Đông dược Phú Hà – Bệnh phong, còn gọi là bệnh hủi, bệnh cùi, từng bị coi là bệnh đứng hàng đầu trong “tứ chứng nan y” (Phong, Lao, Cổ, Lại, tứ chứng nan y). Khắp nơi trên thế giới đã có không biết bao nhiêu câu chuyện thương tâm về người bị căn bệnh khốn khổ này. Trước đây người ta cho rằng người mắc bệnh phong là do bị Chúa trời trừng phạt (!). Vì chưa có phương pháp phòng bệnh và chữa bệnh hữu hiệu nên biện pháp chính để tránh lây lan là cách ly, cách ly cưỡng bức một cách triệt để.
Năm 1873, sau khi tìm ra trực khuẩn Hansen là nguyên nhân gây bệnh, quan niệm về căn bệnh quái ác này đã được thay đổi một bước quan trọng. Tuy nhiên, việc phòng bệnh, chữa bệnh, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vì người ta chưa tìm ra vác xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu là Sunfon (tức DDS, được tìm ra năm 1942), càng ngày càng bị vi khuẩn kháng lại.
Sau Hội nghị chống phong quốc tế lần thứ 8 năm 1963, thế giới mới nhất trí bỏ cách ly bệnh nhân và đưa bệnh nhân về điều trị tại cộng đồng. Nhưng chỉ từ năm 1981 trở lại đây, do Tổ chức Y tế thế giới đưa ra một phương pháp điều trị kết hợp (đa hoá trị liệu) nên kết quả mới tiến bộ rõ rệt.
Đến nay, trên thế giới đã có 5,6 triệu bệnh nhân phong được chữa khỏi. Nhưng số bệnh nhân chưa được điều trị vẫn còn không phải là ít. Ước tính có khoảng 2,4 triệu người mắc bệnh phong vẫn chưa được phát hiện. Tỷ lệ bệnh lưu hành trung bình là 4,5 phần vạn. Đặc biệt số người tàn phế do di chứng của bệnh phong lên đến gần 3 triệu người. Chính những di chứng nặng nề của bệnh phong đã là nỗi kinh hoàng của nhân loại từ xưa đến nay, không chỉ về phương diện y tế mà cả về mặt xã hội.
Hội nghị quốc tế về thanh toán bệnh phong được tổ chức tại Hà Nội tháng 7 – 1994 đã ra “Tuyên ngôn Hà Nội”, trong đó đề ra mục tiêu loại trừ bệnh phong ra khỏi khu vực y tế công cộng vào năm 2000, tức là hạ tỷ lệ lưu hành của bệnh từ 4, 5 phần vạn năm 1994 xuống còn 1 phần vạn vào năm 2000.
Ở nước ta, trước năm 1981, ước tính có khoảng 10 – 12 vạn bệnh nhân phong, 4 đến 5 vạn bệnh nhân bị tàn phế. Do thuốc điều trị đặc hiệu chỉ là Sunfon nên tỷ lệ kháng thuốc, lây lan và tàn phế vẫn còn cao. Từ năm 1981 trở lại đây, do chúng ta đã “xã hội hoá” công tác phòng chống phong và áp dụng “đa hoá trị liệu” trong chữa bệnh nên đã chữa khỏi cho 29.713 bệnh nhân, giảm tỷ lệ lưu hành bệnh từ 21 phần vạn (năm 1981) xuống còn 5 phần vạn (năm 1993).
Song việc phòng chống điều trị bệnh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn vì tính xã hôi phức tạp của bệnh. Những vùng kinh tế khó khăn, phương tiện giao thông không thuận tiện, vệ sinh môi trường kém, có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn rất nhiều so với những vùng đồng bằng và thành thị. Số liệu điều tra của Viện da liễu Việt Nam cho thấy, tính đến 30 – 6 – 1994, trong khi ở 37 tỉnh đồng bằng, tỷ lệ bệnh lưu hành chỉ là 5 phần vạn thì ở 12 tỉnh miền núi tỷ lệ này tăng gấp hai lần (10 phần vạn), đặc biệt 4 tỉnh Tây Nguyên tỷ lệ mắc bệnh rất cao, tới 70 phần vạn nghĩa là gấp 14 lần các tỉnh đồng bằng. Cũng theo số liệu nói trên, số người mắc bệnh hiện nay ước tính tới 39.300 người, trong đó số bệnh nhân đang được điều trị chỉ có 8.706 người, còn tới trên 30.700 người cần phải khám, phát hiện. Nghĩa là số đã được khám, phát hiện chỉ mới bằng khoảng 1/4 số người đang mắc mà thôi.
