HomeLý thuyết YHCT

Học thuyết kinh lạc

Đại cương về kinh lạc

Học thuyết kinh lạc là gì?

Học thuyết kinh lạc là một phần lý luận cơ bản của y học cổ truyền. Nó là chuẩn đích để chỉ đạo lâm sàng và cơ sở cho mọi chẩn đoán, chữa bệnh, phòng bệnh trên các mặt châm cứu, xoa bóp và dùng thuốc.

Hệ thống kinh lạc là gì?

Kinh lạc là tên gọi chung của kinh mạch và lạc mạch trong cơ thể. Kinh là đường thẳng, là cái khung của hệ kinh lạc và đi ở sâu. Lạc là đường ngang, là cái lưới, từ kinh mạch chia ra như mạng lưới đến khắp mọi nơi và đi ở nông.

Kinh lạc phân bố ra toàn thân, là con đường vận hành của âm dương, khí huyết, tân dịch khiến cho con người từ ngữ tạng, lục phủ, cân, mạch, cơ, nhục, xương… kết thành một chỉnh thể thống nhất.

Hệ thống kinh lạc là nơi tuần hoàn của khí huyết để đi nuôi dưỡng toàn thân, duy trì hoạt động bình thường của cơ thể, làm cho cơ thể thành một khối thống nhất.

Kinh mạch

Kinh mạch

Hệ thống kinh lạc là một hệ thống nối liền nội tạng với toàn bộ cơ thể, thông suốt trong ngoài. Nó là nơi tuần hành của khí huyết đi nuôi dưỡng toàn thân thể để duy trì hoạt đông bình thường của cơ thể.

Tác dụng của kinh mạch là gì?

Tác dụng của kinh mạch một mặt nói lên chức năng sinh lý bình thường và sự thay đổi bệnh lý của cơ thể. Có thể dựa vào đó làm quy tắc chỉ đạo lâm sàng, chẩn đoán và trị liệu bệnh tật, quyết đoán sự sống chết… Vì vậy mỗi thầy thuốc cần hiểu rõ về hệ thống kinh lạc.

Mọi sự nuôi dưỡng của thân thể đều do thức ăn và khí trời, thông qua sự hoạt động của nội tạng mà chế hóa thành các dạng thể dịch luân lưu không ngừng có thường độ và ôn độ nhất định. Thể dịch đó gọi chung là âm huyết, cái làm cho âm huyết luân lưu và có ôn độ gọi là dương khí. Dương khí và âm huyết trung hòa vào nhau, hai là một, một là hai theo lẽ âm dương hỗ căn.

Thân thể người ta, từ các tổ chức hữu hình đến mọi công năng vô hình đều luôn luôn nhận được sự nuôi dưỡng của âm huyết và dương khí mà vận động, biến hóa và phát triển. Nhờ có chức năng của kinh lạc và sự điều khiển của kinh khí mà các chất dinh dưỡng khác nhau phân bổ đến nhiều bộ phận khác nhau đều không bị sai lệch và hỗn loạn.

Hệ thống kinh lạc cũng là nơi nhân tố gây bệnh xâm nhập vào cơ thể và truyền từ nông vào sâu hoặc ngược lại. Nó cũng là nơi phản ảnh bệnh biến của cơ thể. Thiên mạch sách Linh khu viết: “Kinh mạch là cành lá của tạng phủ, tạng phủ là gốc rễ của kinh lạc. Biết được đường đi của 12 kinh mạch thì biết được âm dương trong ngoài cơ thể, phân biệt được khí huyết, thấy rõ được hư thực. Có thể xét được quy luật thuận nghịch, tà chính yên nguy sinh lý, bệnh lý khỏe mạnh hoặc phát bệnh đều do kinh lạc, thầy thuốc giỏi cũng chỉ ở chỗ đó mà thôi, biết rõ được kinh mạch thì biết được sự sống chết, điều hòa được hư thực mà hiểu sâu ý nghĩa của kinh mạch.”

