HomeSức khỏe sinh sảnTình dục & sức khỏe

Nam giới với sức khỏe sinh sản – BS Nguyễn Đức Kiệt

Nam giới với sức khỏe sinh sản – BS Nguyễn Đức Kiệt

Đông dược Phú HàNói đến sinh sản và sức khỏe sinh sản, nhiều người nghĩ ngay đến việc đó là của “phái đẹp”. Điều đó chỉ đúng một nửa. Bởi vì ngoài việc góp phần hình thành cơ thể một sinh linh mới, người nam phải đóng góp một nửa thì ngay cả trong quá trình đứa bé phát triển trong bụng người mẹ, những năm tháng đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình, kinh tế của gia đình và kiến thức của cha mẹ… góp phần rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách cũng như thể chất và trí tuệ của đứa con. Bài viết dưới đây của Nhà thuốc giúp người đọc hình dung thêm về vai trò của nam giới trong vấn đề sức khỏe sinh sản.

Con người là một động vật cao cấp, sinh sản hữu tính. Chức năng sinh sản phải là của cả hai giới nam và nữ. Muốn hình thành được một cơ thể, cần phải có sự kết hợp giữa tinh trùng của nam và trứng của nữ. Đứa con mang yếu tố di truyền của cả cha và mẹ. Một mililít tinh dịch của nam giới chứa khoảng 50 triệu tình trùng. Nhưng không phải tất cả số tinh trùng trên đều có “may mắn” được gặp trứng để thụ tinh mà chỉ có một con duy nhất có vinh hạnh đó. Mỗi tháng có một trứng “chín” rụng ra, được “loa trứng” (giống như cái phễu) hứng lấy. Nhờ những lông mao rất nhỏ trong ống dẫn trứng chuyển động, trứng chín được di chuyển dần xuống buồng tử cung. Trong khi đó, tinh trùng sau khi vào tử cung, cũng lao như tên bắn dọc theo ống dẫn trứng để lên gặp trứng. Một cuộc “chạy marathon” diễn ra: con nào khoẻ hơn, nhanh hơn, “may mắn” hơn thì đến được với trứng đầu tiên.

Thường tinh trùng và trứng gặp nhau ở 1/3 trên của ống dẫn trứng. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Còn một trở ngại nữa phải vượt qua đối với các “chàng hiệp sĩ” tinh trùng: phải đục thủng chiếc vỏ dày của “nàng trứng”. Tất cả các “hiệp sĩ” phải hối hả tiết ra một chất tiết để phá vỡ vỏ trứng. Vỏ trứng mỏng dần. Một trong những “anh chàng” khỏe nhất, hăng hái nhất may mắn đục thủng được vỏ chui đầu vào, bỏ lại phần đuôi ở ngoài. Vỏ trứng lập tức khép kín lại đầy lên, không cho kẻ thứ hai lọt vào. Sự sống thần kỳ bắt đầu diễn ra.

Nhờ có cơ chế chọn lọc tự nhiên, tinh trùng được thụ tinh phải là tinh trùng khoẻ nhất. Tuy nhiên, nếu tất cả tinh trùng không có con nào thật khoẻ thì sao? Đành “bó đũa chọn cột cờ”. Rõ ràng, không thể có sản phẩm đứa con khỏe mạnh khi một trong hai người lại yếu đuối hoặc trong giai đoạn thụ thai, có một số yếu tố tác động đến sức khoẻ của họ. Bởi vì “sức khoẻ”, theo định nghĩa của tổ chức Y tế thế giới, “không phải chỉ là không có bệnh tật, mà là một trạng thái đầy đủ, thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội”. Và cũng theo thuyết di truyền, người ta nhận thấy là nếu người cha bị mắc các bệnh di truyền (mù màu, máu đông kéo dài, tâm thần…), bệnh mạn tính (lao, kiết lỵ, động kinh, toxoplasma…), thì tinh trùng sẽ không được khoẻ và tất nhiên, con cái họ sẽ khó có thể khoẻ mạnh được. Trường hợp hai vợ chồng có cùng huyết thống thì có tới 27 – 53% con cái họ sẽ không bình thường.

Vì thế, muốn có đứa con khoẻ mạnh, về phía người cha phải có kiến thức, biết sinh hoạt, biết cách ứng xử và có sức khoẻ.

