HomeBài viết khác

Trai thời mở cửa – BS Nguyễn Đức Kiệt

Trai thời mở cửa

Trai thời mở cửa

Quý vị đã bao giờ đứng trước gương để làm các bộ mặt khác nhau như: mỉm cười xã giao, chau mày, hầm hầm tức giận… chưa? chưa à? Thế thì thật là uống! Bạn nên ngắm mình với các bộ mặt khác nhau trước gương đi, tôi tin rằng bạn sẽ rút ra được nhiều điều thú vị. Trước đây tôi cũng không tự ngắm mình, vì nghĩ rằng có phải phụ nữ đâu mà soi gương trang điểm? Nhưng rồi một hôm, sau khi cáu giận cái gì đó với vợ con (mà đối với tôi thì chuyện đó như cơm bữa) vợ tôi bảo: “Lúc cáu như thế này anh hãy soi gương mà xem. Trông anh hay đáo để“.

Thế là tôi làm liền. Tôi lập tức đứng trước gương, mắt nhăn lại, mặt hầm hầm như vừa nãy cáu với vợ con. Chao ôi! Tay nào trong gương mà trông “sát nhân”, gớm ghiếc, cong cớn, đáo để, đáng ghét thế này? Chả lẽ lại là tôi, con người luôn được bạn bè, xóm giềng đánh giá là lúc nào cũng dịu dàng, lịch sự và mềm mỏng? Tôi thật sự xấu hổ với mình! Từ ấy tôi hay soi gương và hễ khi nào cáu giận là lại nghĩ đến hình ảnh của mình trong gương, có mấy cái tai nóng ran lên cả! Và không dám cáu, giận với vợ con nữa. Vợ tôi không ngờ cái “mẹo vặt” của mình lại có tác dụng đến thế, bèn mua hẳn cái gương to, treo ở chỗ thuận tiện nhất để bất kỳ lúc nào muốn là tôi có thể ngắm được toàn thân. Và cái việc ngắm mình trước gương của tôi trở thành thường xuyên. Lâu dần thành thói quen. Sau này khi đã “nghiện” mất rồi, tôi thường “ngắm” mình cả khi không có gương. Rồi cái “bệnh ấy” phát triển lên. Nhiều lúc tôi tự “ngắm” giới của mình xem ra sao, đối chiếu với yêu cầu của phái đẹp, xem chúng ta đã đạt được đến đâu. Các cụ xưa thường nói:

“Làm trai cho đáng nên trai

Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên”.

Nghĩa là làm đàn ông là phải làm những việc động trời. Mấy cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thì thế thật. Chúng ta đã thật sự không hổ danh là “trai thời loạn“. Nhưng mà cái thời bao cấp, đàn ông chúng ta đã không có điều kiện để tự thể hiện được mình. Thật ra thì cũng có một số người “phấn đấu” đấy. Dù không có tài, nhưng bằng mọi cách, họ làm để được đề bạt, cất nhắc chức nọ, vị kia, vì kèm theo nó là bao nhiêu quyền lợi khác. Vì “ghế thì ít mà đít thì nhiều” nên họ phải chen lấn, cạnh tranh, xô đẩy. Nhưng số đó không nhiều. Còn đa số “phái mạnh” phải giúp vợ con những việc trong nhà để vợ còn phải tần tảo nuôi chồng, nuôi con, do cuộc sống lúc đó chủ yếu là lo hạt gạo, mớ rau, toàn những thứ sở trường thuộc về phụ nữ. Thế là anh em chúng ta – phần lớn thôi – ngày ngày đều phải xếp hàng mua lương thực, thực phẩm, đêm đêm ra vòi nước xếp hàng hứng nước… (chả thế mà dân gian có câu: “Ban ngày cả nước lo việc nhà, ban đêm cả nhà lo việc nước”), ngoài giờ hành chính thì sửa xe đạp, sửa dép, sửa giầy, thậm chí vá cả quần áo, nghĩa là với phương châm càng đa năng, càng đỡ tốn tiền, càng tốt. Một thời gian dài, cánh đàn ông chúng ta đã làm đủ mọi nghề, những nghề không được học, không phải sở trường, cốt để tiết kiệm được đồng nào, hay đồng ấy. Gầm giường, gầm phản toàn những thứ lủng củng, lặt vặt, nhưng chẳng dám vứt cái gì đi, vì nghĩ thế nào cũng có lúc dùng đến. Chúng ta đã trở thành người giúp việc đắc lực cho vợ. Các bà vợ nhìn chúng ta với cái nhìn thán phục và tự hào “chồng mình cái gì cũng làm được”!

