HomeBài thuốc Đông YBài thuốc và vị thuốc

Tìm hiểu An cung ngưu hoàng hoàn – BS Nguyễn Đức Kiệt

An cung ngưu hoàng hoàn

An cung ngưu hoàng hoàn

Đông dược Phú Hà Trong vài năm trở lại đây, tại Việt Nam, người ta tôn sùng một loại thuốc được cho là “cải tử hoàn sinh”, dùng để chữa đột quỵ, đặc biệt trong trường hợp tai biến mạch máu não, vì người ta cho rằng đó là một bài thuốc bí truyền, trong đó có Sừng Tê giác nên thuốc rất đắt và rất có hiệu quả, thậm chí uống có thể phòng được đột quỵ, đó là thuốc An cung ngưu hoàng hoàn. Vậy thực hư ra sao? An cung ngưu hoàng hoàn là gì? Thành phần bài thuốc như thế nào? Có đúng là trong đó có Sừng Tê giác không? Công dụng ra sao? Có thật thuốc có công hiệu như lời đồn đại không? 

Thực ra, sự thật không phải hoàn toàn như lời đồn đại. An cung ngưu hoàng hoàn là một bài thuốc cổ truyền của Trung Hoa, không phải là một bài thuốc bí truyền mà khá thông dụng, đã được ghi trong Dược điển Trung Quốc năm 1963 và tái bản có bổ sung vào năm 1988. Bài thuốc này đã được GS Vũ Văn Chuyên và DSCKII Trần Trung Nam tuyển chọn in trong cuốn “Những bài thuốc Y học cổ truyền Trung Hoa” do Nhà Xuấn bản Y học xuất bản và phát hành năm 1998.

Công thức. 

Bài thuốc An cung ngưu hoàng hoàn có công thức như sau:

– Ngưu hoàng (Calculus Bovis)                           100g
– Bột Sừng trâu đậm đặc
(Pulvis Cornus Bubali Concentratus)                 200g
– Thần sa (Cinnabaris)                                          100g
– Hùng hoàng (Realgar)                                        100g
– Hoàng liên (thân rễ – Rhizona Coptidis)       100g
– Hoàng cầm (Rễ – Radix Scutellariae)              100g
– Chi tử (Quả Dành dành–Fructus  Gardeniae)     100g
– Uất kim (Rễ – Radis Curcumae)                        100g
– Xạ hương (Moschus)                                           25g
– Trân châu (Margarita)                                         50g
– Băng phiến tổng hợp (Borneolum Syntheticum)  25g

Công năng và tác dụng của những vị thuốc trong bài thuốc như sau:

– Ngưu hoàng (Calculus Bovis): Ngưu hoàng thiên nhiên là sỏi mật của con trâu (hay bò) bị bệnh sỏi mật. Theo Đông y, Ngưu hoàng có vị đắng, tính bình, hơi có độc, vào hai kinh Tâm và Can, có tác dụng thanh tâm giải độc, chữa hồi hộp, khai đởm, dùng trong bệnh nhiệt quá hóa cuồng, thần trí hôn mê, trúng phong bất tỉnh, cổ họng sưng đau, ung thư, đinh nhọt. Người không bị nhiệt và phụ nữ có thai không dùng được. Hiện nay người ta thường dùng Ngưu hoàng tổng hợp vì có giá thành rẻ hơn nhiều.

–  Bột Sừng trâu: Theo Đông y, Sừng trâu chữa sốt cao, phát cuồng, ho, viêm họng; Sừng trâu phối hợp với các vị khác chữa liệt dương, đau ngang lưng, đi tiểu nhiều, đại tiện ra máu, băng huyết, hành kinh ra máu cục; bệnh tâm thần phân liệt, kinh phong ở trẻ em… Ngày nay người ta dùng sừng Trâu để thay sừng Tê giác vì qua nghiên cứu cho thấy tác dụng chữa bệnh của sừng Trâu cũng tương tự như sừng Tê giác.

– Thần sa (Cinnabaris) Thần sa (và Chu sa) là sulfur thủy ngân thiên nhiên. Theo Đông y, Thần sa vị ngọt, hơi hàn, vào kinh Tâm, có tác dụng yên hồn phách, định kinh giản, sáng mắt, giải độc, chữa các chứng gân thịt co giật và bệnh giang mai mới phát. Trong Đông y, Thần sa được dùng làm thuốc trấn tĩnh, an thần, chữa hoảng hốt, mất ngủ, ngủ hay mê, giật mình hoảng sợ, trẻ con hay khóc đêm. Thần sa được dùng trong mọi bệnh của ngũ tạng, làm thông huyết mạch, hết phiền muộn, ích tinh thần, trừ độc khí trong bụng và trừ ghẻ lở. Người không thực nhiệt không được dùng.