Thiên kinh biệt sách Linh Khu viết:

“12 đường kinh mạch phối hợp với 12 tháng, 12 giờ, 12 tiết, 12 dòng sông. Đó tức là tình hình đại khái của ngũ tạng lục phủ trong cơ thể, có thể tương ứng với các hiện tượng tự nhiên.

Về trạng thái sinh lý thì 12 kinh mạch giữ gìn sinh mệnh của con người.

Về trạng thái bệnh lý là cơ chế hình thành bệnh tật.

Cho nên về phương diện điều trị, kinh lạc có thể làm chỗ căn cứ cho việc chẩn đoán, cũng là nguyên tắc chỉ đạo lâm sàng để tiêu trừ bệnh tật, là lý luận cơ bản cần nắm vững và nghiên cứu sâu. Biết rõ sự tinh vi trong đó sẽ đạt được đỉnh cao. Thầy thuốc nông cạn thì cho là rất dễ dàng, không biết coi trọng, chỉ có thầy thuốc giỏi muốn hiểu được sự tinh vi trong đó mới thấy khó mà đạt được”

Tác dụng của hệ thống kinh lạc về sinh lý

Hệ thống kinh lạc thông hành khí huyết trong các tổ chức của cơ thể chống ngoại tà bảo vệ cơ thể

Hệ thống kinh lạc liên kết các tổ chức cơ thể (tạng, phủ., tứ chi, chín khiếu, cân mạch, xương, da..) có chức năng khác nhau tạo thành một khối thống nhất

Tác dụng của hệ thống kinh lạc về mặt bệnh lý

Khi công năng hoạt động của hệ kinh lạc bị trở ngại, gây kinh khí không thông suốt thì dễ bị ngoại tà xâm nhập và gây bệnh. Bệnh thường truyền từ ngoài vào trong, từ ngoài da cơ nhục vào tạng, tức là từ kinh mạch vào phủ tạng.

Bệnh ở phủ tạng thường có những biểu hiện bệnh lý ở đường kinh mạch đi qua: Vị nhiệt thì loét miệng; Cơn đau ngực do co thắt động mạch vành thì đau ở tâm kinh…

Tác dụng của hệ thống kinh lạc về chẩn đoán

Kinh mạch nối liền với tạng phủ và có đường đi ở những vị trí nhất định của cơ thể. Căn cứ vào những thay đổi cảm giác (đau, tức, trướng) điện sinh vật trên đường đi của kinh mạch người ta chẩn đoán bệnh thuộc tạng phủ nào đó gọi là kinh lạc chẩn.

Ví dụ: Nhức đầu vùng đỉnh do can; Đau nửa bên đầu do đởm; Đau sau gáy thuộc bàng quang.

Ngoài ra người ta còn đo thông số về điện sinh vật của các tỉnh huyệt (huyệt tận cùng của đầu chi của các kinh) hay nguyên huyệt (huyệt chính của một đường kinh) bằng máy đo kinh lạc để đánh giá được tình trạng hư thực của khí huyết (huyết tay trái, khí tay phải) hoặc tình trạng hư thực của phủ phủ so với số liệu trung bình hoặc so hai bên cơ thể với nhau.

Tác dụng của hệ thống kinh lạc về chữa bệnh

Học thuyết kinh lạc được ứng dụng nhiều nhất vào phương pháp chữa bệnh bằng châm cứu, xoa bóp và thuốc.

Châm cứu và xoa bóp đã thành một phương pháp chữa bệnh độc đáo đạt nhiều thành tựu to lớn, sẽ được giới thiệu kỹ trong các phần sau.

Học thuyết kinh lạc chỉ đạo việc quy tắc ứng dụng của thuốc tương ứng với tạng, phủ hay đường kinh nào đó gọi là quy kinh của thuốc.

