HomeVị thuốc quanh taBài viết khác

Rượu và sức khỏe – BS Nguyễn Đức Kiệt

Đông Dược Phú Hà – Rượu là một trong những loại thực phẩm lâu đời nhất của con người. Rượu được dùng cả khi buồn lẫn lúc vui, khắp mọi nơi trên thế giới. Rượu ảnh hưởng đến sức khoẻ và nhân cách của con người. Uống ít, rượu có lợi cho sức khoẻ. Dùng quá liều, rượu có tác hại khôn lường…

Có lẽ khó có một loại thức uống nào lại có tính hai mặt như rượu. Cho đến nay, người ta cũng không biết một cách chính xác rượu đã được con người phát minh ra từ  bao giờ, chỉ biết rằng việc làm bia, gầy rượu, cất rượu đã xuất hiện ở phương Đông từ rất sớm. Có lẽ ngay từ thời kỳ còn sống bằng hình thức hái lượm, loài người đã chú ý đến những trái cây chín rụng và sự lên men. Đến cuối thời kỳ xã hội nguyên thủy, với sự phát triển của trồng trọt, con người đã biết sử dụng ngũ cốc để làm ra bia, rượu. Bia là loại nước giải khát lên men có từ rất sớm. Những di tích khảo cổ cho thấy ở Ai Cập, nhân dân hai bên bờ sông Nil đã biết làm bia cách đây trên 6.000 năm. Tại Trung Quốc, trong Chiến quốc sách đã có ghi chép việc “Nghi địch làm rượu” và trong những văn vật đào được tại di chỉ văn hoá Long Sơn, người ta thấy có nhiều dụng cụ làm bằng sành để đựng và uống rượu. Ở Việt Nam, cách đây hàng 4 – 5 ngàn năm, với những lương thực, thực phẩm sản xuất được, người Việt đã biết tạo nên những món ăn đậm đà hương vị dân tộc: đồ xôi, làm bánh chưng, bánh dày, nấu rượu, làm mắm…

Thực ra, tất cả thức uống có chứa cồn éthylic, gây say, đều được gọi là bia hoặc rượu. Bia, rượu gây say nhiều hay ít tuỳ thuộc ở độ cồn (lượng cồn éthylic nguyên chất chứa trong 100ml bia, rượu) cao hay thấp. Khi nói rượu 45 độ, nghĩa là trong 100ml rượu đó có chứa 45ml cồn éthylique nguyên chất. Rượu có rất nhiều loại, tuỳ theo cách phân loại, nhưng tựu chung chỉ có 2 loại chính là rượu lên men không chưng cất từ nước ép hoa quả như rượu vang (vin, wine), rượu cần… và rượu chưng cất (spirits), là rượu lên men từ rỉ đường, bột ngũ cốc, nước ép mía, củ cải đường… sau đó thu nhận qua các tháp cất, như rượu Bông Lúa, rượu Nàng Hương, rượu Đế, rượu Vodka… Rượu mùi là rượu pha chế từ cồn ethylic, đường kính, acide citrique với các chất tạo màu và tạo mùi.

Ở nước ta, ngoài rượu vang, còn có rất nhiều loại rượu cất ngon nổi tiếng như rượu làng Vân (Bắc Ninh), Nguyên Xá (Thái Bình), Trương Xá (Hưng Yên), Nga Mi (Hà Tây), Quảng Xá (Thanh Hoá), Bắc Hà (Lào Cai) và nhiều nơi khác. Mấy năm gần đây, lại xuất hiện nhiều loại rượu “dởm” như “rượu săm”, “rượu pha thuốc sâu”, “rượu pha phân đạm”… đã là nguyên nhân gây biết bao bệnh tật, thậm chí tử vong, ở không ít người nào vô phúc uống phải! Trừ rượu của nhà máy và một số nơi có truyền thống cất rượu lâu đời, còn phần lớn rượu chưng cất đều còn rất nhiều chất độc hại hoà tan như aldéhyde, butanol, metanol, phenol, histamin… vô cùng độc hại cho gan, thận, não, tụy, mắt…

Trên sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng, thường người ta hay nói đến tác hại của rượu. Nhưng thực ra, tác dụng của rượu cũng không phải là ít. Vậy thì chúng ta nên hiểu như thế nào? Theo chúng tôi, bản thân rượu không có tội. Điều cơ bản là dùng khi nào và liều lượng ra sao mà thôi: Nếu dùng đúng lúc, liều lượng phù hợp thì rượu sẽ là một thứ thuốc và thực phẩm quý, ngược lại, dùng không đúng lúc và quá liều lượng thì rượu sẽ có tác hại không thể lường hết được.

