Đông dược Phú Hà – Để chống nóng mùa hè, có rất nhiều cách. Một trong các phương pháp đó là uống trà giải nhiệt. Dưới đây Nhà thuốc xin giới thiệu bài thuốc Trà Bát bảo Phú Hà gồm có 8 vị thuốc thông dụng, vừa dễ kiếm, vừa rẻ tiền, vừa hiệu quả có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, tư âm, giáng hỏa, trừ thấp, giải độc, tiêu viêm, hoạt huyết, chữa mụn nhọt, lở ngứa, dị ứng, tăng sức chống đỡ của cơ thể…
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, mùa hè năm nay (2013), có khoảng 5 – 7 đợt nắng nóng, mỗi đợt kéo dài khoảng 4 – 7 ngày. Nắng nóng cao điểm chủ yếu dồn vào tháng 6 và tháng 7 và nhiệt độ cao nhất có thể chạm ngưỡng 41 – 42 độ C. Khu vực hứng chịu nắng nóng nhiều nhất là một số tỉnh vùng Tây Bắc bộ và Trung bộ (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị). Khu vực các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh nhiệt độ trong râm cũng lên đến 38 – 39 độ C. Nắng nóng kéo dài, cơ thể dễ mất nước, kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt làm cho người mệt mỏi, khát nước, không muốn ăn, người bứt rứt khó chịu, đi giải ít, nước tiểu đỏ, đại tiện thường táo, rôm sảy, mẩn ngứa mọc khắp người, các bệnh mạn tính thường nặng lên, sức chống đỡ của cơ thể giảm đi, người dễ bị các loại vi khuẩn hoặc virus tấn công, xâm nhập… Đặc biệt, gan bị ảnh hưởng nên không làm tròn được chức năng giải độc của mình nên các bệnh ngoài da, mẩn ngứa phát triển rất nhiều.
Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu bài thuốc Bát bảo Phú Hà dùng làm Trà Giải nhiệt mùa hè tuy đơn giản, rẻ tiền, dễ kiếm nhưng dùng để chống nóng, nâng cao sức chống đỡ của cơ thể, phòng bệnh rất hiệu quả.
1. Thành phần. Bài thuốc như sau (trọng lượng khô):
– Nhân trần (hoặc Bồ bồ) 10g
– Huyền sâm 12g
– Cây cối xay 12g
– Thổ phục linh 12g
– Cát căn (hoặc bã Sắn giây) 12g
– Mạch môn 10g
– Diệp hạ châu 8g
– Cam thảo 8g
2. Cách làm
Tất cả 8 vị thuốc trên thái thật nhỏ, cho vào nồi inox với 3 lít nước, đun sôi nhỏ lửa trong 15 phút, bắc ra, để nguội, bỏ bã, uống nước thay nước chè hằng ngày. Có thể cho thêm nước đá làm thành Trà đá. Liều lượng trên là một ấm trà dùng cho một gia đình khoảng 3 – 4 người. Nếu nhà đông người, có thể dùng 2 ấm. Có thể mua nhiều, để dùng dần cho cả mùa hè. Các vị thuốc trên đều có thể mua ở các cửa hàng thuốc Đông y hoặc các của hàng thuốc Nam ở các chợ trong toàn quốc, vì đều là những vị thuốc thông dụng.
3. Công dụng
Trà Giải nhiệt Bát bảo Phú Hà có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, tư âm, giáng hỏa, trừ thấp, giải độc, tiêu viêm, hoạt huyết, chữa mụn nhọt, lở ngứa, dị ứng, tăng sức chống đỡ của cơ thể… Điều đặc biệt là mùa đông, hoặc những ngày trời mát, những người “tạng hàn” vẫn có thể dùng bài thuốc trên, nhưng thay vị Diệp hạ châu bằng vị Quế thông (hay Nhục quế, Quế chi) với liều 8g, đúng bằng liều của Diệp hạ châu.
Theo Đông y, các vị thuốc trên có công năng, tác dụng như sau:
Nhân trần (còn có tên là Chè cát, Chè nội, Tuyến hương, Hoắc hương núi, tên khoa học là Adenosma glutinosum (L.) Druce), có vị đắng, tính bình, hơi hàn (lạnh), vào kinh Bàng quang, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, dùng chữa sốt, người nóng, da vàng, tiểu tiện khó khăn, phụ nữ sau khi sinh, các bệnh về gan, mật, mẩn ngứa… Tây y nghiên cứu dược lý cho thấy Nhân trần làm tăng tiết mật, tăng thải độc của gan, kháng khuẩn và chống viêm mạnh.
