HomeBài viết khácBài viết chung về y tế

Thuốc chữa bệnh thời mở cửa – BS Nguyễn Đức Kiệt

THUỐC CHỮA BỆNH THỜI MỞ CỬA – BS NGUYỄN ĐỨC KIỆT

Picture

Đông dược Phú Hà – Trong nền kinh tế thị trường, thuốc cũng là một hàng hoá nhưng là một hàng hoá đặc biệt; vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người; đặc biệt còn vì nó không được lựa chọn, không được mặc cả, không thể thuận mua vừa bán mà phải phụ thuộc vào sự chỉ định của thầy thuốc và nhiều khi trước cái sống và cái chết, người ta có thể chấp nhận mua bằng bất cứ giá nào…

Từ năm 1986, với chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước, đất nước ta đã chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong nền kinh tế thị trường, thuốc cũng là một hàng hoá, nhưng là một hàng hoá đặc biệt. Nó đặc biệt vì ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và tính mạng con người, vì nó phụ thuộc vào sự chỉ định của thầy thuốc và nhiều khi trước cái sống và cái chết, người ta có thể chấp nhận mua bằng bất cứ giá nào. Nghĩa là “hàng hoá thuốc” không chỉ phụ thuộc vào người sử dụng mà đôi khi vào cả người cung ứng. Nhưng là hàng hoá nên nó có hai thuộc tính cơ bản như các hàng hoá khác; giá trị và giá trị sử dụng. Và trong nền kinh tế thị trường thuốc cũng bị quy luật giá trị, quy  luật cung cầu chi phối như các hàng hoá khác. Nền kinh tế thay đổi kéo theo sự thay đổi cả các khâu sản xuất, cung ứng và sử dụng.

Trước hết ta hãy xét về mặt sản xuất thuốc. Trước đây, thuốc là mặt hàng bao cấp hoàn toàn nên trong sản xuất, nhà thuốc luôn luôn được bù lỗ. Nhưng nay mọi việc đã đổi thay. Tuy nhiên, do là “hàng hoá đặc biệt” nên có những mặt hàng thuộc loại thuốc thiết yếu, thuốc tối cần, tuy lãi suất rất thấp, nhưng do yêu cầu của nhà nước, các nhà sản xuất vẫn phải bảo đảm sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Thật bất công khi một bao thuốc lá giá 6000đồng thì 100 viên vitamin B1 chỉ có 800 đồng, 100 viên becberin chỉ có 300 đồng! Nhưng quy trình làm Vitamin B1 hay Becberin đòi hỏi nghiêm ngặt hơn rất nhiều so với sản xuất thuốc lá. Nếu để cho các nhà sản xuất tự do lựa chọn, có lẽ sẽ không ai sản xuất Vitamin B1 hay Becberin cả. Để đảm bảo đời sống cho cán bộ công nhân viên chức, các nhà sản xuất phải nghiên cứu sản xuất những mặt hàng khác có lãi nhiều hơn như rượu thuốc, thuốc bổ dưỡng… để bù vào những loại thuốc như Vitamin B1 hay Becberin. Như vậy việc đầu tiên nhà nước phải can thiệp trong nền kinh tế hàng hoá, chính là điều tiết các mặt hàng thuốc để luôn đủ những loại thuốc tối cần, thuốc thiết yếu mà giá cả chấp nhận được với những người dân nghèo hoặc trung bình. Đây quả là một sự khó khăn đối với các nhà sản xuất.

Còn việc cung ứng thuốc thì sao? Trước đây thuốc sản xuất ra theo kế hoạch, có đến đâu tiêu thụ hết nay đến đấy. Nhưng ngày nay “đầu ra” mỗi cơ sở sản xuất phải tự lo. Trong phân phối, khâu quảng cáo là rất quan trọng. Các hãng lớn, nhất là các hãng thuốc nước ngoài, bao bì đẹp, hấp dẫn, họ có tiềm lực mạnh nên thường thuê một đội ngũ cán bộ trẻ làm “trình dược viên” (người giới thiệu thuốc) đến từng phòng khám bệnh, gặp từng thầy thuốc tư để giới thiệu thuốc, thậm chí còn biếu cả thuốc mẫu và bồi dưỡng cho bác sĩ kê đơn theo tỷ lệ phần trăm thuốc bán được theo đơn nên thuốc của họ bán khá chạy. Chỉ tính riêng thành phố Hồ Chí Minh đã có tới 159 trình dược viên đi giới thiệu và quảng cáo thuốc. Cũng như các hàng hoá khác, quảng cáo thuốc cũng có tác dụng rất nhiều nhưng cũng rất tốn kém.

