HomeLý thuyết YHCT

Viêm phế quản mạn tính (mãn tính) – chronic bronchitis

Viêm phế quản mạn tính (còn gọi là mãn tính) – chronic bronchitis

I. Bệnh học y học hiện đại

1. Định nghĩa

Viêm phế quản mạn tính là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, còn được gọi là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, được định nghĩa như sau:

Viêm phế quản mạn tính là tình trạng tăng tiết dịch nhầy của niêm mạc phế quản gây go và khạc đờm liên tục hay tái phát kéo dài ít nhất là 3 tháng trong 1 năm và ít nhất là 2 năm liền.

2. Nguyên nhân thường gặp

  • Kích thích niêm mạc: Do thuốc lá, thuốc lào, hơi độc, bụi nghề nghiệp (than, xi măng, bông). Thuốc lá đóng vai trò quan trọng
  • Dị ứng: Đối với bụi có protein động vật, thực vật
  • Nhiễm khuẩn: Do các bệnh đường hô hấp trên như tai, mũi, họng (viêm amidan, viêm mũi, viêm xoang) viêm phế quản cấp tái phát nhiều lần
  • Nguyên nhân thuận lợi: Thay đổi thời tiết, khí hậu ẩm ướt có sương mù. mưa phùn hoặc ở người có cơ địa dị ứng.

3. Triệu chứng lâm sàng – cận lâm sàng

3.1 Triệu chứng chức năng

  • Triệu chứng chính: Ho có đờm, khạc đờm nhiều lần, đờm nhầy, trong, đục, dính, đục khí có bội nhiễm.
  • Đờm khạc nhiều nhất vào buổi sáng sớm, thường trên 200ml/ngày. Khạc nhiều đờm kéo dài từ ngày này qua ngày khác, tùy theo từng đợt bệnh. Trong 1 năm. bệnh nhân ho khạc đờm ít nhất 3 tháng và kéo dài ít nhất là 2 năm liền (tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới)
  • Khó thở khi gắng sức: Khi bội nhiễm khó thở dần trở thành thường xuyên và có triệu chứng tím tái. Đó là giai đoạn suy hô hấp bắt đầu.

3.2 Triệu chứng thực thể

  • Khám phổi thấy rì rào phế nang giảm, nghe có ran rít, ran gáy và ran ẩm

3.3 Triệu chứng lâm sàng

  • Xét nghiệm đờm: Chủ yếu để tìm vi khuẩn soi trực tiếp và cấy. Có thể thấy phế cầu khuẩn và một số loại vi khuẩn khác
  • X.Quang phổi: Rốn phổi đậm. XQuang phổi chủ yếu cũng là để loại các bệnh về nhu mô phổi, u phổi, mức độ giãn phế quản, phế nang mà đôi khi lâm sàng biểu hiện giống như viêm phế quản mạn tính.
  • Soi phế quản: Soi bằng ống soi mềm để phân loại các tổn thương phế quản như u, loét. Trong viêm phế quản mạn tính: Niêm mạc nhạt màu và teo lại, trên niêm mạc xuất hiện nhiều chất nhầy

4. Tiến triển, biến chứng

  • Viêm phế quản mạn tính: Là một bệnh không tự nhiên khỏi được. Bệnh tiến triển từ từ trong nhiều năm (5-10-20 năm) xen kẽ bởi nhiều đợt kịch phát. Cuối cùng tiến triển đến giai đoạn nặng.
  • Nhiều biến chứng sẽ xảy ra:
    • Bội nhiễm phổi (viêm, áp xe, lao)
    • Giãn phế quản phế nang
    • Suy tim phải là biến chứng cuối cùng

5. Điều trị

5.1 Nghỉ ngơi và ăn uống

  • Trong đợt cấp, cần được nghỉ ngơi trong phòng ấm và thoáng
  • Giữ ấm cổ, ngực, tránh xa nơi bụi bặm
  • Loại bỏ ngay nguyên nhân kích thích: Bỏ thuốc lá
  • Đảm bảo ăn, uống nóng, hợp vệ sinh

