Học thuyết âm dương
Học thuyết âm dương là học thuyết giải thích sự vận động và biến hóa của vạn vật.
Học thuyết âm dương thuộc triết học duy vật cổ đại Phương Đông, là nền tảng tư duy và kim chỉ nam cho thầy thuốc Y học Cổ truyền.
Âm dương là khái niệm triết học để chỉ 2 mặt đối lập trong cùng bản thân sự vật và hiện tượng. Sự tương tác giữa hai mặt âm dương là nguồn gốc của sự vận động, biến hóa và tiêu vọng của sự vật, hiện tượng đó.
Thuộc tính cơ bản của âm là: tối tăm, tĩnh, đục, nặng, lạnh lẽo, tiêu cực, thoái triển, mềm mại, hữu hình…
Thuộc tính cơ bản của dương là: sáng sủa, động, trong, nhẹ ấm áp, tích cực, phát triển, cứng rắn, vô hình…
Âm | Dương | |
Trong tự nhiên | Đất, nước, tối, lạnh, đàn bà, phía dưới, bên trong | Trời, lửa, sáng, nóng, đàn ông, cao, phía trên, bên ngoài |
Trong xã hội | Tiểu nhân, ác, tiêu cực | Quân tử, thiện, tích cực |
Các quy luật của âm dương
Âm dương đối lập
Âm dương đối lập mà thống nhất, tồn tại trong mọi sự vật và hiện tượng tự nhiên
Đối lập có nghĩa là mâu thuẫn, chế ước lẫn nhau. Ví dụ trên – dưới, trong – ngoài, vào – ra, đồng hóa – dị hóa, hưng phấn – ức chế, mưa – nắng, nóng – lạnh, trời – đất, thiện – ác, gầy – béo, cao – thấp, trắng – đen
Đối lập có những mức độ:
- Đối lập tuyệt đối, như sống – chết, nóng – lạnh
- Đối lập tương đối, như khỏe – yếu, ấm – mát
Mỗi sự vật hiện tượng đều có 2 mặt âm dương. Tuy nhiên trong nội bộ âm dương còn có trong âm có dương; trong dương có âm; trong dương có dương; trong âm có âm.
Âm dương hỗ căn
Hỗ là tương hỗ, căn là rễ, là gốc. Hỗ căn có nghĩa là tương tác, nương tựa, giúp đỡ, thúc đẩy lẫn nhau trên cùng một gốc. Hai mặt âm dương tuy đối lập nhưng phải nương tựa vào nhau mới tồn tại được (đối lập trong một thể thống nhất). Vd trong cơ thể con người có quá trình đồng hóa và dị hóa. Có đồng hóa mới có dị hóa và dị hóa thúc đẩy đồng hóa.
Quá trình hưng phấn và ức chế là hai quá trình. Một hoạt động của hệ thần kinh có hưng phấn phải có ức chế.
Âm dương tiêu trưởng
Âm dương tiêu trưởng nói lên sự vận động không ngừng, chuyển hóa lẫn nhau giữa hai mặt âm dương để duy trì tình trạng thăng bằng tương đối của sự vật.
Âm và dương không cố định mà luôn biến động, khi tăng khi giảm theo chu kỳ hình Sin.
Âm tiêu dương trưởng, dương tiêu âm trưởng.
Âm dương biến động đến mức cực đại thì chuyển hóa âm thành dương, dương thành âm (âm cực dương sinh, dương cực âm sinh).
Ví dụ:
- Sốt nóng quá cao sẽ dẫn đến co giật và sau đó có thể lại lạnh giá.
- Mùa xuân trời ấm áp dần đến mùa hè nóng bức là quá trình âm tiêu dương trưởng. Mùa thu trời mát dần đến mùa đông lạnh lẽo là quá trình dương tiêu, âm trưởng.
Âm dương bình hành
Bình hành là song song vận hành, cùng nghĩa là cân bằng nhau. Cân bằng của học thuyết âm dương là cân bằng động, cân bằng sinh học.
Âm dương đối lập, hỗ căn, tiêu trưởng nhưng bình hành để lập thế cân bằng của 2 mặt âm dương.
Âm dương bình hành trong quá trình trong quá trình tiêu trưởng và tiêu trưởng phải bình hành.
Ví dụ:
Từ 12 giờ đêm thì dương sinh. Lúc này trời bắt đầu theo xu hướng sáng dần, bóng tối bắt đầu lui dần song song. Giữa trưa, khi dương cực thì âm sinh, lúc này khí hậu biến chuyển theo hướng mát dần, ánh sáng nhạt dần.
