HomeBài thuốc và vị thuốcBài thuốc Tây Y

Vitamin và sức khỏe – BS Nguyễn Đức Kiệt

Đông dược Phú HàNói đến vitamin, phần lớn chúng ta lại nghĩ rằng nó là loại “thuốc bổ”. Mà đã là “thuốc bổ” thì càng uống nhiều, càng bổ nhiều! Sự thật không phải như vậy. Vậy vitamin là gì? Nó được tìm ra như thế nào ? Vitamin có bao nhiêu loại ? Nó có tác dụng gì với sức khỏe con người ?

Năm 1912, nhà khoa học người Mỹ là Funk chiết suất từ cám gạo ra được một chất có thể chữa được bệnh tê phù (bệnh Beri – beri), xét công thức hoá học thấy có nhóm axit amin nên ông đã gọi nó là vitamin, nghĩa là chất axitamin cần cho sự sống. Vì nó là loại vitamin đầu tiên được loài người phát hiện ra nên người ta gọi đó là vitamin B1. Từ đó trở đi người ta lần lượt tìm ra nhiều loại vitamin. Sau này người ta mới biết không phải các vitamin đều có cấu tạo từ các axit amin, nhưng tên vitamin mang tính lịch sử nên người ta vẫn gọi chung là vitamin.

Tuy có cấu tạo rất khác nhau, nhưng các vitamin đều có những đặc điểm chung, đó là những chất không thể thiếu được cho cơ thể sống của con người và không thể thay thế được. Vitamin là chất ngoại lai, cơ thể không tự tổng hợp được, phải đưa từ ngoài vào bằng đường ăn uống. Nhu cầu vitamin đối với con người chỉ rất ít, số lượng hằng ngày chỉ tính bằng miligam, nhưng nếu thiếu sẽ sinh ra những rối loạn trầm trọng, sẽ sinh bệnh và nếu kéo dài có thể chết người. Đó là những vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho con người.

Cho đến nay, người ta đã tìm ra tới trên ba chục vitamin: A, B, C, E, F, FF, G, H, K, L, P, PP, U… Người ta chia vitamin thành nhiều nhóm tuỳ theo tính chất. Người ta còn chia thành 2 loại là vitamin tan trong nước (như vitamin B1, B2, B6, C, PP, U…) và vitamin tan trong dầu (như vitamin A, D, E, K…). Nói chung, vitamin tan trong nước ít độc, nếu dùng thừa sẽ bị đào thải ra khỏi cơ thể, còn vitamin tan trong dầu và vitamin B12 thì nếu thừa cũng sẽ bị bệnh.

Vitamin có tác dụng gì?

Qua nghiên cứu, người ta đã biết mỗi một vitamin chữa được một loại bệnh đặc thù: vitamin B1 chữa bệnh tê phù (Beri – beri), vitamin K chữa bệnh chảy máu, vitamin E chữa bệnh thiểu năng sinh dục, vitamin U làm cho vết loét mau liền, dùng chữa loét dạ dày – tá tràng, vitamin A chữa bệnh quáng gà, vitamin D chữa bệnh còi xương, v.v…

Người ta cũng phát hiện ra rằng vitamin chính là yếu tố xúc tác những phản ứng trong cơ thể. Mỗi vitamin có tác dụng trong một phản ứng hay một loạt phản ứng nào đó. Cơ thể con người tồn tại và phát triển được chính là nhờ quá trình đồng hoá và dị hoá. Muốn đồng hoá và dị hoá, cơ thể đều cần phải có các chất xúc tác để các phản ứng  hoá học có thể xảy ra. Các chất xúc tác ấy chính là các vitamin. Cả qúa trình đồng hoá và dị hoá đều cần đến vitamin. Nếu thiếu vitamin thì các phản ứng hoá học không xảy ra triệt để được nên cơ thể sẽ ứ đọng các sản phẩm trung gian, trong khi đó những sản phẩm cuối cùng thì lại thiếu. Chính việc vừa thừa vừa thiếu đó sinh ra đủ thứ bệnh với những biểu hiện lâm sàng rất khác nhau.