Đùng một cái, đất nước “đổi mới”, “mở cửa”. Thế là những cái tài lẻ của anh em chúng ta bị xếp xó! Có mà “hâm hàng tỉ độ” mới cọc cạch chữa cái xe đạp để tiết kiệm được vài ngàn đồng, trong khi cùng thời gian ấy làm việc khác đúng sở trường, nghề nghiệp, ta có thể kiếm được hàng mấy chục nghìn, thậm chí mấy trăm nghìn đồng. Thế là ai có sở trường gì, đều phát huy hết công suất. Thậm chí nhiều cái “tài chẵn” bị ẩn dấu xưa kia, nay bỗng nhiên bộc lộ và đem ra thi thố. Người đàn ông lúc này là trụ cột của gia đình, anh ta phải đối nhân xử thế, phải đứng mũi chịu sào. Nào xây nhà, xây cửa, sắm đài, mua xe… chẳng lẽ hàng xóm làm được mình lại không làm được?

Anh Nguyễn Văn B bạn tôi, người thực thà như đếm, tuy khéo tay nhưng ngày xưa chẳng biết làm gì ngoài nghề bác sĩ, nhà bốn đứa con, nghèo “rớt mùng tơi” nay bỗng nhiên trở nên giàu có. Hôm đến chơi mới bíêt hoá ra anh ta “buôn” xe máy. Bởi vì do phải đi làm xa, anh phải mua một cái xe “ba bét nhè” từ đời Hitler làm thợ sơn. Xe hỏng liên tục. Anh phải sửa liên tục. Rồi anh thành thợ sửa xe giởi nhưng không chuyên. Thế là anh mua xe cũ về sửa, mông má lại, ai cần thì bán. Rồi anh chuyển lên xe Honđa. Cũng với cách mua xe cũ, sửa sang, mông má lại để bán. Nay thì anh ta có hai xe: một dream cho bản thân, một “Charly” cho vợ. Mà lại còn đã xây được nhà, con cái cũng đàng hoàng, học hành tấn tới. Thật không thể tưởng tượng được!

Lại anh bạn khác. Bùi Văn L là bác sĩ pháp y. Ngày xưa anh chỉ tính mỗi việc làm thêm giờ, vì nghề của anh có phụ cấp độc hại, làm nhiều có tiền thêm, thôi thì “năng nhặt, chặt bị”. Nay bỗng nhiên anh viết sách giáo khoa pháp y, viết báo cho hết tờ báo này, tập san nọ, toàn chuyện vụ án. Lại đi dạy hết tỉnh nọ tỉnh kia, lại là giáo viên kiêm nhiệm của trường Đại học Luật. Vợ anh cô Vũ Thúy N, giáo viên cấp 3, đi công tác miền núi 22 năm, xin chuyển vùng không được, anh xin thôi việc, về giúp việc nội trợ, trông nom con cái để anh có thời gian đi nơi nọ, nơi kia. Anh cho cô học lớp Dược tá để kiêm nghề bán thuốc. Với trình độ giáo viên cấp 3, cô nhanh chóng thích nghi, bỏ nghề cũ, ưng nghiệp mới. Thực ra lúc đầu cô cũng không đồng ý, nhưng anh lấy “quyền làm chồng” bắt cô phải tuân theo. Nay thì cô thấy rất tự hào với quyết định của chồng. Hôm nọ cô bảo “Nhà em vừa in quyển giáo trình, được 20 triệu. Coi như tiền bán bản quyền cho trường Đại học Luật”. Hai mươi triệu! Tôi há hốc mồm ngạc nhiên. Hèn chi anh xây được nhà, mua được xe máy, chạy ve vé suốt ngày. Cô còn thì thào: “Anh ấy buôn cả thuốc tây nữa đấy. Nhà có cửa hàng thuốc, các tỉnh về lấy, mình “cất” của nơi này về “đổ” cho nơi kia, ăn hoả hồng, thế mà cũng khá đáo để”. Trời ơi, cái anh bạn L của tôi mà cũng biết buôn, mà cũng biết viết sách, viết báo! Thật không thể tin được.

Tôi cũng có chú em họ, đúng là một con “mọt sách”, ngày xưa chẳng biết làm gì, bạn bè đều gọi là “M. đít chai” vì cận nặng phải đeo kính như hai cái đít chai. Vợ luôn luôn phàn nàn lấy anh chồng “đụt”, lúc nào cũng vùi đầu vào sách, chỉ được cái “dài lưng tốn vải”, chẳng được tích sự gì. Nay bỗng nhiên đi dậy ngoại ngữ suốt ngày đêm, đi dịch cho hết đoàn nọ đến đoàn kia, đi nước ngoài nhiều hơn tôi đi “chợ cóc”. Cô vợ thì vàng đeo đầy cổ. Con cái đứa thì học trường chuyên, đứa thì học trường quốc tế, học phí hàng trăm đôla một tháng. Nhà cửa tiện nghi không kém gì khách sạn năm sao. Tôi đến chơi không thể hình dung ra một chú em nhút nhát với đôi kính cận ngày xưa! Quả là thay đổi một trời một vực.

