1. Đại cươngThiền, gọi đầy đủ là Thiền-na, là thuật ngữ Hán – Việt được phiên âm từ dhyāna trong tiếng Phạn. Tất cả các trào lưu triết học Ấn Độ đều hiểu dưới gốc động từ này là sự tư duy, tập trung lắng đọng, vì vậy, từ dịch ý Hán-Việt là Tĩnh lự. Đây là một thuật ngữ được nhiều tôn giáo sử dụng để chỉ những phương pháp tu tập khác nhau, nhưng với một mục đích duy nhất là: đạt kinh nghiệm “Tỉnh giác”, “Giải thoát”, “Giác ngộ”. Dấu hiệu chung của tất cả các dạng tu tập Thiền là sự hướng dẫn con người đạt một tâm trạng tập trung, lắng đọng, như là người ta có thể nhìn thấu đến đáy một hồ nước nếu mặt nước không bị xao động. Ý chí cương quyết tu tập Thiền sẽ dẫn Thiền giả (người tập thiền) đến một tâm trạng Bất nhị, nơi mà những ý nghĩ nhị nguyên như “ta đây, vật đó” được chuyển hoá; Thiền giả đạt sự thống nhất với “Thượng đế”, với cái “Tuyệt đối”, những khái niệm về không gian và thời gian đều được chuyển biến thành cái “hiện tại thường hằng”, Thiền giả chứng ngộ được sự đồng nhất của thế giới hiện hữu và bản tính. Nếu kinh nghiệm này được trau dồi thâm sâu và Thiền giả áp dụng nó vào những hành động của cuộc sống hằng ngày thì đó chính là trạng thái được gọi là “giải thoát”. TS khoa học – Tâm lí học kiêm Thiền sư người Anh David Fontana viết tóm tắt rất hay về Thiền và Phi thiền như sau: “Thiền không có nghĩa là ngủ gục; để tâm chìm lặng vào cõi hôn mê; trốn tránh, xa lìa thế gian; vị kỉ, chỉ nghĩ tới mình; làm một việc gì không tự nhiên; để rơi mình vào vọng tưởng; quên mình ở đâu. Thiền là: giữ tâm tỉnh táo, linh động; chú tâm, tập trung; nhìn thế giới hiện hữu rõ ràng như nó là; trau dồi tấm lòng nhân đạo; biết mình là ai, ở đâu.”
Theo đạo Phật, Thiền giả nhờ Định mà đạt đến một trạng thái sâu lắng của tâm thức, trong đó toàn bộ tâm thức chỉ chú ý đến một đối tượng thiền định thuộc về tâm hay vật. Tâm thức sẽ trải qua nhiều chặng, trong đó lòng tham dục dần dần suy giảm. Một khi Thiền giả trừ năm chướng ngại thì đạt được bốn cõi thiền (tứ thiền định) của sắc giới, đạt lục thông và tri kiến vô thượng. Tri kiến này giúp Thiền giả thấy rõ các đời sống trước của mình, thấy diễn biến của sinh diệt và dẫn đến giải thoát mọi lậu hoặc. Thiền giả đạt bốn cõi thiền cũng có thể chủ động tái sinh trong các cõi Thiền liên hệ. Trong Giai đoạn một (Sơ thiền) của thiền định, Thiền giả buông xả lòng tham dục và các pháp bất thiện, nhờ chuyên tâm suy tưởng mà đạt đến. Trong cấp này, Thiền giả có một cảm giác hỉ lạc. Trong Giai đoạn hai (Nhị thiền), tâm suy tưởng được thay thế bằng một nội tâm yên lặng, tâm thức trở nên sắc sảo, bén nhọn vì bao hàm nhân tố chú tâm quan sát. Thiền giả tiếp tục ở trong trạng thái hỉ lạc. Qua Giai đoạn ba (Tam thiền), tâm hỉ lạc giảm, tâm xả bỏ hiện đến, Thiền giả tỉnh giác, cảm nhận sự nhẹ nhàng khoan khoái. Trong Giai đoạn bốn (Tứ thiền), Thiền giả an trú trong sự xả bỏ và tỉnh giác.
2. Ích lợi của Thiền
2.1. Theo GS Minh Chi, Học viện Phật giáo VN, thì, hành thiền đúng phép có thể đem lại cho Thiền giả những lợi ích như sau:
- Các căn được an tịnh, và một cách tự nhiên, Thiền giả thấy thích thú với thói quen hành thiền hằng ngày.
- Lòng từ bi xâm chiếm tâm Thiền giả. Với lòng từ bi, Thiền giả xa lìa mọi tội lỗi và xem tất cả chúng sinh như là anh chị em.
