Đông dược Phú Hà – Phú Xuyên là một huyện của thành phố Hà Nội, nằm dọc theo đường quốc lộ số 1A và đường xe lửa, cách Hà Nội 37km về phía nam. Huyện Phú Xuyên xa xưa thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội. Đến đời Trần, huyện có tên là Phù Lưu, vào thời Lê sơ đổi thành Phù Vân, sau lại đổi thành Phù Nguyên. Đến đời nhà Mạc, vì kỵ húy vua Mạc Phúc Nguyên nên đã đổi thành Phú Xuyên. Năm 1888, tỉnh Cầu Đơ (sau này là Hà Đông) được thành lập, huyện Phú Xuyên được cắt sang thuộc tỉnh Hà Đông. Khi Hà Đông sáp nhập với Sơn Tây, Phú Xuyên thuộc tỉnh Hà Tây, sau đó khi Hà Tây sáp nhập với Hòa Bình thì Phú Xuyên thuộc Hà Sơn Bình, khi Hòa Bình tách ra thì Phú Xuyên lại thuộc tỉnh Hà Tây. Từ 1/8/2008, theo quy hoạch mở rộng địa giới hành chính thủ đô, huyện Phú Xuyên nói riêng, cả tình Hà Tây nói chung, thuộc Hà Nội. Có lẽ ít ai biết được rằng Phú Xuyên còn là một trong những huyện có nhiều tướng nhất trong cả nước: Có tới 9 vị tướng trong một huyện.
Huyện Phú Xuyên bắc giáp huyện Thanh Oai và Thường Tín, đông giáp sông Hồng ngăn cách với Kim Động (Hưng Yên), nam giáp Duy Tiên (Hà Nam), tây nam giáp Ứng Hòa. Huyện Phú Xuyên có diện tích 170,8 km2, dân số là 186.452 người, mật độ 1.061 người/km2, bao gồm 2 thị trấn và 26 xã. Phú Xuyên là huyện trũng nhất của tỉnh Hà Tây, có sông Nhuệ chảy từ bắc xuống Nam. Từ đời hậu Lê về trước, huyện Phú Xuyên có 6 người đỗ đại khoa. Phú Xuyên cũng là quê hương của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, người có công rất lớn trong việc phát triển và truyền bá chữ quốc ngữ ở Việt Nam và có con trai là nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp với bài thơ Em đi chùa Hương nổi tiếng.
Nhưng nói đến Phú Xuyên, người ta nghĩ ngay đến đây là quê hương của những làng nghề nổi tiếng như Khảm trai, sơn mài ở Chuyên Mỹ; thêu ren ở Phúc Tiến, Nam Tiến, Sơn Hà; làm giấy ở Hồng Minh; may mặc ở Đại Xuyên, Vân Từ; đóng giày ở Phú Yên; tơ lưới ở Thao Ngoại, Văn Lãng; mây tre đan ở Minh Tân, Phú Túc; tò he ở Xuân La, vịt giống ở Đại Xuyên,… Phú Xuyên những năm gần đây còn được cả nước biết đến với kinh nghiệm đi đầu trong việc trồng ngô bầu ruộng nước và trồng đậu tương gieo thẳng vụ chiêm xuân…
Nhưng có lẽ ít ai biết được rằng Phú Xuyên còn là một trong những huyện có nhiều tướng nhất trong cả nước: Có tới 9 vị tướng trong một huyện. Đó là: Thượng tướng Phùng Thế Tài, Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc, Thiếu tướng Hoàng Văn Hoặc, Thiếu tướng Mai Văn Lý, Thiếu tướng Phùng Thế Quảng và Thiếu tướng Nguyễn Kim Cách.
Thượng tướng Phùng Thế Tài
Thượng tướng Phùng Thế Tài tên thật là Phùng Văn Thụ, sinh năm 1920, tại thôn Văn Nhân, xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên. Thuở nhỏ nhà nghèo, ông lưu lạc sang Vân Nam (Trung Quốc) kiếm sống. Năm 1936, ông được tham gia tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh hội hải ngoại và được cử đi học ở trường sĩ quan Hoàng Phố, tốt nghiệp với quân hàm Trung úy. Năm 1939, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử làm bảo vệ cho nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc, lúc đó lấy tên là Hồ Quang trong vai thiếu tá Bát lộ quân. Ông được Bác Hồ đặt cho bí danh là Phùng Hữu Tài. Năm 1952, ông xin Hồ Chủ tịch cho đổi thành Phùng Thế Tài.