Trước hết, hãy nói về tác dụng của rượu. Trong xã hội loài người, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, không ở đâu là không có rượu. Rượu được dùng làm thực phẩm, làm thuốc, làm đồ lễ tế, được sử dụng trong những dịp lễ hội, những bữa tiệc tùng, cả những lúc vui, buồn. Rượu cũng là nguồn cảm hứng cho văn nghệ sĩ sáng tác nên những áng thơ văn bất hủ.

Trong y học, rượu có một tác dụng rất đáng kể. Nó luôn gắn liền với sự phát triển của nền y học phương Đông. Theo các tác giả Chung Dung, Tôn Văn Kỳ, Chu Quân Ba trong quyển sách Những toa rượu thuốc cổ truyền danh tiếng thì trong chữ Hán, từ “y” có chữ “dậu” (rượu) ở phía dưới. Đó là vì rượu có thể chữa được nhiều bệnh nên đã được thể hiện trong chữ tượng hình. Ngày xưa người ta cho rằng “rượu đứng đầu trăm thứ thuốc“. Trong các sách thuốc cổ, người ta cho rằng rượu có tác dụng “dẫn thuốc trừ độc khí“, “Thông huyết mạch, tán thấp khí“, “trừ phong, hạ khí“, “khai vị trợ tiêu hoá“, “ấm ruột và dạ dày, ngừa phong hàn“, “làm hết đau lưng, nhức mỏi“…

Từ thời xa xưa, khi chưa tìm ra thuốc mê và thuốc tê, khi cần phẫu thuật, các thầy thuốc thường cho bệnh nhân uống rượu say để họ không còn biết đau. Ông Lý Thời Trần, một danh y nổi tiếng đời Minh, đã viết: “Uống ít sẽ giúp điều hoà máu huyết, khí dễ lưu thông, tinh thần tráng kiện, phòng lạnh, xoá được buồn phiền, gây hưng phấn“. Chỉ riêng quyển sách chữa bệnh bằng thức ăn kết hợp với Trung Y, Trung Dược, các tác giả đã tuyển chọn tới 361 toa rượu thuốc giới thiệu với bạn đọc. Trong quyển sách Phòng và chữa bệnh bằng món ăn hàng ngày, ông Vương Thừa Ân đã viết: “Các tài liệu dược học cổ đều ghi: Rượu vị cay, thơm nồng tinh nóng, dùng ít thì giúp cho sức lực cường tráng (…). Tác dụng của rượu: hành huyết, khai uất, trừ phong. Trong bào chế, rượu dùng để tăng sức mạnh của các vị thuốc đi lên các bộ phận nửa trên cơ thể. Chế rượu vào thuốc để uống hay tẩm rượu vào thuốc để sao đều nhằm những mục đích đó“. Theo Hải Thượng Lãn Ông, một danh y của Việt Nam mà nhân dân ta ai cũng bíêt tiếng, thì “Rượu rất ôn, dùng để tẩm thuốc, uống ít để thông khí huyết“… Đó là những ưu điểm của rượu.

Nhưng đối với rượu, mặt nhược điểm mới thật là tai hại. Trước hết phải nói đến tác hại về mặt sức khoẻ. Có thể nói, rượu là kẻ thù của gan và não. Đối với gan, nếu uống rượu thường xuyên, các chất dự trữ của gan như glycogen bị tiêu huỷ, gan không thải độc được. Khi đó, không những gan không hoàn thành được nhiệm vụ thải độc của mình cho cơ thể mà bản thân gan sẽ bị nhiễm mỡ, các tế bào gan bị thoái hoá, xơ dần và xơ gan do rượu là tất yếu đối với người nghiện rượu nặng.

Tác động của rượu lên não thì bất kỳ ai cũng nhận ra: người nghiện rượu không thể tự kiềm chế, hay gây gổ, nói năng huyên thiên, đặc biệt tiểu não bị ngộ độc nên các hoạt động không chính xác, thậm chí có người say đến mức không thể chỉ ngón tay lên mũi của mình! Chính vì người say không tự chủ được, dễ “bốc đồng”, nên không biết bao nhiêu tai nạn xe cộ đã xảy ra. Rượu còn làm teo não, thoái hoá não, giảm trí thông minh. 

Rượu cũng làm viêm niêm mạc dạ dày, viêm ruột, rối loạn chuyển hoá, làm cho cơ thể kém hấp thu các chất muối khoáng gây thiếu các chất K, Na, Ca… nên cơ bắp teo nhỏ, nhẽo, sức co bóp của tim giảm, huyết áp thấp, xương xốp, dễ gãy… Rượu cũng cản trở việc hấp thu vitamin nên người nghiện rượu thường bị bệnh thiếu vitamin.

