BỆNH VI KHUẨN ĂN THỊT NGƯỜI WHITMORE
1. Đại cương về căn bệnh Whitmore
Trong thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng, dư luận quần chúng, cũng như trên các trang mạng xã hội đang xôn xao về một căn bệnh lạ, nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, lên tới 40% – 60%, với tên bệnh là “Bệnh vi khuẩn ăn thịt người Whitmore” làm cho nhân dân hết sức lo lắng. Vậy căn bệnh này như thế nào? đường lây truyền ra sao? có chữa được không? chữa bằng cách nào? làm cách nào phòng chống? v.v…
Bệnh Whitmore (hay còn gọi là Melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài trực khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Whitmore có bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng, tiến triển nhanh và có thể gây tử vong nhanh với tỷ lệ tử vong cao nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp. Vi khuẩn B. pseudomallei là vi sinh vật sống trong đất, vì thế con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn hoặc lây nhiễm qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn trong những trận gió lốc xoáy trước cơn mưa hay khi ăn các thức ăn có vi khuẩn. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học thuyết phục nào về lây bệnh giữa người với người hoặc từ động vật sang người qua con đường không khí. Vì thế, nhiễm bệnh Whitmore thường lác đác, lẻ tẻ chứ không bùng phát thành dịch hoặc đại dịch. Gần đây các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa tập trung từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm.
Ca nhiễm bệnh Melioidosis đầu tiên được phát hiện tại Myanmar vào năm 1911 bởi nhà khoa học người Anh tên là Alfred Whitmore (vì thế tên bệnh thường được gọi là Whitmore). Ca bệnh đầu tiên phát hiện tại Việt Nam là tại Viện Pasteur, Hồ Chí Minh vào năm 1925. Sử liệu cho thấy, từ năm 1948 đến năm 1954, có khoảng 100 binh lính Pháp bị nhiễm bệnh trên chiến trường Việt Nam. Trong chiến tranh Việt Nam có khoảng 350 binh lính Mỹ bị nhiễm bệnh. Những năm 1970, 1980, Whitmore còn được gọi với một cái tên “Vietnamese – time bomb” nhằm ám chỉ một bệnh truyền nhiễm bị nhiễm ở Việt Nam, sau đó ủ bệnh một thời gian dài rồi mới phát bệnh khi các cựu chiến binh Mỹ xuất ngũ trở về. Sau ngày thống nhất đất nước, chỉ có một số ít các bệnh viện lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh công bố về các ca nhiễm bệnh. Một trong những lý do thiếu thông tin này ở các bệnh viện tuyến dưới là bác sĩ lâm sàng chưa biết nhiều về bệnh và chưa cảnh giác xét nghiệm chẩn đoán bệnh, các cán bộ xét nghiệm vi sinh chưa có quy trình xét nghiệm bệnh và cũng chưa chú ý đến xét nghiệm bệnh. Chính vì vậy, Whitmore là một bệnh truyền nhiễm gần như đang bị bỏ quên tại Việt Nam.
Whitmore là bệnh vùng, phân bố chủ yếu ở Đông Nam Á và phía Bắc Australia, trong đó vùng Đông Bắc Thái Lan (gần với miền Trung Việt Nam) được coi là tâm điểm của dịch bệnh trên thế giới. Với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, Whitmore không phải là bệnh hiếm gặp như nhiều người đang nghĩ. Tại hội nghị bệnh Whitmore toàn cầu lần thứ 8 tổ chức tại Philippines mới đây, tiến sĩ Direk Limmathurotsakul đã sử dụng các thuật toán khoa học để dự báo về sự phân bố của vi khuẩn Whitmore ở các lục địa và dự đoán số lượng người nhiễm bệnh trên toàn thế giới. Theo đó, bệnh Whitmore có mặt ở 80 quốc gia. Hàng năm có khoảng 165.000 người nhiễm bệnh và bệnh cướp đi sinh mạng của 89.000 người. Dự báo, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 10.400 ca nhiễm bệnh và khoảng 4.700 ca tử vong. Ở Việt Nam, hầu hết bệnh nhân ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.
2. Nguyên nhân và triệu chứng bệnh Whitmore
Vi khuẩn B. pseudomallei là vi sinh vật sống trong đất, vì thế con đường lây nhiễm chính của bệnh Whitmore là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có có vi khuẩn đồng thời bệnh cũng lây nhiễm qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn trong những trận gió lốc xoáy trước cơn mưa, hoặc bị nhiễm bệnh khi ăn các thức ăn có vi khuẩn. Tuy nhiên, bệnh không lây giữa người với người hoặc từ động vật sang người qua con đường không khí. Vì thế, nhiễm bệnh Whitmore thường lác đác, lẻ tẻ chứ không bùng phát thành dịch hoặc đại dịch. Thời gian ủ bệnh từ 1 – 21 ngày, trung bình 9 ngày. Các triệu chứng thường xuất hiện hai đến bốn tuần sau khi tiếp xúc với vi khuẩn. MedicineNet chia bệnh Whitmore thành các loại khác nhau, mỗi loại có dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng riêng:
Nhiễm trùng phổi: Là dạng bệnh Whitmore phổ biến nhất, xuất phát từ bệnh phổi nơi nhiễm trùng có thể hình thành một ổ mủ (áp xe). Tác động của nhiễm trùng phổi có thể từ viêm phế quản nhẹ đến viêm phổi nặng, do đó, bệnh nhân cũng có thể bị sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, khó thở, đau ngực và đau nhức cơ… nói chung.