Năm 1941, ông theo Bác Hồ về nước và tham gia hoạt động xây dựng cơ sở tại Cao Bằng. Từ đó trở đi, ông đã kinh qua các cương vị: tiểu đội trưởng trong Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; Ủy viên quân sự Việt Minh, kiêm chức Chi đội phó Chi đội Lạng Sơn rồi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28; Ủy viên quân sự trong Ủy ban Hành chính Kháng chiến Hà Nội; Đại đoàn phó Đại đoàn 320; Đại đoàn trưởng Đại đoàn Pháo binh 349; Hiệu trưởng trường Sĩ quan Pháo binh, kiêm tham mưu trưởng Binh chủng Pháo binh; Tư lệnh Binh chủng Phòng không rồi Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân; Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không Dân dụng Việt Nam; Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (ông giữ chức này 20 năm cho đến khi nghỉ hưu, 1987). Ông có công rất lớn trong việc chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ trong suốt những năm từ 1964 – 1973, đặc biệt trận Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972. Ông được phong quân hàm Thượng tá 1958, Đại tá 1967, Thiếu tướng 1974,Trung tướng 1980 và Thượng tướng 1986.
Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh
Tướng Nguyễn Phúc Thanh sinh năm 1946 tại thôn Vĩnh Thượng, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây. Ông nhập ngũ năm 1964. Trong quân đội, ông đã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu ở các chiến trường nóng bỏng trong giai đoạn gay go ác liệt nhất, như chiến trường Quảng Trị, chiến trường Tây Nguyên rồi chiến dịch Hồ Chí Minh.Sau khi thống nhất đất nước, ông lại lên đường làm nhiệm vụ quốc tế, tiêu diệt bọn Pol pốt, giải phóng dân tộc Campuchia khỏi họa diệt chủng. Là cán bộ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, ông đã kinh qua các chức vụ từ Trung đội, Đại đội, Tiểu đoàn, Trung đoàn, sau là Sư đoàn trưởng rồi cuối cùng là Tư lệnh Binh đoàn. Sau khi thống nhất đất nước, ông được đảm nhiệm chức Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần quân đội nhân dân Việt Nam. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1994, Trung tướng năm 1997. Từ cuối năm 1997, ông là Phó chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam. Đây lại là một thử thách mới đối với ông. Nhưng ông đã khiêm tốn lắng nghe, tích cực tìm hiểu và thích nghi khá nhanh với cương vị công tác mới và đã để lại dấu ấn trong lòng cử tri và sự yêu mến của các đại biểu Quốc hội trong cả nước.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát
Tướng Nguyễn Đức Soát sinh năm 1946 tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Tây. Ông là Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Bằng chiếc MiG-21PFM Fishbed số hiệu 5020, ông đã bắn hạ tới 6 chiếc máy bay của Mỹ. Theo sách “Kỷ lục Guinness Việt Nam thế kỷ thứ XX” thì tướng Nguyễn Đức Soát là Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân trẻ tuổi nhất vì khi được phong Anh hùng (năm 1973), ông mới chỉ 27 tuổi, là trung uý, đại đội phó đại đội 3 máy bay tiêm kích MIG 21, trung đoàn 927, Sư đoàn 371 Không quân, Bộ tư lệnh Phòng không – Không quân (chỉ sau Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Chẩm ở Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, nhưng đã hy sinh năm 15 tuổi). Ngày 13/3/1969 là ngày mở màn cho chuỗi chiến thắng của tướng Nguyễn Đức Soát, khi lần đầu tiên ông hạ 1 máy bay không người lái của Mỹ ở độ cao rất thấp chỉ 300 mét. Ngày 24/6/1972, trên vùng trời Thái Nguyên, ông chỉ huy biên đội 2, chiến đấu với 20 chiếc máy bay vừa tiêm kích vừa cường kích của địch và đã hạ 2 chiếc F4. Rồi tại vùng trời Sơn La 3 ngày sau đó, ông lại chỉ huy biên đội bắn rơi 2 chiếc và tạo điều kiện cho biên đội bạn diệt gọn một tốp 2 F4 của Mỹ. Tính từ tháng 3/1969 đến tháng 10/1972, ông đã đánh 7 trận, bắn 8 quả tên lửa, hạ 6 máy bay Mỹ. Ngoài ra, ông còn chỉ huy biên đội bắn rơi 3 chiếc khác. Ông là một phi công MiG-21 xuất sắc và được coi là một trong các Át chủ bài của Không quân Nhân dân Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Chiến công cuối cùng của ông là trận đánh ngày 12/10/1972, khi ông bắn hạ chiếc F-4E của Myron Young và Cecil Brunson (phi công Mỹ bị bắt làm tù binh).