Huyền sâm (còn có tên là Hắc sâm, Nguyên sâm, Giác sâm, Quảng huyền sâm, tên khoa học là Scrophularia ningpoensis Hemsl.), có vị đắng, mặn, tính hơi hàn, vào hai kinh Phế và Thận, có tác dụng tư âm giáng hỏa, trừ phiền, chỉ khát, giải độc, lợi yết hầu, nhuận táo, hoạt trường, dùng chữa các bệnh nhiệt, phiền khát, điên cuồng, yết hầu sưng đau, ung thũng, tràng nhạc, táo bón. Nghiên cứu dược lý các nhà y học nhận thấy Huyền sâm làm tăng sức co bóp cơ tim và làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp nhẹ, kích thích hô hấp, kháng khuẩn, chống viêm, an thần, lợi tiểu. Tây y làm thuốc mạnh tim, giảm sốt, chống viêm nhiễm trong các bệnh viêm họng, viêm amidan, lở loét trong miệng và mẩn ngứa…
Cây cối xay (còn có tên là Giàng xay, Quýnh ma, Kim hoa thảo, Ma bản thảo, Co tó ép (Thái), Phao tôn (Tày), tên khoa học là Abutilon indicum (L.) Sweet), có vị ngọt tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu thũng, hoạt huyết, dùng để chữa cảm sốt, đau đầu, bí tiểu tiện, phù thũng sau khi sinh nở, kiết lỵ, tai điếc, mắt có màng mộng… Nghiên cứu dược lý cho thấy Cối xay có tác dụng hạ nhiệt, giảm phù, chống viêm mạnh.
Thổ phục linh (còn có tên là Khúc khắc, Khau đâu, Cẩu ngồ lực (Tày), Mọt hoi dòi (Dao), tên khoa học là Smilax glabra Roxb.), có vị ngọt, tính bình, vào hai kinh Can và Vị, có tác dụng tiêu độc, thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, trừ phong thấp, mạnh gân cốt, lọc máu… Nghiên cứu dược lý cho thấy Thổ phục linh có hoạt tính trị giun, sán lá gan nhỏ, kháng khuẩn, lợi tiểu, chống viêm mạnh và kháng histamin. Trong lâm sàng, Thổ phục linh được dùng để chữa thấp khớp, đau nhức gân xương, ung thũng, tràng nhạc, mụn nhọt, lở ngứa, dị ứng, giang mai, giải độc thủy ngân…
Cát căn (còn có tên là Cam cát căn, Phấn cát, Sắn giây, Củ sắn giây, Bạch cát, Khau cát (Tày), Bẳn mắm kéo (Thái), tên khoa học là Pueraria lobata (Willd.) Ohwi), có vị ngọt, cay, tính bình, vào hai kinh Tỳ và Vị, có tác dụng giải cơ, thoái nhiệt, sinh tân, chỉ khát, thoái chẩn, thăng dương, chỉ tả. Nghiên cứu tác dụng dược lý cho thấy Cát căn làm hạ huyết áp, chống rối loạn mạch vành, chống loạn nhịp tim, chống rối loạn tuần hoàn não, hạ nhiệt, cải thiện trí nhớ, giảm co thắt cơ trơn, làm hạ đường huyết và lipit huyết, chống ung thư, làm giảm say rượu. Trong lâm sàng, Sắn giây dùng chữa các bệnh cảm sốt phong nhiệt, cổ gáy cứng đau, sởi mọc không đều, viêm ruột, kiết lỵ kèm theo sốt, khát nước. Bột Sắn giây dùng để pha với nước có đường uống về mùa hè có tác dụng giải nhiệt, làm mát cơ thể. Gần đây Trung Quốc lấy hoạt chất từ Sắn giây chữa bệnh mạch vành, các cơn đau thắt ngực, điếc đột ngột và cao huyết áp có tác dụng tốt.