Vitamin không phải là chất sinh ra năng lượng như protit (đạm), lipit (mỡ) hay gluxit (đường), nghĩa là chúng không phải là thuốc bổ. Các chất protit, lipit và gluxit có thể thay thế nhau để cung cấp năng lượng cho cơ thể và khi đói lâu ngày thì cơ thể có thể “tự ăn thịt mình” bằng cách tự tiêu hoá mỡ. Nhưng vitamin thì không thể thay thế cho nhau được và không thể lấy từ trong cơ thể. Trừ vitamin A, vitamin D và vitamin B12 khi thừa thì bị tích luỹ và có thể gây bệnh, còn nói chung các vitamin khác không có khả năng tích lũy và khi thừa sẽ bị đào thải ra khỏi cơ thể. Đó cũng là những đặc điểm của vitamin.

Thiếu vitamin sẽ mắc bệnh gì?

Các loại vitamin khi thiếu đều sinh ra các triệu chứng, hội chứng hoặc những bệnh đặc trưng mà qua đó, người ta nhận biết được sự thiếu hụt đó. Thí dụ thiếu vitamin A bị bệnh khô mắt, thiếu vitamin B1 bị bệnh tê phù, thiếu vitamin C bị bệnh chảy máu (Scorbut), thiếu vitamin D bị còi xương v.v…

Tại sao bị thiếu vitamin?

Các vitamin luôn có sẵn trong lương thực và thực phẩm (gạo, mì, trừng, thịt, cá, sữa, rau, hoa quả…), vì vậy, ở người bình thường, nếu không bị bệnh, không ăn kiêng, có chế độ ăn uống hợp lý thì không bao giờ thiếu vitamin. Vitamin bị thiếu, thường do chất lượng lương thực, thực phẩm không bảo đảm, ngũ cốc để lâu ngày hoặc bị ẩm, mốc sẽ giảm lượng vitamin có trong lớp vỏ cám hoặc rau, hoa quả úa, héo để lâu ngày hoặc ướp lạnh quá lâu hay do khâu chế biến không đúng cách như giã gạo quá kỹ, đun nấu ở nhiệt độ cao kéo dài, khi nấu mở vung…; do ăn kiêng như ăn chay nên thiếu vitamin B12, vitamin A, D; do rối loạn hấp thu trong trường hợp suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài, tắc mật, ở người cao tuổi (do giảm chức năng của hệ tiêu hoá gây thiếu dịch vị, dịch mật, dịch tụy nên ruột kém hấp thu…), do mắc một số bệnh đường tiêu hoá như: viêm tụy, viêm loét dạ dày – tá tràng, tắc mật… ;

Do nhu cầu cơ thể tăng nhưng không đáp ứng được như khi có thai, khi cho con bú, tuổi dậy thì, sau ốm, sau đẻ, sau phẫu thuật, nhiễm khuẩn kéo dài… Thiếu vitamin cũng còn do có bệnh tật di truyền, do tương tác thuốc v.v…

Nhu cầu vitamin hàng ngày như thế nào?

Nhu cầu Vitamin cho người có nhiều tài liệu khác nhau, tài liệu của các nước châu Âu thường cao hơn của Việt Nam vì khối lượng cơ thể họ to béo hơn ta. Ở Việt Nam, theo GS-TS Hoàng Tích Huyền thì nhu cầu vitamin hàng ngày đối với trẻ em và người bình thường như sau :

Picture

Khi sử dụng vitamin cần chú ý một số điểm sau:

– Vitamin vốn có sẵn trong lương thực, thực phẩm nên ở người bình thường nếu ăn uống hợp lý thì nhu cầu vitamin hàng ngày không cần phải  bổ sung.

– Vitamin không phải là thuốc bổ nên chỉ dùng vitamin khi cơ thể bị thiếu hoặc có nguy cơ bị thiếu.

– Các vitamin thường đi kèm nhau nên nếu thiếu thường là thiếu nhiều loại cùng một lúc. Khi cần bổ sung vitamin thì nên bổ sung nhiều loại cùng lúc và bổ sung bằng thức ăn tốt hơn là bằng thuốc.

– Vitamin dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao và bị mất khi hoà tan trong nước nên trong khi chế biến thức ăn cần chú ý để khỏi bị mất vitamin. Không nên ăn gạo xay xát quá kỹ, khi đun nấu rau xanh không nên mở vung và không nên nấu quá kỹ.

– Các vitamin tan trong nước khi thừa không bị ngộ độc mà sẽ bị đào thải ra ngoài nhưng các vitamin tan trong dầu (như Vitamin A, D, K, E…) khi thừa sẽ bị tích lũy lại trong cơ thể và sẽ gây ngộ độc nên khi sử dụng phải hết sức cẩn thận, vì cả thừa cà thiếu sẽ đều sinh bệnh.

COMMENTS