Đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng suốt ngày ông không có một phút rảnh rang, nhàn rỗi. Điện thoại để bàn, điện thoại di động liên tục reo. Lúc nào cũng có hàng chục bệnh nhân trong và ngoài nước mong được ông trực tiếp khám, chữa bệnh, tư vấn. Cán bộ của Viện xin ông chữ ký. Nghiên cứu sinh, sinh viên, học viên nước ngoài xin ông hướng dẫn. Các khách quốc tế, các nhà báo xin gặp để làm việc, phỏng vấn, đăng ký viết bài… Các chức vụ mà ông đảm nhiệm, cả trong nước và quốc tế, liệt kê ra phải mất cả trang giấy. Gần như các danh hiệu và phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước ông đều được phong và được nhận: Đó là GS-BS Nguyễn Tài Thu, Viện trưởng Viện Châm cứu TW, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động.
Trước những năm 1980, Châm cứu chỉ là một khoa như các khoa khác trong Viện Đông y. Phải đến những năm 1970, khi kỹ thuật Châm tê do Bác sĩ Nguyễn Tài Thu khởi xướng, Châm cứu Việt Nam mới được nhắc đến nhiều. Đặc biệt vào những năm 1980, khi Viện Châm cứu ra đời, Viện trưởng – Giáo sư-Bác sĩ Nguyễn Tài Thu – mang kỹ thuật châm cứu ra thực hành tại một số nước châu Âu và Mỹ Latinh thì Châm cứu Việt Nam mới được chắp cánh bay xa, bay cao hơn bao gờ hết. Hồi đó, tại một số nước Bắc Âu và Mỹ Latinh, hàng tháng trời, hết nước này đến nước khác, báo chí liên tục đưa tin về những thành công vang dội mà BS Nguyễn Tài Thu đã thể hiện ở nước ngoài. Những hàng tít lớn như “Những cây kim kỳ diệu”, Đôi bàn tay vàng làm nên những điều kỳ diệu”,“Chỉ bằng mấy kim đã làm cho người câm mười năm nói được”,“Tám cây kim châm cứu thay cho một ca mổ đẻ”… trên những tờ báo đã trở nên quen thuộc với nhân dân các dân tộc trước đây chưa biết châm cứu là gì. Những năm 1960, 1970 thế giới đã biết đến Việt Nam như biểu tượng của của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, thì ngày nay, nhân loại lại nhìn Việt Nam với một góc độ hoàn toàn mới lạ: Sự thần kỳ của một nền y học cổ truyền!
Đó là chuyện “đem chuông đi đấm nước người”. Còn ở trong nước, cũng không thiếu những chuyện ly kỳ, thật mà như huyền thoại. Chuyện kể rằng chỉ không lâu sau ngày Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn ký quyết định thành lập Viện Châm cứu trực thuộc Bộ Y tế và bổ nhiệm BS Nguyễn Tài Thu làm Viện trưởng, Bộ trưởng bị bệnh hiểm nghèo, một đêm bí tiểu tiện đến mức sắp phải mở bàng quang. Ngay trước khi tiến hành phẫu thuật, Thư ký riêng của Bộ trưởng nêu một đề xuất: Hay là mời BS Nguyễn Tài Thu đến châm cứu? Các vị Thứ trưởng và các bác sĩ túc trực quanh giường bệnh của Bộ trưởng cho rằng đó là chuyện hoang đường, nhưng rồi BS Nguyễn Tài Thu vẫn được mời đến. Bằng những thao tác thuần thục, ông đã châm cứu cho Bộ trưởng. Và sự kỳ diệu đã xảy ra: chỉ mấy phút sau, một cục máu đông hình con giun đỏ đã bật ra và bệnh nhân đã đi tiểu được. Tất cả mọi người có mặt đều như trút được gánh nặng, đều rất ngạc nhiên, thán phục. Cuối năm đó, khi xét phong Học hàm, BS Nguyễn Tài Thu đã được phong đặc cách lên thẳng Giáo sư, không phải qua Phó Giáo sư như những trường hợp thông thường khác.