5.2 Thuốc

  • Giảm ho và long đờm
    • Natri benzoat 1-2g 4-5g/ngày
    • Siro Phenergan 3% x 10ml/ngày
  • Nếu bệnh nhân có sốt (đợt cấp của viêm phế quản mạn tính) dùng kháng sinh như trong điều trị của viêm phế quản cấp, trong 5-7 ngày
  • Nếu bệnh nhân khó thở, biểu hiện tím tái như cơn hen, thì dùng thêm Theophylin 0,10g x 4-6 viên uống làm 2-3 lần

6. Phòng bệnh

  • Bỏ hút thuốc lá, thuốc lào
  • Chữa các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên
  • Vệ sinh mũi, họng, răng miệng hàng ngày
  • Giữ vệ sinh, giữ ấm khi thay đổi thời tiết
  • Tập thở, tập thể dục thể thao nhẹ nhàng

II. Bệnh học y học cổ truyền

Viêm phế quản là một bệnh hay gặp thuộc phạm vi chứng khái thấu, đàm ẩm của Y học cổ truyền, được chia làm 2 thể cấp tính và mạn tính.

1. Nguyên nhân

  • Do ngoại cảm phong hàn, phong nhiệt và khí táo: Phong hàn và phong nhiệt xâm hại vào cơ thể làm phế khí mất khả năng tuyên giáng gây ho, đờm nhiều, khí táo về mùa thu làm tân dịch của phế bị giảm sút gây ho khan ngứa họng.
  • Do nội thương: Công năng 3 tạng phế, tỳ, thận bị giảm sút, hàn thấp thương tỳ sinh đàm ẩm, nhiệt thương phế làm phế thận âm hư, đều đưa đến ho, đờm nhiều.

2. Thể đàm thấp

2.1 Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

  • Đàm là chất dịch đặc và đục, ẩm là chất dịch trong và loãng
  • Công năng vận hóa của tỳ, vị bị rối loạn làm thủy dịch ứ đọng sinh ra đàm ẩm
  • Đàm ẩm làm phế khí không tuyên giáng: Tức ngực, ho, khạc đờm háo, suyễn
  • Đàm làm vệ khí nghịch: Lợm giọng, buồn nôn

2.2 Triệu chứng

  • Ho hay tái phát,
  • Trời lạnh, ẩm ho tăng, buổi sáng ho nhiều,
  • Đờm dễ khạc, sắc trắng loãng hoặc thành cục dính,
  • Ngực đầy tức, bụng đầy tức, kém ăn, chậm tiêu; 
  • Rêu lưỡi trắng dính, mạch nhu hoạt hoặc trầm hoãn

2.3 Pháp điều trị

Táo thấp, hóa đàm, chỉ khái

2.4 Bài thuốc (phương điều trị)

  • Nhị trần thang gia vị
    • Trần bì 10g
    • Phục linh 10g
    • Bán hạ chế 08g
    • Cam thảo 06g
  • Gia
    • Hạnh nhân
    • Thương truật
    • Bạch truật
  • Đàm nhiều:
    • Bạch giới tử
    • Tử uyên
    • Bạch tiền
  • Tức ngực
    • Chỉ xác
    • Bạch thược
  • Tỳ hư
    • Đảng sâm

3. Tỳ thận dương hư:

  • Gây ho, đờm nhiều, ngực sườn đầy chướng, miệng khát mà không muốn uống nước, uống nước bị nôn, lưng và tay chân lạnh, hoa mắt, chóng mặt, thở ngắn, hồi hộp, lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng trơn, mạch huyền hoạt

3.1 Phương pháp chữa là

Ôn dương, lợi thấp, trừ đàm

3.2 Bài thuốc Linh quế truật cam thang gia giảm

  • Bạch truật 08g
  • Phục linh 16g
  • Cam thảo 04g
  • Quế chi 12g
  • Nếu hoa mắt, hồi hộp thêm
    • Bán hạ chế 12g
    • Gừng sống 04g
  • Nếu chân tay lạnh, lưng lạnh yếu, thêm:
    • Phụ tử chế 12g
    • Bạch thược 12g