Nhiễm trùng cục bộ: Khi nhiễm trùng trên da (viêm mô tế bào) sẽ có các dấu hiệu như đau hoặc sưng, loét và áp xe, kèm theo sốt và đau cơ.
Nhiễm trùng máu: Nếu Whitmore xâm nhập vào máu, các triệu chứng sẽ rất nặng, có thể bao gồm sốt, nhức đầu, suy hô hấp, đau bụng, đau khớp, chóng mặt, mất phương hướng…
Nhiễm trùng lan tỏa: Bệnh Whitmore có thể lây lan từ da qua máu để trở thành một dạng Whitmore mạn tính ảnh hưởng đến tim, não, gan, thận, khớp, mắt…
Do bệnh cảnh lâm sàng đa dạng nên bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu… Vì vậy, chỉ có xét nghiệm tìm trực khuẩn khi thấy Burkholderia pseudomallei (+) mới có thể chẩn đoán xác định là bệnh Whitmore.
3. Phương hướng giải quyết căn bệnh Whitmore ở VN
Quá trình điều trị Whitmore chia làm 2 pha (giai đoạn): Pha Điều trị tấn công với kháng sinh dạng tiêm và pha điều trị duy trì với kháng sinh dạng uống.
Pha 1, cần phải dùng kháng sinh tiêm (thường là nhóm ceftazidime, meropenem, cotrimoxazol) tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó pha 2 tiếp tục dùng kháng sinh uống duy trì (như doxycyclin, amoxicillin/ acid clavulanic…) khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa. Điều nguy hiểm là bệnh dễ tái phát, sức khỏe của bệnh nhân rất dễ suy kiệt do bệnh tái đi tái lại hoặc nếu điều trị không đúng phác đồ. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong rất cao, tới 40% – 60% ở tuần đầu.
Hiện nay, nuôi cấy và định danh vi khuẩn là rất quan trọng trong xét nghiệm bệnh Whitmore. Vừa qua TS Trịnh Thành Trung (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã giúp các anh chị em cận lâm sàng triển khai phương pháp xét nghiệm mới với giá thành chỉ tốn 7.500 đồng/1 lần xét nghiệm, bằng 1/34 giá thành hiện tại nếu dùng phương pháp truyền thống, nhưng độ chính xác lại lên tới > 97% và có thể triển khai đến tận các bệnh viện tuyễn tỉnh, giúp người nhiễm bệnh sẽ sớm được tiếp cận với phác đồ điều trị đúng, từ đó giảm tình trạng nguy kịch bệnh, giảm thời gian tiêm kháng sinh tấn công, giảm chi phí nằm viện cũng như chi phí điều trị bệnh nói chung.
Song song với xây dựng mạng lưới nghiên cứu bệnh trên toàn quốc, Nhóm nghiên cứu luôn luôn hướng đến các hợp tác quốc tế trong nghiên cứu về bệnh Whitmore nhằm lĩnh hội các kiến thức mới nhất về căn bệnh này như thường xuyên trao đổi với GS Ivo Steinmetz, Đại học Y khoa Griefswald – Đức và GS Danny Altmann, Khoa Y – Emperial College – Anh, hay TS Limmathurotsakul Direk, Khoa Y học Bệnh nhiệt đới – Đại học Mahidol – Thái Lan. Mối quan tâm lớn nhất của các nhà khoa học hiện nay là xây dựng nhóm hợp tác quốc tế chuyên tâm nghiên cứu về đáp ứng miễn dịch của vi khuẩn B. pseudomallei với cơ thể, từ đó tìm ra các kháng nguyên đặc hiệu cho việc phát triển kỹ thuật chẩn đoán sớm bằng phương pháp huyết thanh học và định hướng nghiên cứu phát triển vắc xin phòng bệnh trong tương lai.
Các nhà khoa học khuyến cáo là nếu người dân làm việc và tiếp xúc nhiều với đất (đa số nông dân), cần dùng các phương tiện bảo hộ, phòng hộ khi lao động cũng như trong sinh hoạt sẽ tránh được nguy cơ vi khuẩn trong đất xâm nhập cơ thể qua các vết thương hay những người có tiền sử bệnh tiểu đường hoặc các bệnh mạn tính về thận và phổi,… có những triệu chứng sốt kèm theo viêm phổi thì nên đến ngay các cơ sở y tế uy tín, có phòng xét nghiệm vi sinh để được khám, xét nghiệm và điều trị bệnh kịp thời. Còn đối với các bác sĩ, khi nghi ngờ bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore thì nên cho chỉ định cấy máu, mủ, đờm và nước tiểu ngay.
Hiện nay bệnh Whitmore chưa có vắc xin phòng bệnh, và cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng, cho nên biện pháp dự phòng cơ bản nhất vẫn là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi; tăng cường biện pháp phòng hộ trong lao động, sinh hoạt tránh để da bàn chân, bàn tay, các bộ phận trong cơ thể tiếp xúc với đất bẩn./.
COMMENTS