Biểu tượng học thuyết âm dương
Biểu tượng học thuyết âm dương là hình đồ Thái cực gồm:
- Vòng tròn to tượng trưng Thái cực
- Nửa tráng là dương, nửa đen là âm (Lưỡng nghi)
- Đường cong giữa phần đen và tiếp là đường cong Thái cực.
- Vòng tròn nhỏ trắng trong phần đen là dương trong âm (Thiếu dương)
- Vòng tròn đen trong phần trắng là âm trong dương (Thiếu âm)
- Đuôi nhỏ phần đen tiếp với đầu lớn phần trắng biểu hiện dương trưởng âm tiêu, đuôi nhỏ phần trắng tiếp nối đầu lớn phần đen biểu hiện âm trưởng dương tiêu.
- Phần trắng và phần đen bao giờ cũng bằng nhau biểu hiện âm dương luôn cân bằng trong quá trình tiêu trưởng.
Ứng dụng của học thuyết âm dương trong y học
Sự tương đối và tuyệt đối giữa 2 mặt âm dương: Sự đối lập giữa hai mặt âm dương là tuyệt đối nhưng trong điều kiện cụ thể nào đó có tính chất tương đối.
Vd: Hàn thuộc âm đối lập với nhiệt thuộc dương, nhưng lại có lương thuộc ấm đối lập với ôn thuộc dương.
Trong âm có dương, trong dương có âm: Âm dương nương tựa với nhau cùng tồn tại, có khi xen kẽ với nhau trong sự phát triển.
Vd: Ban ngày thuộc dương từ 06h sáng đến 12h trưa là dương trong dương, từ 12h đến 18h là âm trong dương.
Bản chất và hiện tượng: Thông thường bản chất phù hợp với hiện tượng, khi chữa bệnh người ta chữa vào bản chất bệnh. Bệnh hàn dùng thuốc nhiệt, bệnh nhiệt dùng thuốc hàn. Nhưng có lúc bản chất bệnh không phù hợp với hiện tượng, gọi là “chân giả”.
Vd: Sốt cao (chân nhiệt) do nhiễm độc dẫn đến trụy mạch ngoại biên chân tay lạnh, ra mồ hôi lạnh (giả hàn) phải dùng thuốc hàn để vào chữa bản chất bệnh.
Học thuyết âm dương là nền tảng tư duy của y học cổ truyền, chỉ đạo toàn bộ từ lý luận đến thực tiễn lâm sàng, từ phòng bệnh đến chữa bệnh, từ chẩn đoán đến trị bệnh, từ dược lý đến bào chế, từ dùng thuốc đến các phương pháp điều trị không dùng thuốc.
Phân định âm dương trong cơ thể
Dựa theo thuộc tính cơ bản của âm, dương người ta phân định các bộ phận, các chức năng hoạt động của cơ thể theo từng cặp âm, dương.
Âm | Dương | |
Tạng phủ | Tạng: Tâm, Tâm bào, Can, Tỳ, Phế, Thận | Phủ: Tiểu trường, Tam tiêu, Đại trường, Bàng quang |
Kinh lạc | Kinh âm: Thiếu âm Tâm, Thận: Thái âm Phế, Quyết âm Can, Tâm bào | Kinh dương: Dương minh Vị, Đại trường, Thái dương Tiểu trường, Bàng quang, Thiếu dương Đởm, Tam tiêu |
Biểu lý | Phần lý: ở trong, nội tạng | Phần biểu: ở ngoài, kinh lạc, da, cơ |
Khí huyết | Huyết | Khí |
Triệu chứng | Âm chứng: Thân nhiệt thấp. Mạch nhỏ, chậm. Tiếng nói nhỏ, thở yếu | Dương chứng: Thân nhiệt cao. Mạch to, nhanh. Tiếng nói to, thở mạnh. |
Trong tạng lại có tạng dương, tạng âm. Trong ngay một tạng cũng có phần âm, phần dương.
Vd: Can là tạng, thuộc âm, nhưng trong can có: Can khí (dương), can huyết (âm). Tương tự, Thận khí (dương), thận thủy (âm).
Hiểu một cách khác, Âm là cơ sở vật chất, còn Dương là chức năng của tạng đó. Trong một ngày từ bình minh đến giữa trưa là dương trong dương, từ giữa trưa đến chiều tối là âm trong dương, từ chập tối đến nửa đêm là âm trong âm, từ nửa đêm đến sáng là dương trong âm.