Vừa qua Trung tâm Nhân lực y tế – Bộ y tế đã tiến hành  một cuộc nghiên cứu về quảng cáo thuốc theo tiêu chuẩn đạo đức của Tổ chức y tế thế giới do thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Chúc chủ trì, đã phát hiện ra khá nhiều vấn đề lý thú. Kết quả nghiên cứu được đánh giá bằng cho điểm: 5 điểm là hoàn hảo, 4 điểm là đạt tiêu chuẩn, 3 điểm là gần đạt được các chỉ tiêu đề ra, 2 điểm là thiếu nhiều thông tin hoặc có những thông tin sai lạc và 1 điểm là phạm luật hoặc quảng cáo cho cộng đồng cả những thuốc phải có đơn của thầy thuốc. Kết quả cho thấy quảng cáo tại các hiệu thuốc số được 1 điểm và 2 điểm chiếm tới 73,9%, còn quảng cáo trên đài, trên tivi còn nghiêm trọng hơn 1 điểm và 2 điểm chiêm tới 77,3%(!). Cũng số liệu điều tra còn cho thấy số lần quảng cáo cho các sản phẩm xuyên quốc gia chiếm tới 88,2%, còn thuốc nội địa chỉ chiếm có 11,8%. Như vậy thuốc của ta sản xuất không hẳn là không tốt, mà có lẽ là do ít quảng cáo mà thôi. Tần số các thuốc được quảng cáo nhiều lần là các thuốc giảm đau, chống viêm, hạ nhiệt (15,1%), kháng sinh (14,3%) rồi đến vitamin (10,2%). Quảng cáo cũng làm cho thuốc bán được rất nhiều. Có những thứ thuốc bên Thái Lan bán không chạy, họ nhập sang ta, đồng thời nhập luôn cả cuốn băng quảng cáo, chỉ thêm có phần tiếng Việt. Sau một đêm quảng cáo, hôm sau lượng thuốc bán được nhiều gấp hàng chục lần hôm trước. Quảng cáo cũng sai với tiêu chuẩn quy định rất nhiều, có tới 28,3% các nhà sản xuất và phân phối thuốc chỉ quảng cáo tên biệt dược (tên khác) mà bỏ đi tên gốc. Thí dụ các thuốc Tiffi, Decolgen, Panadol đều là biệt dược của Paracetamon. Paracetamon là một loại thuốc giảm đau, hạ nhiệt rất sẵn, rất thông dụng, và rất rẻ do các xí nghiệp của ta sản xuất, tác dụng như ba thứ thuốc trên, nhưng nhân dân ta lại không mua mà đổ xô vào mua Tiffi, Decolgen, Panadol vì nghe quảng cáo nên tưởng rằng đó là thuốc thần dược (!). Vẫn còn 15,4% quảng cáo các loại thuốc chưa có số đăng ký.

Trong nền kinh tế thị trường, ở đâu có nhu cầu thì ở đấy có sự đáp ứng. Vì vậy mà các hiệu thuốc, nhà thuốc xuất hiện khắp nơi với nhiều hình thức rất phong phú. Một nghiên cứu khác cho thấy sự phân bố các hiệu thuốc không đồng đều, nhiều ở nội thành, còn ngoại thành có rất ít. Thí dụ ở thành phố Hà Nội thì 88,9% hiệu thuốc ở nội thành, chỉ có 11,1% ở ngoại thành. Ngay trong nội thành cũng có nơi nhiều, nơi ít: nhiều nhất là khu Láng Hạ (trung tâm bán buôn lớn nhất của Hà Nội), phường Văn Miếu (có 35 nhà thuốc), phường Quốc Tử Giám (40 nhà thuốc), quận Hoàn  Kiếm (bình quân 45 nhà thuốc/km2)… hoặc ở thành phố Hồ Chí Minh thì tập trung ở trung tâm tân dược Phú Thọ (quận 10), khu Hai Bà Trưng (quận 1), khu An Lạc (huyện Bình Chánh). Tính đến tháng 6 năm 1995, riêng thành phố Hồ Chí Minh đã có tới 1053 nhà thuốc, 48 đại lý thuốc, 226 cửa hàng thuốc y học dân tộc và 32 cửa hàng y dụng cụ, đây là chưa kể các hiệu thuốc của các bệnh viện và phòng khám đa khoa khu vực dầy đặc trong thành phố.