Khi Viện châm cứu mới ra đời, nhân lực chỉ có hơn chục người, địa điểm còn phải ở nhờ. Bằng năng lực, trí tuệ và tâm huyết của mình, GS Nguyễn Tài Thu đã xây dựng Viện ngày một trưởng thành, phát triển thuộc loại nhanh nhất trong các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Ngày nay Bệnh viện Châm cứu TW đã có 400 giường bệnh, với 20 khoa, phòng, là chỗ dựa vững chắc của những mảnh đời bất hạnh trong cả nước. Hằng năm Bệnh viện khám, chữa bệnh cho hàng triệu lượt người, công suất sử dụng giường bệnh luôn luôn đạt từ 122% đến 179,56%. Bệnh viện thực sự là địa chỉ tin cậy của bệnh nhân nghèo, bệnh nhân gặp khó khăn, của người thuộc diện chính sách và của các trẻ em tàn tật. Chỉ tính 10 năm trở lại đây, Bệnh viện đã miễn phí cho bệnh nhân nghèo và cho trẻ em tới 6 tỷ đồng. Riêng tiền ăn, Bệnh viện đã bỏ ra tới 5 tỷ đồng để nuôi trẻ em trong thời gian điều trị. Ông cũng trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cai nghiện ma túy, mặc dù trong đó có tới 25% bệnh nhân bị nhiễm HIV.
GS Nguyễn Tài Thu đã luôn luôn nghiên cứu phát triển thêm các hình thức châm mới như Thủy châm, Điện châm, Nhĩ châm, Mãng châm, Châm tê để mổ, dùng Trường kim và sử dụng nhiều loại kim châm, hình thức châm khác nhau cho phù hợp với từng thể bệnh và với từng người bệnh. Trong vòng 20 năm, ông đã nghiên cứu và viết hơn 20 chuyên đề để phổ cập, viết 22 đầu sách, trong đó có 4 quyển bằng tiếng nước ngoài, đã tổng kết điều trị có kết quả 52 chứng bệnh thường gặp và khó chữa, đạt kết quả trên 98%. Ông đã tổ chức hướng dẫn châm tê đến tận các huyện, triển khai kỹ thuật điện châm hỗ trợ cai nghiện ma túy ra 21 tỉnh thành trong cả nước. Các công trình của ông đã được phổ biến rộng rãi ra nước ngoài như Na Uy, Australia, Mexico, Singapore, Hàn Quốc…
Ông đã giành nhiều tâm huyết, sức lực và tình cảm cho công tác đào tạo. Nhờ có sự nỗ lực của ông mà từ 500 người làm châm cứu năm 1967 đến nay đội ngũ này đã lên đến 22.500 người, gấp 45 lần trước đây. Nói đến GS Nguyễn Tài Thu, bên cạnh tài năng, người ta thường cảm kích và ca ngợi ông ở tấm lòng nhân hậu. Vào những năm 1990 – 1992, nhận thấy số bệnh nhi được vào viện còn quá ít so với nhu cầu, ông đã tích cực vận động và được Chính phủ cho phép thành lập Hội cứu trợ trẻ em Việt Nam. Nhờ có Hội cứu trợ trẻ em Việt Nam mà các cháu được chữa bệnh đồng thời được nuôi ăn.
Ông đã được Nhà nước, Chính phủ, tổ chức xã hội giao nhiều trọng trách. Ông cũng đã vinh dự được Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. Ở tuổi ngoại thất thập, GS Nguyễn Tài Thu vẫn còn rất sung sức, vẫn miệt mài, hăng say chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ và tích cự hoạt động xã hội. Ông bảo quỹ thời gian của ông không còn nhiều, ông phải chạy đua với thời gian. Ông luôn luôn muốn cống hiến, đơn giản vì còn rất nhiều con người bất hạnh, rất nhiều trẻ em tàn tật trên khắp đất nước cần đến ông, muốn được ông trực tiếp khám và điều trị. Chúng ta cầu mong cho ông luôn mạnh khỏe để mang lại sức khỏe cho các bệnh nhân và nụ cười cho các trẻ em bật hạnh./.
Hà Nội, 3/2005
COMMENTS