HomeBài viết khácBài viết chung về y tế

Sống độc thân đang là “mốt”? – BS Nguyễn Đức Kiệt

Sống độc thân

Sống độc thân

Có người cho rằng sống độc thân đang là một cái “mốt” của thời đại mới. Liệu có thật thế không? Tất nhiên sống độc thân hay sống có gia đình, đó là quyền lựa chọn của mỗi người, xã hội không nên can thiệp. Tuy chưa có những số liệu điều tra xã hội học một cách đầy đủ, toàn diện và chính xác, nhưng nhìn chung, sống độc thân đang là hiện tượng ngày càng phổ biến trên thế giới. Theo chúng tôi, muốn bàn về sống độc thân, trước hết ta phải thống nhất khái niệm như thế nào là sống độc thân, sau đó mới xem xét những nguyên nhân gì dẫn đến sống độc thân, cuộc sống của những người này ra sao, nghĩa là sống độc thân hạnh phúc hay bất hạnh? Để từ đó mỗi người có thể tự rút ra một kết luận là nên sống như thế nào?

Thế giới hiện nay người ta chia làm hai dạng: sống độc thân thực sự và sống độc thân có hoạt động tình dục. Loại thứ hai, tuy sống độc thân, nhưng họ có bạn tình, nhưng không đăng ký kết hôn. Thậm chí có khi có vài con với nhau họ mới đăng ký chính thức. Như vậy, tuy cùng gọi là “sống độc thân” nhưng có thể tạm gọi là “sống độc thân tương đối“, không phải “sống độc thân tuyệt đối” như chị em phụ nữ chúng ta.

Vậy thế nào là sống độc thân? Các bạn có thể trả lời ngay không cần suy nghĩ: “Có thế mà cũng phải hỏi. Tất nhiên sống độc thân là sống một mình” Vậy một phụ nữ không xây dựng gia đình riêng để chăm sóc bố mẹ già đã gần 80 tuổi, hiện nay người phụ nữ đó cũng đã gần 60, đang ở với cha mẹ, chị đó có được tính vào diện độc thân không? Dĩ nhiên là có. Như vậy, rõ ràng một người đang sống với gia đình, nhưng lại vẫn gọi là sống độc thân. Lại nữa, một người phụ nữ không lấy chồng nhưng lại có một con, vậy chị ta có thuộc diện sống độc thân không? Rồi một người đàn ông có vợ con ở quê, chỉ mình anh ta ra Hà Nội với một căn phòng riêng, một quyển sổ hộ khẩu riêng với cái tên “Sổ hộ khẩu độc thân” Vậy đó có phải là sống độc thân không? Xem ra câu hỏi tưởng như đơn giản, nhưng để trả lời được, lại không đơn giản chút nào. Ở đây chúng tôi không dám đi vào định nghĩa, mà chỉ muốn cùng nhau thống nhất một khái niệm về mặt xã hội học. Theo các nhà ngôn ngữ học, thì sống độc thân ít nhất có hai cách hiểu :

(1)- Không lập gia đình,

(2)- Chỉ sống một mình, không sống cùng gia đình.

Nhưng vấn đề ở đây chúng tôi muốn đề cập chỉ nằm trong phạm trù thứ nhất, nghĩa là không lập gia đình, mà không muốn nói đến vấn đề thứ hai. Vậy những nguyên nhân gì dẫn đến việc một số người lại sống độc thân, không lập gia đình? Có thể kể ra đây “một nghìn lẻ một” nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân chính thường là: Do chuyên tâm đến công việc, nhất là công việc khoa học, mà sao nhãng việc riêng tư, do hiếu thảo với bố mẹ, thương anh chị em do hoàn cảnh xô đẩy hay gặp những hoàn cảnh éo le như đi công nhân lâm nghiệp, đi thanh niên xung phong v.v…