- Những dục vọng làm mệt mỏi và đầu độc thân tâm như là giận dữ, keo kiệt, kiêu ngạo… dần dần xa lìa tâm Thiền giả.
- Nhờ hộ trì chặt chẽ các căn, cho nên những niệm ác, xấu xa không len vào tâm Thiền giả được.
- Với tâm trong sáng và tư thái bình thản, Thiền giả không còn thèm muốn gì đối với những dục vọng thấp hèn.
- Tâm thức của Thiền giả tập trung vào những ý niệm cao cả, mọi tư tưởng vị kỷ, ham muốn quay cuồng theo dục vọng đều lìa xa.
- Thiền giả không lạc vào chủ nghĩa hư vô, mặc dù thấy rõ mọi sự vật đều rỗng không, bèo bọt.
- Tuy vẫn còn trong vòng sinh tử luân hồi, nhưng Thiền giả đã nhận thức rõ con đường giải thoát.
- Nhờ đi sâu vào giáo pháp mầu nhiệm, Thiền giả nương tựa vào trí tuệ của đức Phật.
Ngoài ra, theo kinh Phật, Thiền còn có các lợi ích sau:
– Đối trị tham và sân (tham lam, giận dữ).
– Loại bỏ sợ hãi.
– Có thể chịu đựng nóng lạnh, đói khát, côn trùng đốt.
– Dễ dàng chứng bốn cấp thiền.
– Có thể biến hoá thần thông theo ý muốn.
– Có thêm nhĩ thông, tức là có khả năng nghe những âm thanh mà tai người bình thường không nghe được.
– Biết được ý nghĩ của người khác.
2.2. Theo Hoà Thượng Thích Minh Châu, có bốn lợi ích của thiền như sau:
1. Thiền có khả năng đoạn trừ các dục vọng,
2. Thiền có khả năng đoạn trừ sự sợ hãi.
3. Thiền đem lại niềm vui, gọi là thiền lạc.
4. Thiền đưa đến thành tựu trí tuệ, giác ngộ, giải thoát.
2.3. Theo Thiền sư U Silananda, Tự viện Dhammananda, California, Hoa Kỳ, thì Thiền là phương pháp tốt nhất để bồi dưỡng nhân cách, bởi thiền là sự tự giác cao độ phát xuất từ nội tâm mà đạt được sư thăng hoa nhân cách. Giáo dục, đạo đức, nghệ thuật đối với người hành thiền chẳng có tác dụng gì; vì chúng có thể thay đổi theo hoàn cảnh, thời đại, và đối tượng. Thiền là trực nhận ra cái trạng thái tĩnh lặng, tự do vô biên tuyệt đối nơi mình, nên thiền không vay mượn ngoại duyên, cũng chẳng cần lập văn tự. Vì thế, thiền là pháp môn huấn luyện tâm linh muôn đời không thay đổi. Hành thiền là tuân theo phương pháp tu tập, dần dần dứt bỏ các vọng niệm, cho đến khi đạt được trình độ vô niệm. Lúc bấy giờ ta mới thực sự nhận ra rằng, những cái tồn tại trước đây chẳng qua chỉ là một chuỗi vọng niệm phiền não mà thôi, đó chẳng phải là con người thật của ta.
Con người thật của ta luôn hiện hữu với sự vật khách quan, cả hai không thể tách rời. Bởi sự vật khách quan tồn tại, tức là chủ thể ta tồn tại, hay nói cách khác là sự vật tồn tại chính là con người ta đang hiện hữu. Cho nên ta không cần phải truy cầu cái gì, và cũng chẳng cần bỏ cái gì, trách nhiệm của ta là xây dựng con người ta hoàn mỹ hơn. Hành thiền một khi đã đạt đến trình độ vô niệm, lúc bấy giờ ta là người rất yêu nhân loại, yêu chúng sinh, mọi hành vi, động tác của ta đều được soi sáng, hướng dẫn đúng mức. Một nhãn quan mới về nhân sinh, vũ trụ được mở ra, cõi lòng này sẽ không còn là biển khổ, hay một bức tranh gớm ghiếc, mà là một bức họa, một bản hợp tấu tuyệt vời, ta sẽ nhìn đời bằng cặp mắt bình đẳng và đầy tràn tình thương.
2.4. Theo các nhà khoa học của Đại học Yale (Mỹ), việc thiền định sẽ giúp não hoạt động tốt hơn. Thiền vừa làm cho các bán cầu não hoạt động thường trực hơn, vừa khiến một số khu vực quan trọng ở não dày thêm. Hình ảnh chụp não ở những người thiền định thường xuyên cho thấy khu vực vỏ não liên quan đến cảm nhận, nghe và nhìn cũng như các cảm nhận nội tâm hoạt động tốt hơn nhiều. Ngoài ra, việc thiền đều đặn sẽ ngăn chặn sự già đi của phần vỏ não phía trước. Jeremy Gray, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết. “Điều thú vị nhất là thiền có thể làm tăng chất xám của bất kỳ ai. Những người tham gia nghiên cứu có công việc và gia đình. Họ chỉ thiền 40 phút mỗi ngày, vậy mà kết quả cũng rất tốt. Không nhất thiết cứ phải là nhà sư mới có thể làm điều đó”.
