HomeBài viết khác

Nghề không nặng nhọc – BS Nguyễn Đức Kiệt

Giáo viên

Giáo viên

Nghề không nặng nhọc (truyện ngắn)

Trống trường điểm sáu tiếng báo hiệu giờ ra chơi. Học sinh các lớp ùa ra sân như đàn ong vỡ tổ. Hoạ My, cô giáo chủ nhiệm lớp 5B mệt mỏi xếp giáo án. Hình ảnh đứa con trai sốt cao chẳng có gì bồi dưỡng đang gửi ở nhà trẻ làm cô bồn chồn, lo lắng. Phần vì lo cho con ốm, phần vì từ sáng đến giờ chưa có chút gì vào bụng nên cô cảm thấy mệt mỏi đến rã rời. Giá như chồng cô không phải là bộ đội đang đóng quân ở xa; giá như cô có tiền để thuốc thang, bồi dưỡng cho con tốt hơn, giá như…

Bỗng những tiếng hét sợ hãi ré lên ngoài sân cắt đứt luồng suy nghĩ của cô. Cô nhìn ra. Không biết ai làm gì mà bọn trẻ lớp cô vừa chạy vừa hét toáng lên như bị ma đuổi vậy. Các thầy cô đang họp trong phòng Giám hiệu nhìn ra sân cau mày khó chịu. Việc đến giờ ra chơi, bọn trẻ nô đùa, ồn ào, chạy nhảy, là một việc tất nhiên. Nhưng vì hôm nay, trong lúc học sinh ra chơi, các thầy cô giáo lại đang tranh thủ họp nên nếu các em học sinh lớp nào mà hò hét quá to, cả thầy cô giáo và học trò lớp đó sẽ bị phê bình. Họa My đi ra sân. Thì ra là Hùng, con trai ông phó phòng giáo dục huyện, học sinh cá biệt của lớp cô. Bọn trẻ thấy cô, chạy quây lại, nhao nhao mách:

– Thưa cô, bạn Hùng bạn ấy lại trêu chúng em ạ.

Hùng đứng một mình, đối diện với bọn trẻ, tay giấu sau lưng một vật gì, mắt trân trân nhìn cô vẻ thách thức. Hùng là học sinh cá biệt, nhưng được cha mẹ rất nuông chiều, nhất là cha Hùng. Cha Hùng là con trưởng. Nhà Hùng có 3 chị gái, mãi mới được một cậu con trai “nối dõi tông đường” nên Hùng được cả nhà nuông chiều, được nuôi dưỡng như một “cậu ấm”, ngay từ khi còn bé cho đến ngày nay. Cha Hùng là Trưởng phòng Giáo dục huyện, đứng đầu một ngành ở địa phương nên không thiếu gì người nhờ vả, nịnh hót, luồn lọt và đút lót.

Hùng lây cái “oai” của cha, lại luôn luôn đòi gì được nấy nên rất ngỗ ngược, không chịu học hành, chỉ mải chơi, ích kỷ và không coi ai ra gì. Bạn bè của cha Hùng đã nhiều lần góp ý, nhưng cha Hùng không những không rút kinh nghiệm để dạy bảo con, mà còn cho rằng con mình như thế là có “cá tính”, rằng bạn bè không có thiện chí nên ông ta lại ghét luôn cả người góp ý. Nhiều người tặc lưỡi, mặc kệ, nghĩ rằng chả hơi đâu mà “dây với hủi”. Hùng càng được thể, làm càn. Các thầy cô giáo rất sợ trong lớp có Hùng nên tìm cách tránh Hùng cho bằng được. Thế là Hùng được cho vào lớp do cô làm chủ nhiệm. Họa My là cô giáo mới chuyển về đây. Ở trường cũ cô là giáo viên dạy giỏi nên cha Hùng đã gặp riêng cô để gửi gắm con mình cho cô. Họa My thì lại nghĩ cô đã có kinh nghiệm cảm hóa một số học sinh cá biệt nên cô cũng không ngại cho lắm. Tính cô xưa nay vẫn vậy: Chỗ nào khó khăn là cô thường giành lấy với một ý nghĩ đơn giản: Nếu khó khăn mà ai cũng từ chối thì ai sẽ làm? Vả lại, vừa chân ướt chân ráo về đây, được ông trưởng phòng gửi gắm, nhờ vả, cô không tiện từ chối.