Lại một hôm hai thầy giáo cũ đến chơi, một thầy dạy văn, một thầy dạy toán. Sau khi hỏi thăm sức khoẻ, vợ tôi hỏi các thầy cô làm thêm gì không, thầy Lư Bá K. dạy văn, khoe rằng thầy Nguyễn Viết T. dạy toán luyện thi đại học cho học sinh đông lắm, “Thầy làm không hết việc” và “thu hoạch cũng khá”. Thầy T nói thêm:

– Được cái bây giờ thầy làm đúng nghề nghiệp của mình nên vừa nhàn nhã, vừa phát huy được chuyên môn, lại có thu nhập không đến nỗi nào.

– Còn thầy ạ?

Tôi hỏi thầy K. dạy văn.

– Chà ông ấy bây giờ trở thành nhà báo rồi! Tháng nào cũng được bốn năm trăm tiền nhuận bút.

Thầy T. nhanh nhảu trả lời thay. Tôi lại há hốc mồm ngạc nhiên.

– Bốn năm trăm ngàn tiền nhuận bút? Sao mà nhiều thế ạ? Thế thầy viết cho những tờ báo nào ạ?

– Thầy thường viết cho báo Phụ nữ, báo Giáo dục và thời đại, tạp chí Thế giới mới, báo Tiền phong, tạp chí Thời trang trẻ, báo địa phương… thôi thì phù hợp đâu, gửi đó.

Thầy nói thêm:

– Được cái tiền nhuận bút bây giờ cũng khá lắm chứ không đến nỗi như ngày xưa.

Thầy K. hỏi:

Các em có biết tin “Thịnh lém” không?

– Không ạ. Thế thầy có biết bạn ấy ở đâu không ạ?

– À, bây giờ cậu ta làm Giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn, trong tay có hàng mấy trăm công nhân với số vốn hàng mấy tỷ đồng. Cậu ta có cả ô tô riêng rồi.

– Nhưng mà cũng có người không thích nghi được với cơ chế mới, vẫn ăn bám vợ con như ngày xưa, như “Hải kều”, “Thông tồ”, chắc các em còn nhớ chứ?

– Vâng ạ, nhưng mà các cậu ấy học rất giỏi cơ mà?

– Ừ học là một chuyện, còn hành lại là chuyên khác – Thầy K nói thêm. Rồi thầy trầm ngâm về triết lý: – Có lẽ sự phân tầng xã hội hiện nay là do một bộ phận dân cư, mà chủ yếu là những người đàn ông, có điều kiện về tài sản, trí tuệ, quyền lực và khả năng tiếp thu nhạy bén trong quá trình chuyển đổi, đã tiến nhanh hơn trong việc làm giàu, trong khi một số khác ít có điều kiện hơn thì tiến chậm, thậm chí nghèo thêm. Như vậy, cái cơ chế thị trường không chỉ phân hoá giàu nghèo, mà cũng phân hoá luôn cả những người đàn ông năng động và những người không thích nghi được với cơ chế mới.

À thì ra thế…

Ngồi “ngắm” giới của mình tôi mới nhận ra rằng thì ra “đàn ông ta” đã thay đổi khá nhiều. Phần lớn chúng ta đã làm được những cái ta muốn, đúng với sở trường của ta. Và ta đã thực sự là những ông chủ gia đình để nuôi vợ nuôi con, làm chỗ dựa cho người bạn đời, làm người cầm lái cho cả gia đình và làm tấm gương cho những đứa con. Nhưng bên cạnh cũng bộc lộ những người đàn ông không thích nghi được với sự chuyển đổi của xã hội, họ than thân trách phận, đổ lỗi cho lý do nọ, lý do kia và vẫn phải… ăn nhờ vợ. Phải chăng đó là hình ảnh, tuy chưa phải là một bức tranh hoàn chỉnh, mà chỉ là những nét chấm phá rất thô sơ, nhưng có thể là hình ảnh tiêu biểu của những người đàn ông thời đổi mới, là hình ảnh của “trai thời mở cửa”?

Đó chỉ là cách nhìn của riêng tôi. Còn quý vị, quý vị cũng tự ngắm mình và ngắm giới của mình đi, tôi chắc quý vị cũng sẽ nhìn ra những điều mới mẻ, mà nếu không để ý, chắc quý vị sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy, có phải thế không, thưa quý vị?

Mùa thu, 1995

 

COMMENTS