Ví dụ:

  • Quế chi vào phế nê chữa ho, cảm mạo
  • Ma hoàng vào phế nên chữa ho hen, vào bàng quang nên có tác dụng lợi niệu

12 kinh chính

Người ta có 12 tạng phủ, mỗi tạng phủ đều có một đường kinh mang tên âm dương khác nhau, tạng là âm nên kinh của tạng mang tên âm, phủ là dương nên kinh của phủ mang tên dương, vì khí âm khí dương của mỗi kinh có mức độ khác nhau nên có tên gọi khác nhau:

  • Dương khí mới phát sinh gọi là thiếu dương, dương khí cực thịnh gọi là dương minh, dương khí lan tỏa rộng khắp là thái dương.
  • Âm khí mới phát sinh gọi là thiếu âm, âm khí đến cùng tận gọi là quyết âm, âm khí tỏa rộng khắp gọi là thái âm.
  • Âm dương đi ở phần trên gọi là thủ kinh. Âm dương đi ở phần dưới gọi là túc kinh.

12 đường kinh của 12 tạng phủ tên là gì?

Mỗi tạng phủ đều có một đường kinh, vì thế có thể gọi 12 đường kinh của 12 tạng phủ là:

  1. Thủ thái âm phế kinh
  2. Thủ dương minh đại trường kinh
  3. Túc dương minh vị kinh
  4. Túc thái âm tỳ kinh
  5. Thủ thiếu âm tâm kinh
  6. Thủ thái dương tiểu trường kinh
  7. Túc thái dương bàng quang kinh
  8. Túc thiếu âm thận kinh
  9. Thủ quyết âm tâm bào lạc kinh
  10. Thủ thiếu dương tam tiêu kinh
  11. Túc thiếu dương đởm kinh
  12. Túc quyết âm can kinh

12 đường kinh mang tên của 6 khí âm dương có sự tương ứng với 6 khí của trời đất:

  1. Thái dương có khí hàn thủy
  2. Thiếu dương có khí tướng hỏa
  3. Dương minh có khí táo kim
  4. Thái âm có khí thấp thổ
  5. Thiếu âm có nhiệt khí
  6. Quyết âm có khí phong mộc

Ở đây ngũ hành: kim, mộc, thủy, thổ chỉ có 1, mà hỏa thì có hai, là vì sự hóa sinh trong trời đất là có cả 2 thứ lửa: lửa của mặt trời là lửa ở trên soi sáng cả bầu trời là quân hỏa, lửa của lòng đất ở dưới làm ấm lòng đất, chưng bốc hơi nước, hóa sinh các chất là tướng hỏa.

Mười hai kinh mạch chính được chia ra theo nhóm tay (thủ) – chân (túc), âm – dương:

  • Tay
    • 3 kinh âm:
      • Thủ thái âm phế kinh
      • Thủ thiếu âm tâm kinh
      • Thủ quyết âm tâm bào lạc kinh
    • 3 kinh dương:
      • Thủ thái dương tiểu trường kinh
      • Thủ thiếu dương tam tiêu kinh
      • Thủ dương minh đại trường kinh
  • Chân
    • 3 kinh âm:
      • Túc thái âm tỳ kinh
      • Túc thiếu âm thận kinh
      • Túc quyết âm can kinh
    • 3 kinh dương:
      • Túc dương minh vị kinh
      • Túc thái dương bàng quang kinh
      • Túc thiếu dương đởm kinh

Khí của mỗi đường kinh xuất phát từ tạng phủ sở thuộc, cùng tác động vào âm huyết và hình thành quy luật âm dương hỗ căn, ngũ hành sinh khắc, làm cho sự sinh dưỡng của âm huyết đều đặn không bị rối loạn, sự luân lưu và vận chuyển lên xuống ra vào không bị sai lệch.

Những thứ khí của các đường kinh hợp lại thì gọi là kinh khí, kinh khí là sự hòa hợp lẫn nhau giữa khí trời, khí đất và khí người. Trong đó khí người giữ vai trò quyết định bởi vì âm dương ở ngoài của trời đất là phải đồng hóa theo âm dương ở trong của con người, phù hợp với quy luật trời đất nuôi dưỡng muôn vật, cũng là cái riêng tiếp nhận sự nuôi dưỡng của cái chung.