Nhiều tài liệu nghiên cứu đều cho nhận xét là những người cha nghiện ma tuý, thuốc lá, nhiễm chất phóng xạ, nhiễm những chất độc như chì, thủy ngân, thạch tín (đặc biệt trong giai đoạn hình thành tinh trùng), thì những đứa con của họ thường yếu và tỷ lệ thai chết cao hơn mức bình thường. Cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược của Việt Nam đã cho thấy có hàng ngàn trẻ em khi đẻ ra bị khuyết tật bẩm sinh vì cha của chúng bị nhiễm chất độc màu da cam Dioxin. Rượu cũng là một kẻ thù của sức khoẻ thai nhi. Tuy cho đến nay người ta chưa thấy có sự tương quan đáng kể giữa tỷ lệ những trẻ em bị quái thai với bố mẹ uống rượu, nhưng người ta thấy rằng rượu làm tổn thương tế bào não, tế bào gan và các tuyến nội tiết một cách rất rõ ràng, vì vậy người ta nhận thấy những người nghiện rượu hoặc uống rượu say trước lúc “mây mưa”, con họ sinh ra thường rất yếu và tỷ lệ thai chết lưu cao hơn so với những trường hợp bình thường khác. Tóm lại, có thể nói, muốn có đứa con khoẻ  mạnh, người cha phải có kiến thức về “vệ sinh sinh sản”.

Còn trong khi người vợ có thai, vai trò của người chồng cũng không kém phần quan trọng. Trước hết, người chồng phải khuyến khích và tạo điều kiện để vợ ăn đủ các chất bổ cho đứa con vừa khoẻ về thể chất vừa khoẻ về tâm thần. Thông thường, trong thời gian có mang, người mẹ phải tăng cân từ 10 đến 14kg thì đứa con sinh ra mới bảo đảm trên 2500g. Nếu đứa trẻ đẻ ra có trọng lượng dưới 2500g thì người ta gọi là suy dinh dưỡng bào thai. Đứa bé đó sẽ không đủ sức khoẻ phát triển bình thường, sức chống đỡ với bệnh tật sẽ kém. Vì vậy, người mẹ phải ăn đủ các chất đạm, đường, mỡ, các chất khoáng, các vitamin và các chất vi lượng khác, đặc biệt các chất canxi (có nhiều trong sữa, phomat, cua, rau xanh…), vitamin C (có nhiều trong rau ngót, khoai tây, cà chua,  cam, chanh, bưởi…) axit Folic (có nhiều trong rau xanh, lạc, đậu…) chất sắt (có nhiều trong thịt nạc, gan, trứng, cá, mơ khô, nho khô…) Iốt (tốt nhất là dùng muối iốt), vitamin A (có nhiều trong trứng, gấc, dầu, gan, đặc biệt gan cá thu…)… Đặc biệt trong những gia đình kinh tế khó khăn, chồng phải quy định một chế độ ăn đặc biệt, ưu tiên cho người vợ khi có mang.

Một việc nữa cũng ảnh hưởng đến thai phụ và bào thai là chuyện “quan hệ vợ chồng” khi có thai. Y học đã chỉ ra rằng 3 tháng đầu và 3 tháng cuối trong thời kỳ mang thai, cần hạn chế “quan hệ”, 3 tháng đầu rất dễ gây sảy thai, ba tháng sau rất dễ nhiễm trùng và gây đẻ non.

Cuối cùng, là vai trò của người cha trong thời kỳ người mẹ cho con bú. Khi có con, người mẹ rất thiếu ngủ. Người chồng quan tâm đến vợ là phải giúp vợ và tạo điều kiện để vợ ngủ đủ. Có như vậy thì người vợ mới có đủ sức khoẻ. Về dinh dưỡng của người vợ sau đẻ cũng rất quan trọng. Tục ngữ Việt Nam có câu “Trai nuôi vợ đẻ gày mòn”.  Người chồng tốt khi chăm sóc vợ đẻ sẽ rất vất vả. Cần phải chăm sóc vợ rất chu đáo cả về tinh thần, vật chất và tình cảm.

Người mẹ cần được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để một mặt đủ sữa cho con, mặt khác đứa con phát triển đầy đủ về thể chất, tâm thần và trí tuệ. Người ta nhận thấy trẻ con bị thiếu chất đạm không những không phát triển về thể chất mà cả trí tuệ cũng bị hạn chế. Chuyện “chăn gối” sau đẻ cũng cần phải bàn đến. Những chuyên gia tình dục học cho rằng vợ chồng chỉ nên “chung đụng” trở lại ngoài hai tháng sau khi đẻ.

Trên đây là những kiến thức tối thiểu mà người chồng cần phải biết để giúp và phối hợp với vợ trong việc bảo vệ sức khoẻ cho vợ và con. Rõ ràng, sức khoẻ sinh sản không phải chỉ là việc riêng của phụ nữ mà là công việc chung của cả vợ lẫn chồng, trong đó vai trò của chồng là rất quan trọng, nếu không nói là quyết định./.

COMMENTS