Rượu cũng là nguyên nhân gây nên nhiều trường hợp đột tử, vì sau khi uống rượu, mạch máu ngoại vi bị giãn nở, nếu gặp lạnh, mạch máu sẽ co lại đột ngột, bị vỡ và rất dễ xuất huyết não. Sau khi uống rượu, nếu gặp lạnh đột ngột cũng dễ rối loạn tuần hoàn, hạ huyết áp, có thể gây nên nhồi máu cơ tim. Nhiều người cho rằng uống nhiều rượu sẽ gây nên hưng phấn tình dục, tăng cường thế năng tình dục. Thật là sai lầm. Thật ra, khi đàn ông say rượu, khả năng kiềm chế bị yếu đi, họ dễ biểu hiện sự thô bạo và thậm chí tàn nhẫn khi mưu toan chiếm đoạt người phụ nữ. Tình trạng “cưỡng hiếp vợ” khi say rượu là khá phổ biến. Rượu cũng góp phần làm tăng tội hiếp dâm, nhất là hiếp dâm trẻ em – một tệ nạn đang bị dư luận xã hội lên án gay gắt. Nếu người đàn ông uống quá nhiều rượu, anh ta sẽ bị giảm sút khả năng tình dục và có khi bị tàn lụi, nói cách khác, dễ bị liệt dương.

Đối với người phụ nữ mang thai và thai nhi, rượu có một tác hại khó lường. Khi người phụ nữ mang thai mà uống rượu, rượu lưu chuyển trong máu người mẹ, thâm nhập qua nhau thai vào máu của con. Nếu chị ta nghiện rượu thì trong suốt thời kỳ mang thai, đứa con phải chịu những tác hại của rượu. Những đứa trẻ sơ sinh này khi chào đời, cơ thể đã có những tổn thương nặng nề. Nếu người mẹ cho con bú mà nghiện rượu thì con của họ thường ngủ rất say, nhưng nếu chị ta lại ngừng uống thì đứa bé lại bị kích thích, ngủ không yên, rượu đã trở thành một thứ ma tuý. Đối với nhân cách con người, tác hại của rượu đã quá rõ ràng. Vì rượu mà đã biết bao gia đình tan hoang, vợ bỏ chồng, cha lìa con.

Theo các nhà khoa học, trạng thái say rượu được chia làm 5 mức độ từ nhẹ đến nặng là: hơi say, hưng phấn, điên khùng, mất trí và say mềm, với hàm lượng cồn trong máu ứng với từ 0,1% đến 0,5%. Triệu chứng ngộ độc rượu nhẹ thì cảm thấy mặt và chân tay nóng bừng, hưng phấn, thích nói huyên thiên, hoạt động không tự chủ, nhức đầu, chóng mặt, ù tai, hơi thở sặc mùi rượu; nặng thì đau vùng thượng vị, buồn nôn hoặc nôn, nói lảm nhảm, điếc, rối loạn thị giác, ảo giác, mất cảm giác, lúc đầu đồng tử co, sau giãn, co giật, hạ thân nhiệt, trụy tim mạch, bán hôn mê hoặc hôn mê, nếu không cấp cứu kịp thời có thể chết. Khi bị say rượu, có thể dùng một số thứ “giã rượu” sau đây:

Uống nước ép cuống lá dong: Lấy Lá dong (loại để gói bánh chưng), ép cuống lá lấy nước cho uống.
– Uống dấm: dấm ăn: 50g, đường cát: 25g, gừng tươi: 3lát. Đun qua, cho uống.
Uống nước đậu xanh: lấy đậu xanh hãm nước sôi hoặc sắc qua, cho uống.
Uống nước mía ép hoặc ăn mía nếu người say rượu còn có thể tự ăn được.
Ăn dưa hấu: ăn dưa hấu nhiều lần cho đến khi tỉnh rượu.
Uống nước cam, quýt, chanh tươi: ép quả cam, quýt hay chanh tươi, cho uống.
Ngoài ra có thể ăn: khoai lang đỏ, trứng muối, hồng tươi, đậu phụ; uống nước rau muống, nước rau má…

Để chữa say rượu, trước đây, người ta thường cho bệnh nhân uống nước chè đặc hoặc cà phê nhiều lần cho đến khi hết say để lượng cồn trong cơ thể được thải ra ngoài theo đường tiết niệu. Nhưng gần đây, người ta nhận thấy khi cho lợi tiểu nhiều, chất aldéhyde trong rượu (lượng cồn thừa trong cơ thể sẽ tồn tại dưới dạng aldéhyde) làm cho thận bị kích thích mạnh nên “lợi bất cập hại” vì làm cho thận bị tổn thương./.

(Bài đã đăng ở Tạp chí Thế giới mới, Việt Nam)

COMMENTS