HomeBài viết khácBài viết chung về y tế

Dùng thuốc chữa bệnh nên biết – BS Nguyễn Đức Kiệt

Dùng thuốc chữa bệnh nên biết – BS Nguyễn Đức Kiệt

Đông dược Phú Hà – Thuốc chữa bệnh được phân ra hai loại chính là thuốc Đông y và thuốc Tây y. Nhân dân ta luôn luôn quan niệm đã ốm thì phải dùng thuốc (trong dân gian có câu: “ăn không rau như ốm đau không thuốc”). Nhưng dùng thuốc gì, dùng bao nhiêu, dùng như thế nào… là điều mọi người cần phải biết. Dưới đây là một bài viết khái quát về cách dùng thuốc, mời quý bạn đọc tham khảo.

3 lĩnh vực chăm sóc và điều trị

Nói đến việc sử dụng thuốc chữa bệnh, nhiều người nghĩ rằng trách nhiệm đó thuộc về thầy thuốc. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Quan niệm mới trên thế giới về chăm sóc và điều trị hiện nay cho rằng có 3 lĩnh vực chăm sóc và điều trị: lĩnh vực dân chúng, lĩnh vực dân gian và lĩnh vực nghề nghiệp.

  • Lĩnh vực dân chúng là chăm sóc sức khoẻ tại cộng đồng, đơn vị chăm sóc chủ yếu là gia đình mà vai trò chính là người phụ nữ. Ở đây người phụ nữ thường là người quyết định chữa bệnh tại đâu, chữa bằng hình thức nào và thường họ tự mua thuốc về nhà điều trị.
  • Lĩnh vực dân gian cũng là chăm sóc tại cộng đồng, nhưng do những người bán chuyên nghiệp đảm nhiệm. Họ là những ông lang, bà mế, thầy tu, bà đỡ, thầy giáo,… ngày thường họ là người làm các nghề nghiệp của mình, nhưng khi có người ốm, họ trở thành “thầy thuốc”.
  • Lĩnh vực nghề nghiệp là do những người được đào tạo về y tế, có bằng cấp, đảm nhiệm.

Hiện nay ở thị trường thuốc nước ta có khoảng 3.500 loại thuốc chữa bệnh khác nhau. Nhưng con số sẽ không dừng lại ở đó mà sẽ ngày một tăng. Các nước khác số lượng mặt hàng thuốc còn nhiều hơn rất nhiều, thí dụ Thái Lan có khoảng 38.000 loại, còn Thụy Điển có tới 72.000 loại thuốc lưu hành. Qua những số liệu nghiên cứu gần đây cho thấy, có tới trên 90% số người đến hiệu thuốc mua thuốc là không có đơn, nghĩa là những người ốm đau được chăm sóc ở lĩnh vực dân chúng và lĩnh vực dân gian là chính. Vì vậy việc trang bị kiến thức sử dụng thuốc sơ đẳng cho cộng đồng là một việc làm cần thiết.

Nhưng việc sử dụng thuốc là một việc khó khăn. Các bác sĩ là người được phép kê đơn phải học lý thuyết và thực hành 6 năm liên tục mới ra trường, nhưng sau khi ra trường họ còn phải làm khoảng 5 năm mới có đủ kinh nghiệm điều trị cho người bệnh, nghĩa là người sử dụng thuốc phải qua ít nhất 10 năm kinh nghiệm. Muốn điều trị tốt, người thầy thuốc phải có 3 cái biết: biết người, biết bệnh, biết thuốc.

  • Biết người vì con người là một sản phẩm tuyệt vời của tự nhiên, mỗi con người là một thực thể riêng biệt, không ai giống ai cho nên thuốc điều trị cho mỗi người cũng phải khác nhau. Người có thanh niên, người già, người trẻ, có phụ nữ, thậm chí phụ nữ cũng có người bình thường, người đang hành kinh, người đang mang thai, người đang cho con bú… mà mỗi giai đoạn đó phải có cách điều trị khác hẳn nhau.
  • Phải biết bệnh vì cùng một bệnh, nhưng ở mỗi con người có những biểu hiện khác nhau, vì phụ thuộc vào cả yếu tố di truyền và yếu tố và yếu tố ngoại cảnh. Các loại bệnh đều có các thời kỳ khác nhau: thời kỳ ủ bệnh, thời kỳ khởi phát, thời kỳ toàn phát, thời kỳ lui bệnh và thời kỳ hồi phục. Mỗi thời kỳ đều biểu hiện khác nhau, nên cho thuốc cũng phải khác nhau, không thể cho dập khuôn được.
  • Và phải biết thuốc vì cần biết tác dụng, biết tác hại (từ chuyên môn thường gọi là tác dụng phụ), biết tương ky, hiệp đồng, biết cách dùng và liều dùng của các loại thuốc v.v…

Dùng thuốc chữa bệnh

Trước hết nói về tác dụng của thuốc.

Một thứ thuốc thường có rất nhiều tác dụng. Thí dụ Aspirin là một thứ thuốc thông thường ai cũng biết vì được tìm ra từ rất sớm. Aspirin có tác dụng giảm đau, hạ nhiệt, chống viêm, dùng chữa cảm cúm, nhức đầu, đau răng, đau khớp, đau mình mẩy. Nhưng aspirin cũng còn có tác dụng làm máu lâu đông nên người ta còn dùng chữa chứng viêm tắc tĩnh mạch, huyết khối hay giãn tĩnh mạch chi. Song, cũng vì tác dụng lên quá trình đông máu nên nếu dùng cho những người viêm loét dạ dày – tá tràng, người lao phổi sẽ làm cho bệnh nhân dễ nôn hoặc ho ra máu. Tác dụng kích ứng dạ dày của aspirin có thể gây thủng dạ dày. Gần đây người ta lại mới tìm ra aspirin có tác dụng bào mòn cholesteron bám ở thành mạch máu nên có thể dùng aspirin phòng và chữa bệnh xơ vữa động mạch, cao huyết áp với liều 0,25g – 0,30g một ngày, uống liên tục hằng ngày, chia hai lần sau hai bữa ăn chính. Tác dụng trên đây của aspirin được người ta coi là “cải lão hoàn đồng”. Nhưng những người loét dạ dày – tá tràng, lao phổi, rối loạn đông máu, phụ nữ đang hành kinh… không dùng được.