Bệnh phong lây từ người bệnh sang người lành qua tiếp xúc trực tiếp hoặc những dịch tiết như nước mũi… Vi khuẩn Hansen không có khả năng sống lâu ngoài cơ thể con người. Bệnh phong là một bệnh tiến triển rất chậm nhưng điều trị cũng đòi hỏi phải lâu dài. Tuy khoa học gần đây đã chỉ ra rằng bệnh phong là một căn bệnh khó lây, và nếu được điều trị tích cực thì chỉ vài tháng sau người bệnh sẽ không còn là nguồn lây nguy hiểm nữa, song, dù sao nó vẫn là một bệnh truyền nhiễm và còn nhiều người chưa được khám phát hiện và điều trị kịp thời, nên giai đoạn bệnh lây lan mạnh nhất thì người bệnh vẫn sống chung trong cộng đồng. Đây là những nguồn lây nguy hiểm. Rất tiếc, cho đến nay người ta vẫn chưa tìm ra được vắcxin phòng bệnh đặc hiệu. Muốn phòng bệnh chúng ta chỉ còn cách là khám, phát hiện để chữa bệnh kịp thời, chữa lâu dài và ăn sạch, ở sạch. Một số nơi nhân dân có câu “Bệnh phong lùi trước xà phòng” nghĩa là nếu ăn ở sạch sẽ thì sẽ không bị bệnh.
Không ít thì nhiều, bệnh truyền nhiễm nào cũng đều nguy hiểm, vì nó lây lan từ người này sang người khác, từ cộng đồng này sang cộng đồng khác làm kiệt quệ sức lực của con người và làm giảm khả năng lao động, nhiều khi gây tử vong hàng loạt. Tuy không gây thành dịch lớn và không làm chết nhiều người như những bệnh truyền nhiễm khác, nhưng về mặt nào đó, bệnh phong lại còn nguy hiểm không kém, cả về phương diện y tế lẫn phương diện xã hội. Có lẽ ngoài AIDS ra, không một căn bệnh nào lại bị xã hội ghê sợ như bệnh phong. Người ta đã gắn cho những người bị bệnh này không biết bao nhiêu điều xấu xa, ghê tởm như bẩn như hủi, lười như hủi, xấu như hủi, v.v…
Nguyên nhân làm cho loài người ghê sợ căn bệnh này không phải là bản thân căn bệnh mà chính là những di chứng nặng nề của nó. Trực khuẩn Hansen có đặc điểm là ái tính thần kinh, nó làm tổn thương không hồi phục các dây thần kinh ngoại biên, nhất là các vùng chân, tay và mặt làm cho các vùng này bị mất cảm giác và liệt vận động. Do liệt vận động nên gây co quắp các ngón chân, ngón tay. Liệt cơ khép mi mắt gây chứng hở mi mắt làm cho khô mắt, đồng thời bụi và các sinh vật nhỏ bay vào mắt gây nhiễm khuẩn mắt, rất dễ mù loà. Do mất cảm giác nên người bệnh không biết đau khi bị bỏng, bị gai sắc, vật nhọn đâm vào, nên rất hay bị các vết thương thứ phát như bỏng, các vết xây sát, chín mé, viêm nhiễm… làm ngón chân, ngón tay bị lở loét thường xuyên, có thể viêm xương, thậm chí bị rụng từng đốt ngón chân, ngón tay làm bàn chân, bàn tay biến dạng.
Bệnh càng chữa muộn thì tàn phế càng nhiều. Hậu quả là người bệnh mất dần khả năng lao động làm cho xã hội phải gánh chịu hậu quả. Muốn lao động sản xuất được, người bệnh cần phải được đi loại giầy dép đặc biệt, phải được phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng lao động. Họ phải có giầy riêng, dụng cụ lao động riêng.
Nước ta có tới 5 vạn người bị tàn tật do bệnh phong, trong đó phần lớn chưa được phục hồi chức năng lao động, cuộc sống của những người bệnh đó rất khó khăn. Trong nền kinh tế thị trường, ngay người lành cuộc sống cũng không dễ dàng gì nói chi đến người tàn tật. Đã vậy, khi bị bệnh, họ bị xã hội, bạn bè, người thân, thậm chí cả gia đình xa lánh, ruồng bỏ nên cuộc sống của những người bị bệnh phong lại càng khổ sở.
