng yếu tố thuận tiện là yếu tố cơ bản nhất đối với người dân.
Y, dược tư đã giải quyết được những điều bệnh nhân có yêu cầu nhưng Nhà nước chưa đáp ứng. Hoạt động y dược tư cũng là đòn bẩy cạnh tranh buộc y tế nhà nước phải vươn lên về mọi mặt, đặc biệt về tinh thần thái độ phục vụ, để tồn tại và phát triển trong tình hình mới.
Y, dược tư cũng tạo điều kiện cho nhân dân được tự do lựa chọn thầy thuốc, tự do mua loại thuốc đắt tiền hay tự do yêu cầu dịch vụ cao, nhất là những người có điều kiện kinh tế. Hoạt động y dược tư cũng giải quyết được tình trạng thiếu thuốc, thiếu chăm sóc do Nhà nước thiếu kinh phí, góp phần tự giải quyết vấn đề chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ngay tại cộng đồng, đồng thời cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho một số cán bộ y tế.
Nhưng bên cạnh những mặt tích cực nói trên, mạng lưới y dược tư nhân cũng bộc lộ một số nhược điểm, tiệc cực cần được khắc phục và ngăn chặn kịp thời. Những người làm thêm ngoài giờ có thể lơ là công việc trong giờ hành chính để dành thời gian, sức lực, thậm chí cả “nguồn bệnh nhân” để chữa riêng ngoài giờ. Một số người sử dụng những phương tiện của Nhà nước cho lợi ích cá nhân. Một số thầy thuốc thiếu lương tâm lấy giá thuốc men, dịch vụ quá cao, không tương xứng với công sức và chi phí đã bỏ ra. Một số lại kê những đơn thuốc đắt tiền, cho làm những xét nghiệm không cần thiết. Cũng có người quảng cáo sai sự thật hoặc dùng thủ đoạn lừa bịp người bệnh trong chữa bệnh.
Lại có một số người làm quá quyền hạn cho phép, như nạo phá thai “chui”, hoặc gây tai biến cho bệnh nhân, cá biệt có trường hợp tử vong tại phòng mạch. Nhiều bác sĩ vừa khám bệnh vừa bán thuốc không cần đơn. Đó là những điều trong pháp lệnh hành nghề y, dược không cho phép.
Một số thầy thuốc không thực hiện Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân, những quy định về y đức và y đạo, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu y đức trong khám chữa cho bệnh nhân.
Một số phòng khám có cơ sở vật chất trang thiết bị quá thô sơ, quá nghèo nàn, không bảo đảm điều kiện tối thiểu để hành nghề, thậm chí phòng khám bệnh hoặc phòng tiêm thuốc lại là nơi có nguy cơ lây nhiễm AIDS, lây bệnh viêm gan virus hay các bệnh truyền nhiễm khác. Các phương tiện khám chữa bệnh của lương y thường là thiếu thốn, đến các thứ cần thiết như sổ khám bệnh hay tranh châm cứu cũng thiếu (48,15% không có).
Theo số liệu Sở y tế thành phố Hồ Chí Minh, qua kiểm tra 52 phòng khám bệnh thì 36 phòng khám vi phạm quy chế hành nghề (chiếm 69,2%), 77 điểm bán thuốc vi phạm quy chế hành nghề (chiếm 63,2%). Như vậy có đến 2/3 cơ sở hành nghề sai phạm quy chế. Xin nói thêm, TP Hồ Chí Minh là nơi có mạng lưới tổ chức, quản lý y, dược tư mạnh nhất trong toàn quốc mà còn như thế thì các tỉnh khác việc tổ chức quản lý sẽ như thế nào? Hiện nay, nhiều người không hề có giấy phép hành nghề và phần lớn họ không được cập nhật kiến thức thường xuyên, đặc biệt kiến thức về y tế công cộng, điển hình là chăm sóc sức khoẻ ban đầu (CSSKBĐ).
Trong năm 1991, chỉ có 16,17% người hành nghề y, dược tư được bồi dưỡng về chuyên môn. Tỷ lệ chung được tập huấn về CSSKBĐ năm 1991 là 20,36%, cao nhất ở Tây Ninh (76,47%), còn ở Hà Giang, Thanh Hoá, Gia Lai là 0%. Quản lý Nhà nước về lĩnh vực này cũng còn lỏng lẻo, 42,13% người được hỏi, cho biết trong năm 1991 cơ quan y tế không kiểm tra, giám sát họ.
Số người có các văn bản về hành nghề chỉ chiếm 21,29%. Theo ý kiến của 17 lương y được hỏi, những nhóm bệnh nhân đến khám chữa bằng y học cổ truyền dân tộc thì chủ yếu là trẻ em (34,09%), phụ nữ (27,27%), sau đó đến người già (22,73%), ít nhất là trung niên (15,91%).
Các bệnh được khám chữa nhiều nhất là đau khớp (14,01%), rồi đến suy nhược cơ thể (10,19%), viêm phế quản và hen suyễn (10,19%).
Để phát huy những mặt tích cực, hạn chế các mặt tiêu cực, Nhà nước cần tăng cường hơn nữa việc quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh theo pháp luật những cá nhân, cơ sở vi phạm nhằm mục tiêu nâng cao y đạo, y đức trong ngành Y tế, kể cả “công và tư”. Đồng thời Bộ Y tế cũng nên rà soát lại những văn bản về hành nghề y, dược tư nhân để kịp thời bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới./.
COMMENTS