– Hùng hoàng (Realgar), còn có tên là Thạch hoàng, Hùng tín, Hoàng kim thạch, là một khoáng chất thiên nhiên, có thành phần chủ yếu là asen sulfur (AsS). Theo Đông y, Hùng hoàng có vị đắng, hơi cay, tính ôn, có độc, vào hai kinh Can và Vị, có năng lực thẩm thấp, sát trùng, giải độc, chữa ghẻ, chữa đau mắt, tràng nhạc, sốt rét, thịt mọc trong mũi, trừ nọc rắn, nọc giang mai, trừ đờm… Dùng bôi ngoài chữa mụn nhọt, ghẻ lở, rắn rết cắn, nhất là rắn độc cắn, chữa lông mày rụng, chảy mủ tai, cam tẩu mã…

– Hoàng liên (thân rễ – Rhizona Coptidis). Theo Đông y, Hoàng liên vị đắng, tính hàn, vào 5 kinh: Tâm, Can, Vị, Đởm và Đại tràng, có tác dụng tả hỏa, tán thấp, giải độc, chữa sốt, tả lỵ, tâm phiền, nôn ra máu, tiêu khát, đau mắt đỏ, loét miệng, ngộ độc do Ba đậu, Khinh phấn. Còn dùng cho bệnh nhân huyết ít, huyết hư, tỳ vị hư nhược. Cấm dùng cho trẻ em đang bị lên đậu, tiêu chảy.

– Hoàng cầm (Rễ – Radix Scutellariae) Theo Đông y, Hoàng cầm vị đắng, tính hàn, vào 5 kinh: Tâm, Phế, Can, Đởm và Đại tràng, có tác dụng tả phế hỏa, thanh thấp nhiệt, dùng chữa hàn nhiệt vãng lai (lúc nóng, lúc rét) phế nhiệt sinh ho, tả lỵ đau bụng, thấp nhiệt da vàng, tả lỵ đau bụng, nhức đầu, mắt đỏ, đau, động thai…

– Chi tử (Quả Dành dành – Fructus  Gardeniae) Theo Đông y, Chi tử có vị đắng, tính hàn, vào 3 kinh là Tâm, Phế và Tam tiêu, có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, lợi tiểu, cầm máu, dùng trong các bệnh: Sốt, người bồn chồn, khó ngủ, miệng khát, họng đau, mắt đỏ, da vàng, tiểu tiện khó khăn, thổ huyết, máu cam, đi lỵ ra máu, tiểu tiện ra máu…

– Uất kim (Rễ Nghệ con – Radis Curcumae) Theo Đông y, Uất kim có vị cay, đắng, tính ôn, vào hai kinh Can và Tỳ, có tác dụng phá ác huyết, huyết tích, chữa sạm da, chữa đau dạ dày, vàng da, phụ nữ đau bụng sau sinh nở, chảy máu cam, dùng làm cao dán nhọt…

–  Xạ hương (Moschus) là con vật có chân ngắn, mõm tròn, nhỏ hơn con Hoẵng, còn có tên là Nguyên thốn hương, Lạp tử, Hươu xạ, Sóc đất. Xạ hương là một loại xạ rất thơm, chứa trong túi xạ của con đực  Hươu xạ trưởng thành. Theo Đông y, Xạ hương có vị cay, tính ôn, không độc, vào cả 12 đường kinh, có tác dụng thông khiếu, thông kinh lạc, làm sạch uế, đuổi tà, là thuốc hồi sinh, trừ trùng độc, dùng trong các trường hợp đau bụng, phụ nữ khó đẻ, trúng phong hôn mê, điên cuồng, ngực đau thắt, dùng ngoài làm tiêu ung thư, sang thũng, làm thuốc trấn kinh, chữa suy nhược thần kinh, trúng phong, choáng váng, đau mắt, cam tẩu mã… . Phụ nữ có thai cấm dùng.