Trung tướng Nguyễn Đức Sơn
Tướng Nguyễn Đức Sơn sinh năm 1950 tại thôn Hòa Khê Thượng, xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây. Ông tham gia quân đôi năm 1967, lúc chưa tròn 18 tuổi nên đã phải khai tăng thêm một tuổi để được nhập ngũ. Ông đã trực tiếp tham gia chiến đấu ở các chiến trường Lào, Quảng Trị, Đông Nam Bộ, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Khác với nhiều tướng lĩnh khác, tướng Nguyễn Đức Sơn không phải học sĩ quan rồi mới chiến đấu mà ông vào quân ngũ, chỉ tập luyện một thời gian ngắn, sau đó tham gia chiến đấu ngay với vị trí một người lính. Ông đã trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, có mặt ở những chiến dịch ác liệt nhất. Ông đã bị thương nhiều lần, nhưng rất ít khi chịu nằm viện mà bằng mọi cách, cố trở lại chiến đấu. Trên chiến trường, ông chiến đấu vô cùng dũng cảm và mưu trí nên được đề bạt rất nhanh. Đặc biệt, năm 1972, tại chiến trường ác liệt Quảng Trị, ông đã tham gia chốt giữ và giành giật nhau hàng tháng liền ở thành cổ Quảng Trị giữa ta và địch, với cương vị Chính trị viên phó Tiểu đoàn. Đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, ông đã là cán bộ cấp Trung đoàn. Ông đã được giao đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng phòng Tổ chức Quân đoàn, Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn, Sư đoàn phó về chính trị thuộc Quân đoàn, Cục trưởng Cục Tổ chức thuộc Tổng cục Chính trị, Bí thư đảng ủy Quân đoàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1998 và Trung tướng năm 2006.
Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc (13/8/1932 – 2/5/2006)
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Ngọc là một trong những người có công đầu trong việc đào tạo và phát triển ngành tin học Việt Nam, đồng thời cũng là một trong các vị tướng tình báo huyền thoại của Công an Nhân dân Việt Nam. Ông sinh năm 1932, quê quán ở làng Phương Tú, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Tây. Cha ông thoát ly hoạt động cách mạng khi ông còn rất nhỏ. Một lần cha ông cùng cậu con trai 6-7 tuổi bất ngờ lọt vào ổ phục kích của địch. Biết thể nào cũng bị địch bắn, cha ông đã xoa đầu ông và dặn “Con cố học và giúp người khác học. Dân mình khổ đừng trách ai, chỉ nên tự trách mình còn thiếu tri thức”. Bao nhiêu năm sau, khi lọt vào hàng ngũ địch, đã leo cao, trèo sâu, hoàn thành nhiệm vụ của một điệp báo, rồi khi đã trở thành một Cục trưởng, một vị tướng đến tuổi “cổ lai hy”, câu nói của người cha vẫn cứ văng vẳng bên tai ông.
Năm 1953, ông gia nhập lực lượng điệp báo của lực lượng Công an dưới bí danh Ziệp Sơn, sau đó ông vào Sài Gònvà hai năm sau ông lấy được học bổng du học tại Pháp. Năm 1966, ông trở về quê hương, với 3 bằng Kỹ sư và 2 bằng Tiến sĩ Khoa học nên đã được nhận vào làm Giáo sư tại Viện Đại học Sài Gòn. Ông thường xuyên được mời cộng tác làm việc cho hệ thống tính toán của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và quân đội Mỹ. Ông đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng, kịp thời, chính xác cho cấp chỉ huy của ta. Sau năm 1975, ông được Bộ trưởng Bộ Công an mời ra Bắc và được giao tiếp cận các hệ thống máy tính cả cũa Mỹ và của Liên Xô. Từ 1989 đến 1994, ông được giao quản lý và phát triển ngành Viễn thông – Tin học Công an và lần lượt giữ các chức vụ Phó Cục trưởng, rồi Cục trưởng Cục Khoa học Viễn thông và Tin học (V17) Bộ Công an. Năm 1989, GS Hoàng Xuân Sính mời ông cùng thành lập Trường Đại học Dân lập Thăng Long – đại học ngoài công lập đầu tiên ở Việt Nam thời đổi mới. Ông tham gia đào tạo nhiều khóa sinh viên và các sinh viên đánh giá là một người thầy mẫu mực. Ông còn là sáng lập viên và là Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam và VAIP, là Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Tây Đô (Cần Thơ), là Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Công nghệ Thông tin Quốc gia… Năm 1994, ông được nhà nước phong hàm Thiếu tướng Công an Nhân dân Việt Nam. Ông mất ngày 2/5/2006, tại Bệnh viện 198 (Bộ Công An) vì bệnh ung thư.