Trong pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân đã quy định phải là dược sĩ mới được mở nhà thuốc và dược sĩ phải luôn có mặt ở cửa hàng khi bán thuốc, nhưng trên thực tế thì người không phải là dược sĩ bán thuốc không phải là ít, thậm chí cá biệt có dược sĩ chỉ đứng tên xin đăng ký còn để cho người khác bán thuốc. Số liệu điều tra cho thấy 350/787 (chiếm 44,4%) dược sĩ chủ nhà vắng mặt trong đó có 1345 dược sĩ là hưu trí và 207 dược sĩ đương chức. Điều đó chứng tỏ có thể có nhiều dược sĩ cho thuê bằng và dược sĩ đương chức cho thuê bằng nhiều hơn là dược sĩ hưu trí. Đối với đội ngũ thầy thuốc, họ vừa là người cung ứng, vừa là người sử dụng. Phần lớn các thầy thuốc khi kê đơn cho bệnh nhân đều tính toán xem thuốc nào công hiệu, rẻ tiền. Nhưng một số thầy thuốc thiếu lương tâm, luôn kê những loại thuốc đắt tiền để chứng tỏ mình là thầy thuốc cao tay hoặc bắt bệnh nhân phải mua thuốc ở một hiệu thuốc quen, dù giá có cao hơn nơi khác. Thậm chí có khi họ còn kê những loại thuốc không thật cần cho bệnh nhân. Đó chính là mặt trái của nền kinh tế thị trường. Qua điều tra cho thấy có tới 69,6% nhà thuốc, có bán thuốc độc A, B. Việc bán thuốc không có đơn là phổ biến trong toàn quốc. Ngược lại thầy thuốc khám bệnh, kèm theo bán thuốc cũng không phải là ít. Trong việc chữa bệnh, thường các loại thuốc càng mạnh thì các tác dụng phụ, nghĩa là tác hại kèm theo, càng nhiều. Thí dụ loại thuốc Corticoit (như Prednisolon, Dexamethazon…) chẳng hạn. Đó là loại thuốc chống viêm, chống dị ứng, mềm xơ rất mạnh dùng để chữa thấp khớp, hen suyễn, dị ứng… rất tốt, nhưng nó cũng dễ làm chảy máu dạ dày, tăng huyết áp gây ho ra máu (khi bệnh nhân lao) gây phù thũng… nên khi dùng phải hiểu rất đầy đủ và phải rất thận trọng. Vậy mà ngày nay khá nhiều thầy thuốc tư dùng kháng sinh kết hợp với corticoit coi như là một công thức chữa bệnh! Việc lạm dụng thuốc đã trở nên thông dụng. Một hiện tượng khác cũng khá phổ biến là rất nhiều nơi thầy giáo đã đổi ngôi thành thầy thuốc. Tất cả tình hình trên rất cần phải được chấn chỉnh.

Đối với người sử dụng cũng có nhiều vấn đề. Theo quan điểm mới thì có 4 lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ: tự chăm sóc, lĩnh vực dân chúng, lĩnh vực dân gian và lĩnh vực nghề nghiệp. Người ta nhận thấy rằng có 90% số người đau ốm được chăm sóc ngay tại cộng đồng. Nghĩa là vai trò tự chăm sóc và vai trò của cộng đồng là rất quan trọng. Những điều tra gần đây cho thấy khoảng 90% nhân dân tự đến mua thuốc không cần đơn. Như vậy trình độ dân trí và vấn đề quảng cáo sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự lựa chọn thuốc của người mua. Trong một cuộc điều tra dài ngày của trung tâm nhân lực y tế tại 4 xã ở Quảng Ninh do PTS Trương Việt Dũng và cộng sự tiến hành cho thấy, thuốc sử dụng ở xã thường là các kháng sinh (30%), các vitamin và thuốc bổ (23%), thuốc cảm cúm (18%) và các thuốc tây y khác (19%). Việc dùng kháng sinh không đúng liều lượng và không đúng thời gian là nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc hiện nay.

Có thể nói, trong nền kinh tế thị trường, người sản xuất, người cung ứng và người sử dụng thuốc đều bị tác động. Thuốc chữa bệnh trở thành một hàng hoá thông dụng. Việc dùng thuốc không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu bệnh tật mà còn phụ thuộc vào người sản xuất, việc quảng cáo, vào trình độ, quan điểm người thầy thuốc, và phụ thuộc vào sự lựa chọn của người dân. Trong việc lựa chọn thì quảng cáo thuốc chiếm một vị trí đặc biệt, vì có tới 90% người dân tự điều trị cho bản thân và gia đình mình khi ốm đau, trước khi phải đi khám thầy thuốc. Việc tăng cường quản lý nhà nước về y tế và nâng cao dân trí là hai yếu tố có tính quyết định trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong nền kinh tế thị trường./.

Hà Nội, 1994

COMMENTS