– Trân châu (Margarita) còn có tên Ngọc trai, Bạng châu. Theo Đông y, Trân châu có vị ngọt mặn, tính hàn, vào hai kinh Tâm và Can, có tác dụng thanh nhiệt, tư âm, trấn tâm, an thần, trừ đờm, định quý, sáng mắt, giải độc, dùng chữa phiền nhiệt, giật mình, họng đau, mắt đỏ, có màng mộng, làm tiêu khát… Người không thực nhiệt, tả nhiệt, không được dùng.

– Băng phiến tổng hợp (Borneolum Syntheticum) Là Mai hoa băng phiến, trưng cất từ cây Đại bi hay các cây có “mai hoa băng phiến” khác như cây Long não… (Chú ý: Băng phiến nói đây không phải loại “băng phiến” dùng để xua đuổi côn trùng trong tủ quần áo). Theo Đông y, Băng phiến vị cay, đắng, hơi lạnh, không độc, vào 3 kinh Phế, Tâm và Can, có tác dụng thông các khiếu, tan uất hỏa, làm tan màng mắt, sáng mắt, chữa đau bụng, đau ngực, ho lâu ngày, ngạt mũi, đau cổ họng, đau mắt, cảm gió, đau răng, cấm khẩu, dùng bôi ngoài chữa mụn nhọt, lở loét. Tuyệt đối khống uống băng phiến cùng với rượu vì sẽ bị ngộ độc.

Tác dụng An cung ngưu hoàng hoàn:

Theo quyển sách Những bài thuốc Y học cổ truyền Trung Hoa, An cung ngưu hoàng hoàn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giảm co giật, thúc đẩy phục hồi ý thức, dùng để chữa sốt cao kèm theo hôn mê và co giật trong bệnh viêm não, viêm màng não, bệnh não độc, bệnh chảy máu não và bệnh nhiễm trùng huyết.

Liều dùng: 

Thuốc được đóng thành viên hoàn, mỗi viên có 1,6g. Hộp đóng 1 hoặc 2 viên. Người lớn uống 1 viên/ ngày, làm 1 lần. Trẻ em dưới 3 tuổi uống 1/4 viên; trẻ 4 – 6 tuổi uống 1/2 viên. Uống 3 ngày liền. Có thể dùng 5 ngày dưới sự giám sát hoặc theo chỉ định của bác sỹ.
Chống chỉ định: Không dùng cho người thể hàn, dương hư, tỳ vị hư hàn, bệnh nhân bị bất tỉnh do hạ thân nhiệt, không dùng cho phụ nữ có thai (vì chế phẩm có chứa xạ hương nên có thể ảnh hưởng đến thai nhi).Như vậy, thực chất trong An cung ngưu hoàng hoàn không hề có vị Sừng Tê giác như một số người vẫn tưởng, mà chỉ là sừng Trâu. Tất nhiên, bài thuốc này có nhiều vị có tác dụng chữa bệnh rất mạnh và cũng nhiều vị khá đắt tiền. Nhưng trong phần tác dụng của thuốc, chưa thấy tài liệu nào nói có thể phòng được đột quỵ mà chỉ là chữa sau khi đã bị tai biến mạch máu não và cũng phải uống sớm, 6 giờ sau khi bị tai biến thì tác dụng mới tốt, càng để lâu, tác dụng càng giảm. Và thuốc chỉ bảo quản trong điều kiện bình thường là 60 tháng (5 năm), nếu để lâu hơn sẽ hết hạn sử dụng nên một số người nếu mua để dành quá lâu sẽ phải đổi thuốc.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại An cung ngưu hoàng hoàn khác nhau do các cơ sở sản xuất khác nhau, cả của Trung Quốc và Hàn Quốc với giá cả cũng rất khác nhau. Trong thành phần bài thuốc, có nhiều vị rất quý hiếm và đắt tiền như Ngưu hoàng, Hoàng liên, Xạ hương và Ngọc trai (Trân châu), liệu có bảo đảm tất cả các cơ sở đều dùng đúng những vị thuốc như trên hay lại thay thế bằng những vị thuốc khác? Nếu vậy thì giá thành sẽ rẻ, nhưng tác dụng sẽ giảm đi rất nhiều so với thuốc dùng đúng các thành phần theo Dược điển. Vì thuốc vừa đắt tiền, vừa có nhiều tác dụng phụ, chỉ chữa được một số bệnh nhất định, không phải là thuốc “cải tử hoàn sinh”, không có tác dụng phòng bệnh nên người dùng cần thận trọng mua kẻo vừa tốn tiền, vừa không mang lại kết quả như mong muốn./.

COMMENTS