Nhưng từ đầu năm học đến nay, cô mới thấy ý nghĩ của mình thật sai lầm. Hùng không chỉ đơn thuần là một học sinh cá biệt như những học sinh cá biệt khác mà cô đã từng dậy dỗ. Hùng nghịch nhiều trò vô ý thức và rất ác ý, rất nhẫn tâm. Nhưng đằng sau đấy lại còn một người cha cũng “cá biệt” không kém. Đó mới là điều tai hại. Đã nhiều lần cô tự nhủ: Thật đúng là “con thầy giáo vừa láo vừa dốt” và thật cha nào con nấy.

Hùng luôn luôn có những trò nghịch ngợm bất ngờ, rất vô ý thức, như lấy dép của bạn gái bôi phân chó vào phía dưới, làm cho cả lớp phải “truy tìm” rất lâu mới phát hiện ra. Hay như một lần khi tan học, Hùng nấp trong chỗ kín, bắn súng cao su vào mông cô giáo chủ nhiệm cũ v.v… Điều nguy hiểm là Hùng đã lôi kéo được một số em nghịch ngợm khác, tôn Hùng làm “đại ca”, sẵn sàng tán thưởng những trò tinh nghịch của Hùng và chịu cho Hùng sai khiến. Không biết lần này lại là trò nghịch mới gì của Hùng đây.

Cô tiến lên một bước, nhìn thẳng vào mắt Hùng, hỏi giọng hơi gắt:

– Hùng, em làm gì vậy?

– Không, em có làm gì đâu? – Hùng nói tỉnh bơ.

– Không làm gì là thế nào? Em trêu gì các bạn gái để các bạn ấy phải hét ầm ĩ lên thế?

Cô nhìn sang các học sinh khác vây quanh, rồi nói:

– Cô rất buồn vì gần đây lớp mình hay bị các thấy cô trong trường phê bình. Hôm nay trong phòng các thầy cô đang họp mà ngoài này các em lại hét lên ầm ĩ như bị ma đuổi, thật chả ra làm sao…

Hùng cắt ngang:

– Ối giời, bọn con gái thì lúc nào chả hét. Em làm sao mà đi bịt mồm chúng nó được? Mà có ai giao cho em việc bịt mồm bọn con gái lắm điều đâu?…

Mặc dù được tiếng là điềm đạm, nhưng cô đã cảm thấy nóng mặt. Cô nói:

–  Thế em giấu cái gì sau lưng? Đưa cô xem nào.

Hùng ngần ngừ không dám đưa. Mấy đứa bạn thân ở lớp trên của Hùng xui nó:

– Mày cứ đưa đi. Cô ấy không dám cầm đâu. Cô ấy sợ lắm đấy. Nhân tiện, dọa luôn cho cô ấy một mẻ.

Hùng từ từ đưa tay ra phía trước. Trời ơi, một con rắn dài đến gần một mét! Đầu nó cất cao đến một gang, đưa đi đưa lại, lưỡi thè ra, thụt vào trông phát khiếp. Hoạ My rùng mình. Người cô lạnh toát, tóc gáy dựng đứng hẳn lên. Cô nhắm mắt lại. Cô sợ rắn hơn bất cứ thứ gì trên đời. Có một lần đọc truyện, cô thấy bọn ngụy quyền Sài Gòn tra tấn các cô gái du kích bằng cách bắt rắn cho vào ống quần, rồi buộc túm ống quần lại. Đọc đến đấy mà cô đã thấy lạnh toát cả xương sống, cô khó thở như thiếu không khí. Cô phải bỏ dở trang sách, không dám đọc tiếp. Cô nghĩ bụng, nếu mình mà đi làm cách mạng, khi bị tra tấn kiểu này, không biết mình có chịu được không? Cô có thể chịu đói, chịu khát, có thể chịu đau, nhưng chỉ nhìn thấy rắn, cô đã có thể bị ngất rồi. Cô biết bệnh tim rất hay làm cô bị ngất. Thói quen luôn mồm nói “đưa cô xem nào” đã hại cô. Cả đám đông im phăng phắc.