Chị Nguyễn Thị T., là một người trong những người như thế. Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, chị rất ham học và học hành rất thông minh. Bố chị sớm giác ngộ cách mạng, theo Đảng tham gia kháng chiến từ những ngày đầu khởi nghĩa và trở thành một nhân vật quan trọng của Nhà nước. Ngay từ nhỏ chị đã được cơ quan của cha cho đi học nước ngoài – Quế Lâm, Trung Quốc. Sau khi học hết phổ thông, chị lại được cử đi học tiếp đại học ở Liên Xô. Về nước dạy học ở  một trường đại học chưa được bao lâu, chị lại được đi học nghiên cứu sinh tiếp ở Liên Xô để bảo vệ luận án Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ chuyên ngành). Rồi đất nước “đổi mới”, “mở cửa” chị lại được đi học thêm tiếng Anh ở Philipin để rồi đi học cao học thêm một chuyên ngành ở Úc. Cuộc đời của chị là một chuỗi dài những ngày học tập. Ý thức được truyền thống gia đình của mình nên chị chẳng thấy ai lọt vào mắt xanh. Bởi vì phần lớn bạn bè của chị đều xuất thân từ nông dân, chân lấm tay bùn, bố mẹ họ tuy hăng hái đánh giặc, nhưng vốn liếng học hành, chữ nghĩa chẳng đáng là bao. Đã thế, phong cách giao tiếp, ứng xử của họ rất “nông dân”, tuy rất thật thà, chân chất. Chị thấy chẳng có ai hợp được với mình. Mà chị lại là một “bông hồng rực rỡ”, học hành lại rất thông minh, bao giờ cũng không chịu đứng thứ hai trong lớp, thành thử các chàng “quân tử” luôn luôn thấy “chờn”. Họ tự nhủ: Hoa hồng đẹp, nhưng coi chừng, kẻo gai nhọn đâm nát da, nát thịt! Với một nhan sắc trời phú như vậy, với một trí thông minh sắc sảo như vậy, với một nghề nghiệp cao quý và ổn định như vậy v.v… thế nào chị chả kiếm được một tấm chồng xứng đáng, chị nghĩ. Nhưng rồi tuổi xuân trôi đi quá nhanh, song nhiều tham vọng và ước muốn chị đều đã đạt được: Phó giáo sư, Tiến sĩ, Giảng viên chính ở một trường đại học lớn, biết 3 ngoại ngữ thành thạo, có bằng cấp của ta, bằng cấp của Tây, đủ cả học hàm, học vị, cả nhà cửa, xe máy, tivi, tủ lạnh… thôi thì chẳng thiếu thứ gì…  chỉ thiếu tình cảm lứa đôi. Đôi lúc chị cũng cảm thấy buồn, nhưng chỉ là thoáng qua thôi, vì công việc luôn cuốn hút và đặc biệt là chị luôn luôn được mọi người tôn trọng và quý mến. Bây giờ chị mới nhận ra rằng thế là mình sẽ chẳng bao giờ có thể trở thành người mẹ được nữa. Thôi thì mỗi người một mục đích: Người vì gia đình, con cái, người vì sự nghiệp, tiền đồ. Chị cũng chẳng thấy lẻ loi cho lắm, vì bạn bè sống độc thân như chị không phải là ít. Và điều quan trọng là chị thấy, tuy rằng đôi lúc có buồn, nhưng đổi lại, chị lại được tự do, cái mà người có học như chị cảm thấy là điều quan trọng nhất.