Mạch môn (còn có tên là Mạch môn đông, Tóc tiên, Xà thảo, Duyên giới thảo, Phiếc kép phạ (Tày), tên khoa học là Ophiopogon japonicus (L.f.) Ker. – Gawl.), có vị ngọt hơi đắng, tính mát, có tác dụng nhuận phế, giảm ho, cầm máu, làm mát tim, thanh nhiệt… Nghiên cứu dược lý cho thấy Mạch môn có tác dụng giảm ho, ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn đường hô hấp, hạ đường huyết và chống viêm rõ rệt. Trong lâm sàng, Mạch môn dùng để chữa ho khan, viêm họng, lao phổi cấp, bán cấp và mạn tính; sốt cao, tâm phiền khát nước, thổ huyết, khái huyết, chảy máu cam, hen phế quản, làm lợi tiểu, chữa thiếu sữa, điều hòa nhịp tim khỏi hồi hộp, khó ngủ, chữa táo bón, dị ứng, mẩn ngứa, cao huyết áp, bệnh tim mạch, rối loạn thần kinh thực vật.
Diệp hạ châu (còn có tên là cây Chó đẻ, Chó đẻ răng cưa, Cam kiềm, Rút đất, Khao ham (Tày), tên khoa học là Phyllanthus urinaria L.), có vị đắng, tính mát, có tác dụng tiêu độc, sát trùng, tiêu viêm, tan ứ, thông huyết mạch, lợi tiểu. Nghiên cứu dược lý cho thấy Diệp hạ châu có hoạt tính bảo vệ gan, chống lại tổn thương tế bào gan, kháng hầu hết các loại vi khuẩn, kháng virus, diệt nấm, lợi tiểu, hạ huyết áp và hạ đường huyết. Trong lâm sàng, Diệp hạ châu được dùng để chữa đau viêm họng, đinh râu, mụn nhọt, viêm da, lở ngứa, phù thũng, sản hậu ứ huyết đau bụng, tưa lưỡi ở trẻ em, sốt, rắn rết cắn, rối loạn tiêu hóa, chữa các bệnh về gan, mật, các bệnh đường tiết niệu – sinh dục… Dùng ngoài chữa nhọt độc sưng đau, đinh râu, bị thương ứ máu, vết thương chảy máu, chữa vết thương lở loét lâu liền… Chú ý: Phụ nữ có thai không nên dùng.
Cam thảo (còn có tên là Cam thảo Bắc, Diêm cam thảo, Sinh cam thảo, Phấn cam thảo, tên khoa học là Glycyrrhiza uralensis Fisch.), tuy là một vị thuốc Bắc nhưng rất thông dụng ở Việt Nam. Theo Đông y, Cam thảo có vị ngọt, tính bình, để sống (đồ mềm, sấy khô) có tác dụng giải độc, tả hỏa; nếu tẩm mật sao vàng (Chích cam thảo) lại có tác dụng ôn trung, nhuận phế, điều hòa các vị thuốc. Cam thảo sống có tác dụng chữa cảm sốt, ho mất tiếng, viêm họng, mụn nhọt, đau dạ dày, tiêu chảy, tỳ vị hư nhược, kém ăn, thân thể mỏi mệt. Trong lâm sàng, Cam thảo phối hợp với các vị thuốc khác dùng để chữa hư lao, ho lâu ngày, viêm loét dạ dày – tá tràng, cảm sốt, sốt cao điên cuồng, trúng độc, mụn nhọt, xuất huyết não, dị ứng, cao huyết áp, lỵ trực khuẩn, loạn thần kinh, nhức đầu, đau dây thần kinh, viêm rễ thần kinh, thống phong, đau cơ, cứng khớp, viêm não, mụn nhọt, viêm phế quản mạn tính, tràn khí phổi, tâm phế mạn tính, trụy tim mạch…
Để giữ gìn sức khỏe, ngoài việc uống Trà Giải nhiệt Bát bảo Phú Hà, khi có việc cần phải ra ngoài trời nắng hoặc lao động ngoài trời, mọi người cần đội mũ nón rộng vành, tránh ánh sáng trực tiếp vào vùng gáy, nên mặc quần áo rộng, loại vải thấm được mồ hôi. Nếu khát, phải uống nhiều nước Trà Giải nhiệt nêu trên hoặc nước có pha muối, hoặc uống dung dịch Oresol. Không làm việc lâu, quá sức trong môi trường nắng nóng. Tốt nhất là đem theo Trà Giải nhiệt để đủ uống trong ngày./.
COMMENTS