2.5. Theo các nhà y học, vì thiền cung cấp oxy cho não nhiều hơn, lập lại cân bằng hai trạng thái hưng phấn và ức chế nên thiền có thể phòng và chữa được các bệnh thuộc về tâm căn, giảm đau các loại (như đau dạ dày, đau khớp, đau thần kinh, zona…), chống stress, chữa các rối loạn cơ năng trong cơ thể như loạn thần kinh chức năng (suy nhược thần kinh), chống các rối loạn chuyển hóa (mỡ máu, đường máu, cao HA, …) làm tĩnh tâm, an thần nên chữa đau đầu, mất ngủ, và trên thực tế, có thể phòng và chữa được một số bệnh tật theo sự luyện tập và thực trạng của mỗi người.
3. Chuẩn bị điều kiện và thực hành Thiền
3.1. Nơi hành thiền
Cần chọn một chỗ thích hợp cho việc thực hành thiền hằng ngày, để khỏi bị làm phiền trong lúc tập. Nơi hành thiền cần phải yên tĩnh và thoáng mát, tốt nhất là có một phòng nhỏ dành riêng cho việc hành thiền. Trong phòng, không nên trang hoàng bày biện rườm rà. Trên sàn nhà là một tấm thảm hoặc một chiếc ghế (nếu không ngồi bệt được xuống sàn) để ngồi hành thiền. Có thể kê một chiếc tủ thấp, để làm bàn thờ, trên đó có bát hương và nếu được, thêm một lọ hoa. Theo Hòa thượng Silananda, có thể tôn trí nơi hành thiền bằng một pho tượng hay ảnh Phật, đèn, hoa và thắp một nén hương. Có thể bật bản nhạc thiền vừa thời lượng thiền. Song, những thứ trên không phải là điều thiết yếu mà quan trọng là có một nơi yên tĩnh để hành thiền.
3.2. Cách ngồi
Bắt đầu hành thiền, phải chọn một tư thế ngồi thoải mái thích hợp. Có thể ngồi xếp bằng, lưng giữ thẳng. Nếu ngồi kiết già, hai chân chéo vào nhau, quá khó thì có thể ngồi bán già, đặt chân này lên chân kia. Nếu ngồi bán già cũng còn khó khăn thì có thể ngồi theo “lối Miến Điện” hay còn gọi là “lối dễ dàng”, chân này đặt trước chân kia, hai chân rời ra mà không chồng lên nhau. Nếu ngồi bệt bị đau nhức thì có thể dùng một cái ghế nhỏ, kê dưới mông, và ngồi trong tư thế quỳ, như kiểu ngồi của các thiền giả Nhật Bản. Nếu vẫn còn thấy khó khăn, ta có thể ngồi trên ghế, đùi vuông góc với cẳng chân. Khi ngồi, dù ở tư thế nào cũng cần phải giữ thẳng lưng, cân bằng trên vai, mặt hướng về bàn thờ, mắt nhẹ nhàng khép lại nhưng không nhắm hẳn, rồi tự nhủ thầm: “Bây giờ, tôi sẽ bắt đầu hành thiền, chú tâm vào hành thiền, không quan tâm đến việc gì khác”.
3.3. Phương pháp tọa Thiền
Có 3 cách để tập trung vào tọa thiền là theo dõi nhịp thở, tập trung ý chí và niệm thần chú, mỗi người có thể chọn một cách phù hợp cho riêng mình.
a- Phương pháp theo dõi nhịp thở
Đây là phương pháp phổ biến nhất. Thở tự nhiên, điều hòa, bình thường, không gây tiếng động, không cố ý ép thở nhanh hoặc chậm, dài hay ngắn. Chú ý để tâm vào lỗ mũi, theo dõi hơi thở vào… ra… Chú tâm đến luồng hơi khi nó vừa đến chạm lỗ mũi, và khi luồng hơi khi sắp sửa thoát ra khỏi mũi. Ghi nhận sự tiếp xúc, các cảm giác, sự nóng lạnh, tiếng sột soạt trong ống mũi, nếu có. Chỉ ghi nhận tất cả nhưng không phân tích, bình luận hay giải thích gì cả. Ta sẽ thấy hơi thở từ từ mỏng dần và nhu nhuyễn, nhẹ nhàng hơn, cho đến lúc có cảm giác dường như ta không còn thở nữa. Ta sẽ thấy mỗi một hơi thở là một hiện tượng, một cảm giác mới lạ. Cần ghi nhận, theo dõi, rồi rời bỏ khi nó hết. Rồi tiếp tục ghi nhận hơi thở khác, mới vừa sinh khởi. Tâm ta giống như người giữ cửa, đón chào và ghi nhận người khách bước vào hay bước ra khỏi nhà, mà không cần tìm hiểu tông tích, mục đích, hay công việc của họ. Khách khứa ra vào liên tục. Nếu ta trò chuyện với một vị khách nào thì ta không thể ghi nhận kịp thời các vị khách khác.