12 kinh mạch là bộ phận chủ yếu vì mỗi đường kinh nó bắt nguồn từ khí của mỗi tạng phủ mà xuất phát, nên gọi là chính kinh.

Kinh là đường dọc đi sâu ở phần trong, mỗi đường đều có đường tuần hành riêng phân bổ đến các vùng khác nhau.

Bát mạch kỳ kinh

Bát mạch kỳ kinh là gì?

Mỗi đường mạch này tự lẻ loi đi theo đường riêng, không chịu sự ràng buộc của 12 chính kinh cho nên gọi là bát mạch kỳ kinh. Kỳ kinh có nghĩa là tương đối với chính kinh.

Bát mạch kỳ kinh gồm những mạch nào?

Bát mạch kỳ kinh là 8 mạch có sự phân bổ khác với kinh mạch bình thường. :

  1. Mạch Đốc
  2. Mạch Nhâm
  3. Mạch Xung
  4. Mạch Đới
  5. Mạch Âm kiểu
  6. Mạch Dương kiểu
  7. Mạch Dương duy
  8. Mạch Âm duy

Bát mạch kỳ kinh là một phần quan trọng trong hệ thống kinh lạc, nó điều hòa sự thịnh suy của khí huyết trong 12 kinh chính để đảm bảo sự điều hòa, sự cân bằng của cơ thể như:

  • Mạch Đốc là tổng đốc các kinh dương
  • Mạch Nhâm là tổng nhiệm các kinh âm
  • Mạch Xung là thông suốt bế huyết của 12 kinh mạch
  • Mạc Đới vòng 1 vòng quanh eo lưng bó buộc lại tất cả các kinh âm kinh dương
  • Mạch Âm kiểu, Dương kiểu chuyên trách về âm dương bên tả bên hữu của cơ thể
  • Mạch Âm duy, Dương duy chuyên trách về âm dương trong cơ thể

Như vậy mạch kiểu và mạch duy đã tổng hợp điều tiết các kinh âm dương, tả hữu trong ngoài của toàn thân.

Huyệt vị

Huyệt vị là gì?

Huyệt vị là nơi dinh khí vệ khí vận hành qua lại vào ra nơi tạng phủ kinh lạc, nó phân bổ khắp phần ngoài cơ thể, góp phần giữ gìn cho các hoạt động sinh lý của cơ thể luôn ở trong trạng thái bình thường.

Huyệt vị

Huyệt vị

Huyệt không những có quan hệ chặt chẽ với các hoạt động sinh lý và các biểu hiện bệnh lý của cơ thể, mà còn giúp cho việc chẩn đoán và phòng bệnh một cách tích cực.

Người xưa gọi theo nhiều tên khác nhau: Du huyệt, Khổng huyệt, Kinh huyệt, Khí huyệt,… ngày nay thường dùng chung là huyệt. Khí huyệt là huyệt vị mà kinh khí dồn vào đó.

Xem thêm Huyệt ngũ du

Có bao nhiêu huyệt?

Trong kinh văn của Hoàng đế Nội kinh Tố vấn nói có 365 huyệt, nhưng đối chiếu tỷ mỉ thì trừ một số huyệt trùng nhau, chỉ có 357 huyệt. Các nhà chú thích tra khảo và đính chính rất nhiều, song vẫn không phù hợp với nhau. Có thể là vì sao chép nhiều đời mà trở nên nhầm lẫn, cần phải khảo cứu thêm.

Cũng có tài liệu cho rằng có 319 huyệt ở đường kinh chính, 52 huyệt ở hai đường kinh phụ, cộng lại là 371 huyệt nằm trên 14 đường kinh (nếu kể cả 2 bên sẽ là 690 huyệt) và khoảng 200 huyệt ngoài đường kinh.

COMMENTS