Nhà nước và ngành y tế nước ta luôn luôn quan tâm đến bệnh phong, tạo điều kiện tối đa cho những bệnh nhân này. Nhưng bệnh phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế của đất nước và mức sống của nhân dân. Kể từ năm 1995, Nhà nước ta đã cho thành lập Chương trình quốc gia phòng chống bệnh phong với nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Nhưng đây là một bệnh xã hội, chỉ riêng ngành Y tế không làm nổi mà cần phải có sự tham gia của tất cả các cấp, các ngành và đặc biệt là sự hiểu biết của mỗi người dân về phòng bệnh, tự phát hiện để được chữa kịp thời, ngăn chặn tàn phế.
Triệu chứng sớm chủ yếu của bệnh phong là những rối loạn sắc tố trên da có kèm theo mất cảm giác đau và cảm giác nóng lạnh. Nghĩa là khi thấy trên da có những vùng biến màu loang lổ mà châm kim và hơ lửa vào đó không thấy đau thì phải nghĩ ngay đến bệnh phong và đi khám kịp thời. Bệnh càng được điều trị sớm thì càng hạn chế tàn tật. Việc khám phát hiện bệnh là rất cần thiết để điều trị kịp thời, vừa tránh được sự lây lan của bệnh, vừa hạn chế được tàn phế.
Do quan niệm về phong đã có nhiều thay đổi nên thế giới có xu hướng đưa bệnh nhân phong về chữa tại cộng đồng mà không để ở các khu điều trị phong như trước nữa. Nhưng đòi hỏi cộng đồng phải thông cảm với nỗi đau cả thể xác lẫn tâm thần với người bệnh để cưu mang, đùm bọc họ. Trên thế giới và ở nước ta đã có rất nhiều tấm gương tận tụy hy sinh của những người thầy thuốc với tấm lòng nhân hậu cao cả. Để chứng minh phong là một bệnh khó lây, bác sĩ Trần Hữu Ngoạn[1], Giám đốc Khu điều trị phong Quy Hoà đã tình nguyện lấy “củ phong” của bệnh nhân phong, nơi chứa rất nhiều trực khuẩn Hansen, nghiền ra, tiêm vào thân mình để gây bệnh. Đã chục năm trôi qua ông đã không bị bệnh. Rõ ràng, phong là một căn bệnh khó lây, không phải là một bệnh dễ lây như từ trước đến nay người ta vẫn quan niệm, do đó, việc đưa bệnh nhân phong về chữa tại cộng đồng là cần thiết vì người bệnh sẽ được cộng đồng, người thân đùm bọc, giúp đỡ.
Với những bệnh nhân đã khỏi bệnh, tuy vẫn bị tàn phế nhưng họ đã không còn là nguồn lây bệnh nữa. Điều quan trọng là mỗi người dân phải tự biết phát hiện bệnh, vì càng được phát hiện sớm, bệnh càng chóng hồi phục và không để lại di chứng.
Chúng ta hy vọng rằng, với việc thành lập Chương trình quốc gia phòng chống bệnh phong, với tinh thần xã hội hoá công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, căn bệnh quái ác này sẽ được ngăn chặn, những bệnh nhân tàn phế sẽ được phục hồi khả năng lao động, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu của thế giới đề ra là hạ tỷ lệ lưu hành bệnh xuống còn một phần vạn vào năm 2000./.
(Bài đã đăng ở báo Sức khỏe & Đời sống, ViêtNam)
[1] – BS Trần Hữu Ngoạn là thanh niên Hà Nội, sau khi ra trường Đại học Y Hà Nội năm 1961, ông đã tình nguyện vào phục vụ bệnh nhân Phong tại Khu Điều trị phong Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu, Nghệ An, trong khi quan niệm của thế giới và Việt Nam lúc đó cũng còn rất nặng nề. Vợ BS Trần Hữu Ngoạn là một cô giáo Yến, bà đã vui vẻ ở lại Hà Nội nuôi con để chồng vào khu Điều trị Phong sống cả đời với những con người bất hạnh. Các bệnh nhân ở khu Điều trị phong Quỳnh Lập và Quy Hòa đã coi ông như vị thánh sống ở Việt Nam.
COMMENTS