b- Phương pháp tập trung ý chí
Phương pháp này thường được áp dụng với những người có một bệnh tật hoặc vùng nào đó trên cơ thể bị đau, thí dụ đau đầu, đau dạ dày, đau lưng, đau vai gáy, đau túi mật… Khi bắt đầu thiền, ta sẽ tập trung toàn bộ ý chí vào vùng bị đau đó, nếu lúc nào ý nghĩ vẩn vơ không tập trung thì ta lại chuyển về vùng bị đau để vùng đó liên tục được chú ý. Nhiều người chỉ cần thiền sau khoảng 30 – 45 phút là vùng tương ứng với điểm đau sẽ nóng ran lên và vùng đau sẽ đỡ dần. Thí dụ, nếu đau dạ dày thì vùng tương ứng ở sau lưng sẽ rất nóng, sau đó da ở đó sẽ lấm tấm mồ hôi, đồng thời dạ dày sẽ đỡ đau hẳn. Nếu người không có một bệnh tật hay một điểm đau nào cụ thể thì sẽ tập trung ý nghĩ vào vùng rốn – tức vùng đan điền. Vì đan điền chính là nơi hội tụ các huyệt vị của cơ thể và là nơi tụ của nguyên khí nên nếu vận khí (tức là dùng sự tập trung ý và tưởng tượng) để dẫn khí từ ngoài hoặc các huyệt vị vào đan điền thì năng lượng sẽ được đưa vào cơ thể.
c- Phương pháp niệm thần chú
Phương pháp này thường được các vị tu Tiên, các thày tu hoặc các nhà sư ở vùng Tây Tạng áp dụng. Các câu thần chú thường rất bí ẩn, chỉ người niệm mới biết. Vì vậy phương pháp này thường ít người áp dụng.
Dù theo phương pháp nào thì thời lượng ngồi thiền cũng đều giống nhau. Người mới tập, bước đầu có thể ngồi thiền khoảng 15 phút, đều đặn mỗi ngày trong một tuần lễ. Rồi dần dần gia tăng lên tới 30 => 45 => 60 phút. Để định thời lượng hành thiền, có thể thắp một nén hương và ngồi thiền cho đến khi cây hương tàn. Thời gian Thiền tốt nhất trong ngày là lúc mặt trời mọc, giữa trưa và lúc mặt trời lặn. Nhưng cũng có thể khoảng 9h – 10h sáng, 14 – 15h chiều hoặc lúc 5h sáng và 21 giờ tối. Không thiền lúc đói hoặc vừa ăn no. Thông thường, ta sẽ thấy khó tập trung, tâm không chịu ở yên một nơi mà lại hay đi lang thang đây đó, suy nghĩ vẩn vơ, rồi xuất hiện lời nói thì thầm, lải nhải trong đầu. Nhưng đừng lo, đó là hiện tượng rất tự nhiên, người nào cũng trải qua. Chỉ cần nhẹ nhàng nhận diện chúng, rồi quay về với phương pháp hành thiền đã chọn (tức theo dõi nhịp thở hoặc tập trung ý chí hay niệm thần chú) là sẽ ổn. Sau vài tuần sẽ quen dần và sự tập trung ý chí dễ dàng hơn.
3.4. Xả Thiền
Khi thiền xong, không nên đứng dậy đột ngột mà phải xả thiền từ từ. Cách xả thiền như sau: Trong tư thế ngồi, hãy từ từ mở mắt, hướng về bàn thờ, thành kính tạ ơn Tổ tiên hay Đức Phật, sau đó nhẩm đọc: Tôi cầu mong những người thân của tôi mạnh khỏe, an vui, hạnh phúc. Tiếp đó, dùng tay nhẹ nhàng xoa bóp bàn chân và toàn cơ thể, từ đầu chi xuôi về tim rồi thong thả đứng lên trong tỉnh giác.
Chúc quý vị thành công trong việc hành Thiền và lòng thanh thản, cơ thể khỏe mạnh, cuộc sống an vui.
COMMENTS