Đông dược Phú Hà – Ngày 2 – 4 – 1996, chị Lê Thị Thơm, 34 tuổi, trở dạ và được đưa vào Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh. Lúc đầu, bệnh viện cũng chưa chẩn đoán là song thai. Khi chuyển dạ, do cổ tử cung đã mở hết mà thai vẫn không ra được nên bệnh viện quyết định mổ. Khi mổ ra mới biết hai cháu gái sinh đôi dính bụng. Cuộc mổ lấy thai đã thành công tốt đẹp. Hai cháu cân nặng tổng cộng 5,3kg. Ngày 5-4, tức là chỉ 3 ngày sau khi sinh, Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh gửi hai cháu Nguyễn Phương Ly và Nguyễn Lan Phương lên Viện Bảo vệ sức khoẻ trẻ em (BVSKTE) (còn có tên gọi là Viện nhi Thụy Điển hay Bệnh viện Ôlốp Panmơ) để xử lý.
Tại Viện BVSKTE, các cháu được điều trị ở khoa Sơ sinh (1 tháng đầu) và khoa Dinh dưỡng. Đây là một trường hợp thai sinh đôi dính từ mũi ức đến rốn, tuy diện dính khá rộng và dài, có khả năng có một diện dính của hai gan, nhưng hai cơ thể đều bình thường, ống tiêu hoá riêng rẽ.
Các giáo sư, bác sĩ nhận định có thể mổ tách hai cháu, nhưng thời gian thích hợp là 4 tháng tuổi, không thể sớm hơn, bởi ba lý do:
─ Cần thời gian theo dõi xem cặp sinh đôi này có phải là một thai chủ và một thai ký sinh không. Nếu như vậy, sau khi mổ, chỉ có thai chủ là có khả năng sống.
─ Cần thời gian để xem xét các cháu có bị dị dạng hệ tim mạch hay hô hấp không, vì thông thường các cặp sinh đôi dính nhau hay kèm dị dạng dẫn đến tử vong một thời gian sau đẻ.
─ Trong thời gian chờ đợi này, các cháu đạp đẩy nhau làm cho diện dính vào nhau sẽ nhão và chùng ra, thuận lợi hơn cho việc mổ tách.
Sau 3 tháng 3 tuần điều trị, nhờ được chăm sóc tích cực, hai cháu đã cân nặng 11kg. Đây thực sự là một thành công của việc nuôi dưỡng, làm cơ sở cho cuộc phẫu thuật thành công.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ về mọi phương diện, ngày 24-7-1996, cuộc phẫu thuật tách hai thai nhi được tiến hành. Kíp mổ gồm GS Nguyễn Xuân Thụ (người đã cùng GS Tôn Thất Tùng mổ tách hai thai nhi dính bụng từ mũi ức đến rốn tương tự vào năm 1973), PTS Nguyễn Thanh Liêm, BS Nguyễn Danh Tình và BS Trịnh Văn Việt… Nhóm gây mê gồm BS Trần Kim Quy, BS Nguyễn Phương Anh… cùng một số Bác sĩ, Điều dưỡng viên, Kỹ thuật viên và nhiều cán bộ, nhân viên khác tham gia, vì có rất nhiều khâu cần phối hợp.
Việc gây mê rất khó khăn vì cả hai luôn luôn ở tư thế quay mặt vào nhau, rất vất vả khi đặt nội khí quản, trong khi chỉ định duy nhất để gây mê là đặt nội khí quản. Tuy vậy, cuối cùng mọi việc cũng diễn ra suôn sẻ.
Đến 9 giờ 45 phút sáng ngày 24-7-1996 bắt đầu rạch da. Sau khi hai cháu đã được tách rời nhau, êkíp phẫu thuật kiểm tra thấy hai gan không dính liền nhau, nhưng có bất thường về mạch máu rốn, còn dây chằng liềm chung lại nằm sang ổ màng bụng của cháu Phương. Sụn xương ức cũng dính liền, may mắn là không kéo tới xương ức nên tuy phải tách rời (bằng dao điện), nhưng không đụng chạm đến màng tim. Sau đúng 1 tiếng đồng hồ, tức đến 10 giờ 45 phút, mũi khâu da cuối cùng đã được hoàn tất.
Tuy cuộc mổ đã được thực hiện với các kỹ thuật hoàn hảo, nhưng những chuyên gia vẫn thấp thỏm lo vì chưa loại trừ khả năng sinh đôi có một thai chủ, một thai ký sinh. Chỉ sau 3 giờ theo dõi, thấy tình trạng hai cháu ổn định, sức khoẻ tốt, tim phổi hoạt động bình thường, nỗi lo lắng kia mới được giải tỏa. Nhóm phẫu thuật thở phào nhẹ nhõm.
24 giờ sau mổ, hai cháu bắt đầu bú trở lại. Tuy có bị sốt sau mổ, nhưng do được xử trí tích cực và chu đáo nên đến ngày thứ 5 sau mổ, cả hai đã bú tốt, đại tiểu tiện tốt, các cháu đã cười đùa, sức khoẻ trở lại bình thường.
Ngày 1-8-1996, vết mổ đều khô tốt, hai cháu đã được cắt chỉ. Như vậy, cuộc phẫu thuật đã thành công!
Các nhà y học cho biết, có thể có nhiều dạng hai thai sinh đôi dính nhau, loại: sọ-sọ, ngực-ngực, mông-mông, ngực – bụng và bụng-bụng (như trường hợp này).
Theo GS Nguyễn Xuân Thụ, phó viện trưởng Viện BVSKTE, đồng thời là trưởng kíp mổ tách hai cháu Phương – Ly, đây là ca dính bụng thứ ba được mổ tại Việt Nam. Ca thứ nhất được mổ tại bệnh viện Việt – Đức vào năm 1973, có một thai nhi chủ, một thai nhi ký sinh. Do mổ kịp thời trước khi thai nhi ký sinh tử vong nên thai nhi chủ đã được cứu sống.
Trường hợp thứ hai cũng sinh đôi dính bụng, nhưng nhẹ hơn đã được mổ tại bệnh viện Nhi đồng I TP Hồ Chí Minh thành công tốt đẹp, cả hai cháu đều được cứu sống.
Ca thứ ba này, không chỉ là thành công của kíp mổ mà là kết quả tổng hợp từ quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị của nhiều người, nhiều bộ phận. Đó thật sự là một thành công của nền y học Việt Nam./.
(Bài đã đăng ở báo Sức khỏe & Đời sống 1996)
COMMENTS