Cô giáo Phạm Thị Ch., lại khác. Xuất thân từ một gia đình nông dân, cô được cha mẹ nuôi cho ăn học trở thành bác sĩ. Vì học giỏi nên học xong, cô được giữ lại ở trường làm giáo viên giảng dạy. Hai anh trai cô đi bộ đội và cả hai đã anh dũng hy sinh trong chiến trường B. Cô phải thay hai anh chăm sóc bố mẹ già. Là con út, nhưng cô rất đảm đang, cô có thể làm những công việc của đàn ông chẳng kém gì một người nam giới: bổ củi, gánh nước, sửa xe, chữa điện, lợp nhà… Các cụ có cô con gái là bác sĩ nên sức khoẻ được chăm sóc đến nơi đến chốn, mới đây một cụ mới quy tiên, còn lại cụ bà thọ ngoài tám mươi. Còn cô, cũng đã xấp xỉ năm mươi. Cô vẫn ở vậy, vì không nỡ bỏ bố mẹ sống cô quạnh để hưởng hạnh phúc cho riêng mình. Ai cũng khen cô là người con hiếu thảo. Nhưng để được tiếng khen ấy cô đã đổi cả tuổi xuân của cuộc đời mình! Nhiều lúc cô buồn lắm. Vốn là một người rất yêu quý trẻ con, cô mong có một đứa con để sau này trông cậy khi về già. Nhưng mơ ước ấy của cô không còn bao giờ đạt được, vì nay cô đã hết tuổi sinh nở mất rồi. Bố mẹ cô nhiều lần khuyên con gái đi lấy chồng, cứ để các cụ tự chăm sóc nhau cũng được, sau này sẽ có điều kiện đón bố mẹ về ở chung. Nhưng cô không nỡ. Lần nữa mãi, tuổi xuân đi qua lúc nào không biết, bây giờ thì cô hiểu. Người ta thường nói “trai ba mươi tuổi đang xoan, gái ba mươi tuổi đã toan về già”. Mà cô thì đã ngót năm mươi! Cô hiểu rằng cô đã sống có ích cho mọi người và là tự nguyện. Những người bạn trai trước kia yêu cô, nay tuy đã có gia đình nhưng cũng rất trân trọng, quý mến cô. Cô lo sợ cho tuổi già sắp tới. Rồi đây, khi về già, ai sẽ là người chăm sóc mình? Đôi lúc cô cảm thấy như ân hận. Nhưng rồi lại thấy như mình có lỗi, và vội vàng xua ngay đi cái ý nghĩ không mong mà tự nhiên đã đến. Chúng ta ai cũng trân trọng, yêu quý, thông cảm với những người con hiếu thảo như cô giáo Ch. Nhưng so với những người phụ nữ khác, cô đâu phải là người bất hạnh lớn nhất?

Hơn hai mươi năm trước, tôi có dịp lên lâm trường Thác Bà, điều tôi đau lòng nhất là phần lớn các cô gái căng đầy sức sống của những năm 1970 kia, nay đã là những người phụ nữ luống tuổi chưa chồng. Chị em biết lấy ai ở nơi thâm sơn cùng cốc ấy? Toàn bộ tuổi xuân của họ đã chôn vùi ở những cánh rừng. Trên hai phần ba chị em không lấy được chồng. Một số ít trong họ đã có một đến hai con, những đứa con không có bố chính thức! Biết tôi lên thăm chị gái, một số cô đã sang chơi. Thì ra các cô vẫn nhớ tôi. Các cô nói rằng ở chốn rừng xanh, núi đỏ này những sự kiện thoáng qua cũng trở thành kỷ niệm. Trong khi nói chuyện, tôi tỏ ra thông cảm với các cô. Một cô bảo:

– Biết làm sao được, số phận mà anh. Chúng em cũng không phải là những người duy nhất bất hạnh đâu anh ạ. Chị gái em đi thanh niên xung phong, không được khoẻ mạnh như em đâu, bị sốt rét ác tính suýt chết mấy lần, lại bị thương nay cũng chẳng lấy được ai. Hễ cứ trái nắng trở trời là lại rên rẩm như người thấp khớp. Mà ngay nông trường Tháng Mười bên cạnh đây cũng vậy, cũng toàn những cô ấy ế ẩm như chúng em. Công nhân hái chè mà. Mà lại còn mắc thêm bệnh nghề nghiệp nữa chứ!

Ngừng một lát, cô lại thêm, như nói với chính mình:

– Nhưng anh bảo sau chiến tranh, hàng mấy triệu thanh niên hy sinh, phụ nữ chúng em thừa không lấy được chồng là điều dễ hiểu. Em đã xem một bộ phim của Liên Xô “Câu chuyện đơn giản” cũng thế. Xét cho đến cùng thì cũng chỉ tại cuộc chiến tranh xâm lược mà thôi.

Tôi thực sự khâm phục các cô. Tôi hỏi:

– Sống thế này các cô có thấy buồn không?

– Tất nhiên là buồn rồi. Nhưng đâu phải là lỗi tại chúng em? Mà anh bảo buồn thì giải quyết được gì? Buồn hay không thì chúng em vẫn cứ phải sống, phải vượt lên trên tất cả. Chúng em lấy lao động làm vui, một số đứa bọn em chủ động xin đứa con để cho vui cửa vui nhà, sau này đỡ đần khi bọn em già yếu…

Qua mấy câu chuyện minh họa mà tôi cung cấp cho quý vị trên đây, theo quý vị, sống độc thân hạnh phúc hay bất hạnh? Và ta phải có thái độ ứng xử như thế nào với những người chịu thiệt thòi như vậy trong cuộc sống?

COMMENTS