Tóm lại, một loại thuốc có thể có rất nhiều tác dụng, nhưng khi dùng thuốc, người dùng phải hiểu đầy đủ về thuốc mới có thể phát huy được tác dụng, hạn chế tác hại do chúng gây ra.

Các thuốc Cocticoit, mà điển hình là Coctizon, và biệt dược là Prednisolon hay Dexametazon, chống viêm, chống dị ứng rất mạnh, chỉ với một liều nhỏ có thể có tác dụng rất rõ rệt, nhưng tác hại của nó cũng thật khó lường. Coctizon được dùng trong các bệnh thấp khớp cấp và mạn tính, hen phế quản, bệnh ngoài da do dị ứng, một số bệnh do rối loạn chất tạo keo, các chứng suy tuyến thượng thận, một số viêm nhiễm, dị ứng ở mắt… nhưng nó lại làm giữ nước và làm mềm xơ nên gây phù, rất nguy hại cho những người mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch, bệnh gan, thận… vì vậy nhiều người ví thuốc coctizon như một con dao hai lưỡi. Các thuốc Cocticoit là thuốc độc bảng B. Đúng ra thuốc này phải có đơn của bác sĩ, nhưng hiện nay các loại thuốc Cocticoit đang được bán tự do trên thị trường trong cả nước, ai mua cũng được, và đã có không biết bao nhiêu hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Tác dụng thuốc còn phụ thuộc vào cách dùng và liều dùng. Thí dụ muối Natribicachonat (mà nhân dân ta thường gọi là thuốc muối dạ dày) có các tác dụng khác nhau tuỳ liều dùng và thời gian dùng. Nếu dùng khoảng 0,5g – 1g trước bữa ăn 1 giờ, nó sẽ là thuốc kích thích tiết dịch vị, làm cho ăn ngon cơm và chữa bệnh thiếu dịch vị ở những bệnh nhân viêm loét dạ dày do thiếu axit. Nhưng nếu dùng 3-5g sau bữa ăn 2 – 3 giờ nó sẽ có tác dụng trung hoà dịch vị, làm giảm tiết dịch vị, dùng chữa bệnh tăng tiết dịch vị ở những bệnh nhân viêm loét dạ dày – tá tràng thừa axit. Như vậy cùng một thứ thuốc, nhưng liều dùng và thời gian dùng thuốc khác nhau, nó sẽ có tác dụng ngược hẳn nhau.

Hay như Tetraxyclin là thuốc kháng sinh rất quen thuộc với nhân dân ta. Tetraxyclin chữa được nhiều loại bệnh nhiễm khuẩn khác nhau, đặc biệt là các bệnh về răng, xương, vì thuốc ngấm vào răng, xương rất nhanh và tồn lưu khá lâu trong đó. Chính vì vậy, khi trẻ em đang thời kỳ hình thành răng sữa và răng vĩnh viễn (trước 15 tuổi) hay phụ nữ có thai mà dùng Tetraxy-clin thì sau này trẻ em sẽ có hai hàm răng vàng xỉn màu Tetraxyclin. Nếu người dùng chỉ để ý đến tác dụng kháng sinh của Tetraxyclin mà không để ý đến tác dụng phụ này thì thế hệ con cháu chúng ta sẽ vô cùng oán trách bố mẹ chúng, vì bố mẹ đã làm mất đi vẻ đẹp của “một góc con người” của con cái mình.

Dùng thuốc chữa bệnh

Có thể kể ra đây một số thí dụ tiêu biểu về cách dùng và thời gian dùng thuốc.

Một số thuốc uống vào gây kích ứng dạ dày nên người ta thường uống sau bữa ăn, thí dụ các thuốc giảm đau, hạ nhiệt, loại kháng Histamin tông hợp, các thuốc có than (để hút hơi, chống đầy chướng bụng), các thuốc sốt rét, coctizon, an thai hoàn, sulfamit, viên kavet, viên sắt, vitamin C, v.v…

Các thuốc uống vào ngay trước bữa ăn thường là các loại rượu bổ, thuốc bổ, dầu cá, kháng sinh Erytromyxin, Penixillin V, Streptomxin…;

Các thuốc dùng trong bữa ăn thường là: Aspirin, Salamit (chữa thấp khớp), Papaverin, Phitin (dạng cốm, viên), Viên mật…

Một số thuốc dùng trước khi đi ngủ: các loại rượu bổ, thuốc bổ, các loại thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc tẩy giun…

Ngoài tác dụng, liều dùng, chúng ta còn phải chú ý tới tác dụng hiệp đồng và tính tương kỵ của thuốc.

Tác dụng hiệp đồng là khi dùng phối hợp hai hay nhiều loại thuốc thì tác dụng của chúng lớn hơn tác dụng của từng loại cộng lại. Thí dụ khi dùng Penixillin phối hợp với Streptomyxin hay Penixillin phối hợp với Sulfamit thì tác dụng sẽ tăng lên rất nhiều so với khi dùng đơn độc.

 

COMMENTS