Cô lúng túng không biết xử trí thế nào, bỗng một giọng nói phá tan sự im lặng:

– Tao đã bảo mà, cô ấy không dám cầm đâu.

Hùng nhìn cô mỉm cười ngạo mạn. Mặt từ tái mét chuyển dần sang đỏ ửng, cô giáo tiến lên sát Hùng, giọng đanh lại:

– Đưa đây!

Hùng rụt rè đưa cho cô. Hoạ My nắm chặt lấy ngang thân con rắn. Nó trơn nhẫy, mềm mềm, lạnh toát chuyển động trong tay cô. Đầu rắn đưa đi đưa lại, lưỡi thè ra như sẵn sàng cắn trả bất cứ ai dám tiến lại gần. Phần thân sau con rắn quấn quanh ngay lấy cổ tay cô. Cô cảm thấy cổ tay như làm bằng sáp, cứng đơ, lạnh toát. Cánh tay như không phải là tay của cô nữa. Cô thấy lạnh buốt sống lưng. Tóc như dựng ngược. Toàn thân cô nổi da gà. Mắt cô hoa lên. Người cô lâng lâng như đang ở trên mây. Ngực cô nghẹt lại như bị ai bóp chặt. Hình ảnh của Hùng và học sinh trước mặt cô mờ mờ, ảo ảo như những bóng ma. Cả sân trường bỗng im phăng phắc. Mạch máu hai bên cổ cô như bị ai bóp nghẹt, cô phải há miệng ra để thở. Miệng cô tự nhiên khô khốc. “Chỉ mong sao đừng ngất”, cô tự nhủ. Cô biết sức khỏe của mình.

Hồi năm 13 tuổi, cô bị bệnh “thấp tim”, một căn bệnh mà các bác sĩ bảo rằng “liếm khớp, đớp tim”. Cô đã phải điều trị hết đợt này đến đợt khác, liên tiếp mấy năm liền tại bệnh viện Bạch Mai. Đã có lần cô tưởng chết. Tuy thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, nhưng căn bệnh quái ác đã biến cô thành một người bị bệnh mạn tính: “Bệnh van tim”. Tim của cô tổn thương tới 3 van: Van động mạnh chủ, van hai lá và van ba lá, trong đó van động mạnh chủ, van hai lá là nặng nhất, vì vừa hẹp, vừa hở. Đã thế, thỉnh thoảng cô lại bị “viêm tái phát”, cả “viêm màng trong tim và viêm màng ngoài tim” theo từ chuyên môn của các bác sĩ. Cũng vì bị bệnh tim mà khi đang học Sư phạm, do bệnh tái phát, cô phải bỏ dở, sau này cô mới học cấp tốc để ra dạy cấp I. Nhưng trong Trường, về chuyên môn cô chẳng chịu thua ai. Cô liên tục đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi. Nhà trường rất thông cảm với sức khỏe của cô nên thường miễn cho cô những công việc nặng nhọc. Cô sợ nhất là chứng chóng mặt và ngất. Theo bác sĩ, vì tim của cô không đủ máu nuôi não nên cô bị ngất và bị “hội chứng tiền đình” mà biểu hiện ra ngoài là chứng chóng mặt. Cứ nghĩ đến chóng mặt là cô lại toát cả mồ hôi. Bởi vì khi bị chóng mặt thì mọi thứ đều quay đảo điên cuồng, chỉ nằm im một tư thế mà thôi, trở mình cũng không được, vì sẽ bị nôn thốc nôn tháo, nôn ra mật xanh, mật vàng. Nhà cô hiện chỉ có hai mẹ con, con cô còn bé tí, chẳng giúp gì được cho cô. Mà đã chóng mặt thì phải “phục vụ tại giường”, vì không thể di chuyển được. “Bây giờ mà ngất ra đây hoặc chóng mặt quay đơ ra đây thì chết” – cô nghĩ. Như vậy Hùng sẽ nghĩ là cô hèn, nó sẽ biết cô sợ, nó sẽ nắm lấy thóp của cô, lần sau nó sẽ còn nghịch nhiều trò tai hại khác. Và đặc biệt là nó sẽ khinh cô, coi thường cô, một điều mà cô không cho phép bất kỳ học sinh nào có cơ hội thể hiện, nhất là những học sinh cá biệt.