Chẩn đoán bệnh
Bệnh tật là biểu hiện của sự mất cân bằng âm dương trong cơ thể. Sự thiếu lệch có thể do một bên quá mạnh, thừa ứ (thiên thịnh) hoặc do một bên quá yếu, thiếu hụt (thiên suy).
- Thiên thịnh gồm âm thịnh hoặc dương thịnh.
- Thiên suy gồm âm hư hoặc dương hư.
- Âm hư sẽ dẫn đến dương hư, rồi cả hai đều hư
Vd: Thiếu ăn lâu ngày, cơ bắp mềm yếu, tiêu hóa, hấp thu kém dẫn đến suy nhược toàn thân.
Âm thịnh thì dương suy.
Vd: Ăn uống quá nhiều (thực tích) sẽ làm tổn hại đến chức năng tiêu hóa.
Chẩn đoán bệnh là xác định bệnh ở phần ngoài (biểu) hay trong (lý), tính chất bệnh thuộc hàn hay nhiệt, trạng thái bệnh thực hay hư, xu hướng bệnh là âm hay dương.
Chữa bệnh
Nguyên tắc chữa bệnh là lập lại thế quân bình âm dương.
Nếu thiên thịnh (thực chứng) phải dùng phép tả để loại bỏ phần thắng thịnh.
Nếu thiên suy (hư chứng) phải dùng phép bổ để bù đắp chỗ thiếu hụt.
Hư thì bổ, thực thì tả.
Khi điều chỉnh sự thiên thịnh về hàn nhiệt trong cơ thể thì:
Bệnh do hàn thì dùng thuốc nóng ấm, bệnh do nhiệt thì dùng thuốc mát lạnh, để điều chỉnh.
Hàn ngộ hàn tắc tử, nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng.
Bệnh hàn cho thuốc mát lạnh sẽ nặng thêm có khi nguy hại. Bệnh nhiệt cho thuốc ấm nóng sẽ làm nóng thêm, gây cuồng sảng.
Khi thế quân bình đã đạt thì ngưng và chỉ củng cố, duy trì, không nên tiếp tục kéo dài vì bổ dương nhiều (uống nhiều thuốc ấm nóng) sẽ làm tổn hại phần âm, bổ âm nhiều sẽ làm tổn hại phần dương.
Phòng bệnh
Phòng bệnh là giữ gìn và bồi bổ chính khí. Phải:
- Ăn uống, dinh dưỡng đủ lượng, đủ chất đáp ứng yêu cầu lao động và phát triển cơ thể. Ngoài ra cũng chú ý cân bằng hàn nhiệt, nếu ăn uống nhiều thứ cay nóng sẽ làm thương tổn âm dịch. Ăn quá nhiều thức ăn lạnh, sống sẽ làm thương tổn dương khí.
- Lao động, nghỉ ngơi xen kẽ hợp lý. Thức ngủ điều hòa.
- Trong rèn luyện thân thể phải chú ý luyện tâm với luyện thể, tập tĩnh xen kẽ tập động, nội công, ngoại công.
- Rèn luyện thích nghi với biến đổi của khí hậu, với điều kiện sống.
Chế thuốc
Phân định nhóm thuốc:
Các cây, con vật dùng làm thuốc đều được phân thành nhóm dựa vào tính vị, ảnh hưởng tác động của các vị thuốc
Dương dược:
- Tính: Nóng, ấm (ôn nhiệt)
- Vị: Cay, ngọt, đạm
- Hướng: Thăng, phù (đi lên trên và ra ngoài)
Âm dược:
- Tính: Mát, lạnh (hàn, lương)
- Vị: Đắng, chua, mặn.
- Hướng: Giáng, trầm (đi xuống dưới, lắng đọng)
Bào chế
Muốn thay đổi tính dược, mát thành ấm hoặc làm giảm bớt tính mãnh liệt của vị thuốc ta dùng những phụ dược có tính đối lập hàn, nhiệt để bào chế thuốc.
Dùng lửa hoặc phụ dược có tính nóng như Gừng, Sa nhân để chuyển vị thuốc vốn tính mát lạnh thành thuốc ấm nóng.
Vd: Chế sinh địa tính lạnh người ta chưng sấy nhiều lần với Rượu, Gừng, Sa nhân ta sẽ được Thục địa có tính ôn (ấm)
Làm giảm tính lạnh của vị Trúc lịch khi dùng ta phải hòa vào nước Gừng.
Làm bớt tính mát lạnh còn dùng lửa như sao thuốc cho khô vàng, cháy sém.
COMMENTS