Thiếu tướng Hoàng Văn Hoặc
Thiếu tướng Hoàng Văn Hoặc sinh năm 1951 tại thôn Đại Nghiệp, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây. Ông nhập ngũ tháng 5/1971 và sau đó tham gia chiến đấu tại chiến trường ác liệt Quảng Trị. Thực tế chiến trường máu lửa đã là nơi tôi luyện cho người lính trẻ dũng cảm trưởng thành và ông đã thể hiện được tài năng và tiến bộ rất nhanh. Sau năm 1975, ông lại cùng với đồng đội lên đường giải phóng cho đồng bào mình và đồng bào Campuchia anh em khỏi họa diệt chủng. Cũng chính tại chiến trưởng khói lửa ác liệt này, ông đã trưởng thành rất nhanh và liên tiếp được giao các chức vụ chủ chốt: Trung đoàn trưởng sau là Sư đoàn trưởng rồi đến Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân đoàn. Từ 2002 đến nay là Phó giám đốc Học viện Quân y. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng năm 2007.
Thiếu tướng Mai Văn Lý
Thiếu tướng Mai Văn Lý sinh năm 1955 tại thôn Hòa Khê Thượng, xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây. Ông nhập ngũ tháng 8/1973, khi 18 tuổi. Không lâu sau khi nhập ngũ, ông đã được điều vào trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Năm 1975, ông đã tham gia chiến dich Buôn Ma Thuột, chiến dich mở màn cho công cuộc giải phóng, thống nhất đất nước. Sau thống nhất đất nước năm 1975, ông được cử đi học ông trường Sỹ quan. Vì đã kinh qua thực tế chiến đấu, lại được đào tạo bài bản trong Nhà trường quân sự, sau khi ra trường, ông đã được tin tưởng để giao nhiều trọng trách và đã tiến bộ rất nhanh, đã lần lượt kinh qua các chức vụ từ Đại đội, Tiểu đoàn, Trung đoàn rồi đến Sư đoàn và gần đây, ông đã được bổ nhiệm là Chính ủy Quân đoàn. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng năm 2007.
Thiếu tướng Phùng Thế Quảng
Thiếu tướng Phùng Thế Quảng sinh nămn 1953 tại thôn Văn Nhân, xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây trong một gia đình có truyền thống cách mạng: Ông là con trai thứ của Thượng tướng Phùng Thế Tài. Ông nhập ngũ năm 1970, khi chưa tròn 18 tuổi. Sau 5 năm chiến đấu, năm 1975, ông được cử đi học trường Quân sự cao cấp tại Liên Xô. Khi về nước, ông đã được giao đảm nhiệm chức vụ Trung đoàn phó tham mưu trưởng Trung đoàn bộ binh cơ giới. Khi đất nước đổi mới, quân đội được giao làm kinh tế, ông đã được giao làm Giám đốc Công ty Cung ứng và sản xuất trang bị thuộc Bộ Quốc phòng. Sau đó ông là Phó cục trưởng rồi Cục trưởng Cục Kinh tế – Bộ Quốc phòng rồi Phó viện trưởng Viện Khoa học công nghệ – Bộ Quốc phòng. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng năm 2007. Đây là một trường hợp đặc biệt, một nhà có hai vị tướng. Đúng là “Hổ phụ sinh hổ tử” như các cụ xưa thường nói.
Thiếu tướng Nguyễn Kim Cách
Thiếu tướng Nguyễn Kim Cách sinh năm 1956 tại thôn Phong Triều, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây. Ông nhập ngũ năm 1973. Để đào tạo cán bộ trẻ tiếp thu được công nghệ tiên tiến phục vụ lâu dài cho tổ quốc, ông đã được gửi đi dào tạo lái máy bay chiến đấu tại Liên Xô. Ông đã miệt mài học tập, là học viên suất sắc của Học viện và được các thầy, các bạn quý mến và cảm phục. Về nước, ông đã cùng đồng đội làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại và rất nhanh làm chủ được những loại máy bay hiện đại của Liên Xô cũng như máy bay thu được của Mỹ. Trưởng thành từ phi công, ông đã tiến rất nhanh từ thấp lên cao với các cương vị: Phi đội trưởng, Trung đoàn phó quân sự trong Trung đoàn bay, tiếp đó chuyển sang làm cán bộ chính trị Trung đoàn rồi Sư đoàn và sau đó lên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân của quân đội nhân dân Việt Nam. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng tháng 2/2009.
Quê hương, 9 / 2009
COMMENTS