3.3 Châm cứu

  • Châm bổ các huyệt
    • Tỳ du (Kinh Bàng quang  – Từ giữa DXI – DXII đo ngang ra 1,5 thốn)
    • Phế du (Kinh Bàng quang – Từ giữa DIII và DIV đo ngang ra 1,5 thốn)
    • Thận du (Kinh Bàng quang – Từ giữa LII – LIII đo ngang ra 1,5 thốn)
    • Túc tam lý (Dưới mắt gối ngoài 3 thốn, phía ngoài xương mác khoảng 1 khoát ngón tay, nơi cơ cẳng chân trước, khe giữa xương chầy và xương mác)
    • Hợp cốc (Đại trường kinh – Đặt đốt II ngón cái bên kia, lên hồ khẩu bàn tay bên này, nơi tận cùng đầu ngón tay là huyệt, hơi nghiêng về phía ngón tay trỏ)
    • Tam âm giao (Kinh Túc Thái Âm Tỳ – Từ lồi cao mắt cá trong xương chày đo lên 3 thốn, huyệt ở cách bờ sau trong xương chày 1 khoát ngón tay)
  • Cứu các huyệt trên
  • Liệu trình: 14 ngày, rồi tiếp tục các đợt khác

4. Thủy ẩm

4.1 Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

  • Do ăn ít, uống nhiều làm nước đọng lại ở vị
  • Nặng thì gây ra hồi hộp đánh trống ngực
  • Nhẹ thì gây ra đoản hơi
  • Do tỳ vị hư không vận hóa được thủy dịch mà sinh ra thủy ẩm.
  • Thủy ẩm đọng ở mạng sườn gọi là huyền ẩm, tràn ra tay chân gọi là dật ẩm, đọng ở ngực gọi là chi ẩm
  • Biểu hiện của chi ẩm: ho, đoản hơi, chỉ ngồi không nằm được, toàn thân sưng lên

4.2 Triệu chứng

  • Ho hay tái phát, suyễn nhiều, thời tiết lạnh, ho tăng, đờm nhiều loãng, trắng
  • Khi vận động triệu chứng trên càng rõ, bệnh nhân không nằm được
  • Sợ lạnh, rêu lưỡi trắng trơn, mạch tế nhược

4.3 Pháp điều trị

Ôn phế, hóa đàm, định suyễn

4.4 Bài thuốc (phương điều trị)

Tiểu thanh long thang gia giảm

  • Ma hoàng 06g
  • Ngũ vị tử 06g
  • Quế chi 06g
  • Bán hạ chế 08g
  • Can khương 04g
  • Cam thảo 04g
  • Tế tân 04g
  • Bạch tiền 04g

Nếu ho nhiều thêm Từ uyển 12g; Khoản đông hoa 08g

4.5 Châm cứu

Cứu các huyệt:

  • Tỳ du (Kinh Túc Thái dương Bàng quang  – Từ giữa DXI – DXII đo ngang ra 1,5 thốn)
  • Vị du (Kinh Túc Thái dương Bàng quang  – Từ giữa DXII – LI đo ngang ra 1,5 thốn)
  • Phế du (Kinh Túc Thái dương Bàng quang  – Từ giữa DIII và DIV đo ngang ra 1,5 thốn)
  • Cao hoang (Kinh Túc Thái dương Bàng quang  – Ngay dưới gai sống lưng 4, đo ngang 3 thốn, cách huyệt Quyết Âm Du 1, 5 thốn)
  • Túc tam lý (Kinh Túc Dương Minh Vị – Dưới mắt gối ngoài 3 thốn, phía ngoài xương mác khoảng 1 khoát ngón tay, nơi cơ cẳng chân trước, khe giữa xương chầy và xương mác)
  • Phong long (Kinh Túc Dương Minh Vị – Ở trên mắt cá ngoài 8 tấc, trong chỗ lõm, phía ngoài xương ống chân (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)
  • Thái bạch (Kinh Túc Thái Âm Tỳ – Ở chỗ lõm phía sau dưới đầu xương bàn chân thứ 1, nằm trên đường tiếp giáp lằn da gan chân – mu chân ở bờ trong bàn chân)

COMMENTS