Nghĩ đến đó, cô mím chặt môi lại, mặt cô dần dần đỏ ửng lên. “Tại sao Hùng cầm được mà mình lại không cầm được?” – Cô nghĩ. Hình ảnh cô gái quân giải phóng miền Nam bị giặc bắt được, chúng cho rắn vào trong quần, buộc túm ống quần lại để cho rắn bò bên trong, làm cho cô gái hét lên, nhưng cô gái đã nghiến răng chịu đựng và nhất quyết không khai ra đồng đội. Hình ảnh ấy đã hiện lên trong óc cô. Cô rùng mình. Sống lưng cô lạnh toát. Cánh tay phải của cô cứng đơ, cũng lạnh toát. Con rắn đã quấn quanh cổ tay cô, chỉ còn đầu và đuôi nghoe nguẩy. “Dù sao thì mình còn chủ động hơn cố gái quân giải phòng miền Nam vì mình chỉ cầm ở tay chứ không bị rắn bò trong ống quần. Cô gải giải phóng quân chịu được thì mình cũng chịu được. Phải mạnh mẽ lên…” Cô nghĩ, là một giáo viên, điều quan trọng là không được để học sinh chê là mềm yếu, nhất là không được để những học sinh cá biệt coi thường. “Chỉ mong sao đừng ngất”. Cô lại tự nhủ. Mấy chục giây nặng nề qua đi mà cô tưởng như hàng thế kỷ. Dù sao thì cô cũng đã cầm được con rắn trong tay, không hề buông ra, không hề kêu thét. Và điều đặc biệt là cô đã không ngất. Cảm giác nghẹt thở, choáng váng có vẻ đã qua đi. Cô đã dần dần làm chủ được mình. Chính cô cũng rất ngạc nhiên với sự chịu đựng của mình. Cánh tay cô vẫn giơ ra phía trước, cứng đơ, lạnh ngắt như làm bằng băng. Có lẽ nó đã hóa thành đá. Nhưng con rắn vẫn bị cô giữ chặt.

Hùng không nói gì, chỉ há hốc mồm ngạc nhiên nhìn cô như không tin vào mắt mình. Cả góc sân cũng im phăng phắc.

Cô nói chậm rãi, nhỏ nhẹ, bình tĩnh đến nỗi chính cô cũng phải ngạc nhiên:

– Hùng, em phải biết tự trọng chứ. Chả lẽ em không thấy xấu hổ, vì tuần nào lớp ta cũng bị nêu tên trước toàn trường vì những trò nghịch ngợm của em hay sao?

Hùng nói nhỏ gần như chỉ đủ để cho cô nghe:

– Em xin lỗi, thưa cô… cô cẩn thận kẻo nó cắn đấy ạ.

Hùng nhẹ nhàng cầm lấy cổ con rắn, khéo léo gỡ con rắn ra khỏi tay cô như sợ làm cánh tay cô bị tổn thương, để con rắn quấn sang cổ tay của mình, rồi chạy biến ra đằng sau lớp. Cô chậm rãi đi vào trong lớp, bỏ mặc bọn trẻ đang bàn tán phía sau lưng như một cái chợ con.

Nhìn trong lớp không thấy có ai, cô nhẹ nhàng đi vào, khép cửa lại, ngồi gục xuống bàn như một tàu lá héo, đôi vai gầy rung lên, hai dòng nước mắt chảy tràn trên gò má. Cô lấy khăn mùi xoa ra lau vào cổ tay, cái chỗ mà con rắn đã quấn vảo. Cô lau đi lau lại, có cảm giác như con rắn đã để trên da cổ tay cô một màng chất độc. Cô lại rùng mình. Tuy cánh tay cô đã nóng trở lại, nhưng sống lưng cô vẫn lạnh toát, tóc mai vẫn như dựng ngược lên…

– “Trời ơi, ai cũng bảo nghề giáo viên là nghề không nặng nhọc. Phải, nghề này đâu phải là một nghề chân lấm tay bùn? Đúng, nghề không nặng nhọc, nghề không nặng nhọc…”

Cô nhắc đi nhắc lại như một kẻ mộng du./.

Yên Bái, tháng 12 năm 1979

COMMENTS